| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng:

Sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân ổn định đời sống

Thứ Hai 17/10/2022 , 19:43 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt.

Mưa lũ làm sạt lở đất, chia cắt nhiều khu vực. Ảnh: Ngọc Trung.

Mưa lũ làm sạt lở đất, chia cắt nhiều khu vực. Ảnh: Ngọc Trung.

Mưa lũ làm 8 người chết tại khu vực miền Trung

Thời gian qua, hoàn lưu bão số 5 kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung bộ, đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 17/10, mưa lũ tại khu vực miền Trung đã làm 8 người chết. Hiện còn 2 điểm sạt lở lớn gây tắc đường tại tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ NN-PTNT, GT-VT, GD-ĐT, Công Thương, Quốc phòng, Công an, LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt.

Nước lũ tràn vào khu dân cư ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Lộc.

Nước lũ tràn vào khu dân cư ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Lộc.

Các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở.

Cụ thể, cần tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.

Khẩn trương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là hộ nghèo, hộ có nhà bị sập đổ, trôi, hộ ở nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt giao thông, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói, rét.

Sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.

Tập trung khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại, ngập lụt, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, các tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để sớm cho học sinh trở lại trường, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới.

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị triển khai tìm kiếm người bị mất tích do mưa lũ. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN.

Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị triển khai tìm kiếm người bị mất tích do mưa lũ. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN.

Tiếp tục tổ chức lực lượng rà soát khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất.

Khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, kịp thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền theo đúng quy định.

Chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất

Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GT-VT phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai khắc phục nhanh nhất các tuyến giao thông trọng yếu, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; tập trung huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục ngay các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là khu vực Km32+200 Quốc lộ 9C (tỉnh Quảng Bình) và Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị), bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn giao thông.

Lực lượng vũ trang giúp dân dọn dẹp bùn đất sót lại sau mưa lũ. Ảnh: Lao động.

Lực lượng vũ trang giúp dân dọn dẹp bùn đất sót lại sau mưa lũ. Ảnh: Lao động.

Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo vệ sinh trường lớp, khắc phục công trình bị hư hỏng; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tạo điều kiện cho học sinh trở lại học bình thường sớm nhất. 

Bộ Y tế chỉ đạo bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng ngập lũ, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không được để phát sinh bệnh dịch sau lũ.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất; chủ động hướng dẫn khôi phục sản xuất sau mưa lũ; rà soát, kiểm tra hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập để chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trong những đợt mưa lũ tới.

Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, sản xuất công nghiệp; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Sạt lở nghiêm trọng trên QL15D làm tê liệt đường lên cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Lộc.

Sạt lở nghiêm trọng trên QL15D làm tê liệt đường lên cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Lộc.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ, nhu yêu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu vực còn bị chia cắt, hỗ trợ Nhân dân và địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, dự báo chính xác, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và Nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kịp thời, theo đúng quy định; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.