| Hotline: 0983.970.780

Sớm nâng các tuyến cao tốc giới hạn 80 km/h lên 90 km/h

Thứ Hai 06/11/2023 , 19:27 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận một số tồn tại cần khắc phục trong việc xây dựng đường cao tốc và cam kết sẽ phân bổ nguồn lực để khai thác tối ưu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời thẳng thắn về những tồn tại trong xây dựng đường cao tốc. Ảnh: QH.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời thẳng thắn về những tồn tại trong xây dựng đường cao tốc. Ảnh: QH.

Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu thực tế, rằng đường cao tốc đi qua địa phương dài gần 200km nhưng không bố trí trạm dừng chân. Theo phản ánh của cử tri, khi lưu thông trên tuyến này không biết phải giải quyết "nỗi buồn" như thế nào. 

Thừa nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua việc triển khai các tuyến cao tốc được thực hiện theo kiểu "vừa chạy vừa xếp hàng". Trước đây chưa có quy định cụ thể về quy mô của trạm dừng nghỉ, nên Bộ dừng ở xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. 9 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường đang trong quá trình triển khai. "Bộ cam kết chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa", vị tư lệnh ngành giao thông nói. 

Liên quan tới vấn đề xã hội hóa xây dựng đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp thu hút nguồn lực đối với các dự án hợp tác đầu tư công tư.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra đời, việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Ngoài ra, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. 

"Thường các dự án hợp tác đầu tư công tư thường tách giải phóng mặt bằng làm trước, doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để điều chỉnh chính sách, thu hút hơn nữa nhà đầu tư", Bộ trưởng Thắng bày tỏ.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh băn khoăn về chất lượng đường cao tốc. Ảnh: QH.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh băn khoăn về chất lượng đường cao tốc. Ảnh: QH.

Tính cách phát huy hết hiệu quả đường cao tốc

Tại phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều tuyến đường cao tốc đã hoàn thành, đi vào vận hành khai thác nhưng chỉ cho phép tối đa là 80 km/h, chưa đạt được độ tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.

Chung mối quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đặt ra câu hỏi về chất lượng đường cao tốc. Theo bà, với mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc, trong bối cảnh đã cận kề năm 2025, các công trình này liệu có bị sớm hư hỏng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/h, 100 km/h, 80 km/h và 60 km/h. Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn xem còn phù hợp với thực tế không. 

"Chúng tôi nhận thấy, các tuyến quy định 80 km/h hầu hết đều có thể nâng lên 90 km/h. Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 sẽ thay đổi giới hạn tốc độ tối đa", ông nói.

Về chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng nói việc xuống cấp là có xảy ra, nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí. Ông khẳng định, Bộ Giao thông vận tải luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, đồng thời luôn tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, trong đó có vấn đề tài chính. 

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải chủ trương phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam bố trí khoảng 375 nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng chừng đó mới đạt hơn 70% nhu cầu. 

Theo Bộ trưởng, nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Đây là một giải pháp để vừa tăng tốc xây dựng đường cao tốc, vừa đảm bảo xoay sở trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Vị tư lệnh ngành nói sẽ ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn. Một số đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu...

Với nguyên tắc này, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách. Mục đích là mở rộng các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Bộ cũng đề xuất hoàn thiện các tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến La Habana, bắt đầu thăm Cuba

Tối 25/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc

Lễ hội được tổ chức tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, một chợ đầu mối hoa quả thuộc diện lớn trong vùng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ dân có nhà bị sập xuống sông Đồng Nai

ĐỒNG NAI Liên quan đến vụ 4 căn nhà bị sạt lở xuống sông, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai phối hợp với TP Biên Hòa tổ chức hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất