Người khôn mới làm được mận "ngố"
Đường chân trời như biến mất khi màu trắng của mây lẫn trong màu trắng của hoa mận. Những ngôi nhà be bé bên triền núi, triền đồi tưởng chừng cũng bồng bềnh trôi trong sắc trắng tinh khôi ấy. Khắp không gian ong bướm rộn ràng bay, chim chóc rộn ràng hót.
Nhắc đến mận Sơn La người ta hay nói về Vân Hồ, Mộc Châu nhưng ở Yên Châu quả cũng ngon không hề kém cạnh, vị chua rôn rốt mà ngọt hậu đậm đà. Xã Lóng Phiêng là thủ phủ của mận Yên Châu với hàng trăm ha trải dài tít tắp.
Băng qua chiếc cầu bắc tạm bằng ba bốn cây bương, chênh chao vì không có tay vịn tôi như người say khi lạc bước vào thiên đường hoa rộng mênh mông của anh Phạm Công Hoan ở bản Yên Thi. Vườn có 250 gốc mận, đều đang ở độ tuổi thứ 7, 8 - thời kỳ sung sức nhất, khiến cho khách đường xa len lỏi dưới tán cây ai nấy đều cúi đầu, thu tay lại vì sợ làm rụng những cánh hoa mỏng manh đang ánh lên như tuyết.
Bố mẹ anh quê gốc ở Hưng Yên lên khai hoang từ năm 1985, khi đó nơi đây chỉ toàn là đất bạc màu, cỏ tranh chen lẫn với cỏ lau không có ai chịu nhận. Do chậm chân, hết mất đất tốt nên gia đình đành phải nhận mảnh nương khô cằn ấy để trồng ngô. 7, 8 năm trước anh mới chuyển hướng sang mận bằng cách rất công phu là múc đất thành từng hố, bỏ phân hữu cơ vào cải tạo để trồng cây.
Thời gian kiến thiết rất lâu, 4 - 5 năm đầu gần như không có thu hoạch mà chỉ thấy tiền của, công sức đổ ra nhiều như nước ngoài suối. Năm 2019 anh học theo dân bản Ôn ở huyện Mộc Châu nơi có kỹ thuật rất mới là cắt tỉa cành mận để cho quả được to hơn.
“Để cành vươn tốt tươi nhìn rất thích mắt nên khi tôi cắt tỉa cây đến trơ trụi bà con đều bảo làm thế sao có quả mà thu? Dở người à? Mỗi gốc có được 1 tạ quả hay không? Ngay cả vợ cũng ca cẩm vì xót của nên tôi phải đuổi về, tự tay mình cắt tỉa hết, mãi về sau thấy vợ nguôi nguôi mới cho tham gia vào”, anh nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp.
Năm đầu tiên áp dụng kỹ thuật này cây ra hơi ít quả nhưng sang đến năm thứ hai thì mỗi gốc mận 50kg quả của nhà anh Hoan còn thu được nhiều tiền hơn mỗi gốc 1 tạ quả của nhà khác. Trung bình mận chọn 45 quả/kg đã là to nhưng vườn này đạt tới 23 quả/kg. Giá bán loại “mận ngố” như thế cao gấp hai, gấp ba lần thông thường nên ngay vụ đó anh đã lãi được 300 triệu.
Năm 2020 Sơn La bị một trận mưa đá hiếm gặp trong một đời người nhưng vườn của anh vẫn thu tới 2 tấn “mận ngố”, hầu như không có mận thường trong khi vườn nhà khác “mận ngố” chỉ lác đác. “Kỷ lục về giá năm 2019 tôi bán loại mận ngố chị 50.000 đồng/kg nhưng hồi ấy yêu cầu của người tiêu dùng chưa cao, chăm sóc chưa tốt "ngố" chị có 32 quả/kg trở xuống, "ngố" em có 40 quả/kg đổ xuống. Tới năm 2020 "ngố" chị tôi bán đã 23 quả/kg trở xuống rồi”, anh kể.
Anh Hoan bảo tôi, tổng cộng nhà có 5ha mận trong đó cắt tỉa gọn gàng như cây cảnh được 3ha, dự định sẽ sớm áp dụng nốt. Năm nay trong mặt bằng chung được mùa hoa của cả vùng nhưng vườn nhà anh vẫn khác biệt ở chỗ hoa to hơn, tỷ lệ bông đuôi chồn nhiều hơn và hầu như không có quả mận dọc, còi cọc, trái mùa. Những bông hoa ngắn dạng đuôi chồn ấy về sau sẽ đậu chừng 5 - 7 quả, quả to đặc biệt gọi là mận "ngố”.
Theo anh Hoan, “hoa rất quan trọng nhưng nếu không có lộc để nuôi dưỡng cũng không thành quả. Bởi thế, tỷ lệ đẹp giữa hoa và lộc là ¾ và ¼. Thời điểm chuẩn bị tắt hoa này có ý nghĩa quyết định 50/50 với sự thành bại của một mùa vì chỉ cần có rệp bám vào lộc là sinh ra quả vẹo, quả vọ, coi như bỏ”.
Từ 20 tháng 12 âm lịch cho đến tết là quãng thời gian các nhà vườn ăn rồi chỉ có mỗi việc là đeo bình đi phun. Anh Hoan toàn sử dụng “thuốc mát” - một loại chế phẩm sinh học để đỡ hại hoa, thứ nữa cũng là để đỡ hại người. Là nhà báo từng viết loạt bài về những ngôi nhà được dựng bằng chai thuốc trừ cỏ ở Sơn La nên tôi đặc biệt để ý đến chúng nhưng ở đây không thấy một bóng dáng vỏ bao nào. Anh bảo cây mận vốn rất nhạy cảm với loại hóa chất này, chỉ cần chạm vào là bị chột nên 5 năm nay tuyệt đối không còn dùng.
Một hai năm về đây cây mận có giá nên hầu như chẳng nhà vườn nào ở đây chặt cành để bán nhưng vẫn lác đác thấy hoa mận bày ven đường 6 dịp cận tết bởi đó là những cây cỗi, chuẩn bị chặt hoặc một số đồng bào thiếu hiểu biết không tính được giữa giá trị của hoa và giá trị của quả. Mỗi lần thấy một cành mận bị bày bán như thế anh Hoan tâm sự thấy rất xót xa.
Ngắm hoa quên cả đói
Men theo một lối mòn tím ngắt hoa dại uốn quanh triền đồi tôi tìm đến túp lều canh nương của anh Phạm Văn Huấn cũng ở bản Yên Thi. Đứng ở trên nóc lều canh phóng tầm mắt ra xa là bạt ngàn hoa trắng lấp lánh trong nắng vàng, là dòng suối trong xanh, là con đường cong như một dải lụa vắt hờ hững ngang lưng chừng núi.
Nhà anh Huấn có 3 nương mận tổng diện tích 3ha với khoảng 700 gốc riêng khu vực này đã 450 gốc. Hai năm nay anh áp dụng kỹ thuật không làm đất để nuôi cỏ chống xói mòn, tiêu độc chất từ phân hóa học và tạo thêm mùn bã hữu cơ. Hơn thế, nhờ có thảm cỏ mà đất bên dưới lúc nào cũng ẩm kịp cho cây mận ra hoa đều vào đúng mùa khô khát nhất. Ngoài ra anh còn sử dụng hệ thống tưới bơm nước từ dưới suối, có vòi dẫn đến từng gốc, đi bất cứ đâu, hễ có sóng điện thoại là có thể ra lệnh cho máy hoạt động.
Nghề trồng mận cũng lắm lao đao, lúc bởi giá cả thị trường trồi sụt, khi bởi thiên tai, bão gió bất thường. Suốt từ năm 2013 - 2017 giá mận rẻ tới mức chỉ 2.000 đồng/kg trong khi công thuê hái đã 1.000 đồng/kg nên anh bị lỗ nặng. Bắt đầu từ 2019 khi giá tăng cao, năng suất vườn đã có, gia đình anh mới lãi được 350 triệu.
Năm 2015 gặp đợt rét kỷ lục tuyết phủ dày 3 - 4cm trên các mái nhà, tuyết phủ trắng trên những gốc mận non nhưng kỳ lạ thay sau đó cây vẫn đâm chồi, bật lộc. Năm ngoái khi mưa đá xong, ra đồi nhìn quả mận xanh rụng dày đặc trên đá trắng, sờ tay vào lạnh buốt nhưng lòng chủ vườn còn lạnh buốt hơn. Là đàn ông anh cố kìm nén còn vợ anh thì như người mất hồn đến mấy hôm.
Mùa mận đó, tổng thu của anh chị chỉ được có hơn 300 triệu. Bởi thế, chứng kiến mùa hoa đẹp chưa từng có như năm nay, những chủ vườn như anh hết vào ra ngắm nương nhà mình lại đến nhà chúng bạn để vừa ngắm vừa bình luận hay chia sẻ kinh nghiệm.
Hết xuống dốc, vượt con suối cạn tôi lại ngược dốc để đi lên nương mận 400 gốc đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh của anh Nguyễn Văn Sản. Bên một mỏm đá rêu phong, mấy thành viên trong gia đình anh đang chuyện trò khe khẽ trong tiếng tao tác của gà trưa gáy, kêu mùa tình tự. Mới bước vào độ tuổi thứ 6, nghĩa là khá non nhưng năm ngoái vườn mận đã trả công chủ nhân mình bằng số lãi 160 triệu.
Nở một nụ cười mãn nguyện, anh bảo với tôi rằng: “Nhiều lúc lên nương ngắm thấy hoa nở đều, cánh dày, bông to, cây khỏe, tôi phấn khởi đến mức mê mải quên cả thời gian, 1 giờ chiều, vợ gọi điện báo cơm nhưng cũng chẳng muốn về nhà bởi bụng lúc nào cũng lưng lửng…”. Niềm vui của anh cũng giống như niềm vui của người nông dân đi giữa mùa vàng ngập tràn hương lúa chín vậy.
Một vài cánh hoa vương trên tóc, trên áo cũng đủ để cho tôi ra về mà lòng còn đầy lưu luyến, nhung nhớ cả một khoảng trời Tây Bắc mùa này đang ngập tràn trong sắc trắng…
Yên Thi - tên bản được ghép bởi tỉnh Hưng Yên và huyện Ân Thi, gốc gác chính của 180 hộ lên đây khai hoang. Giờ cỡ 50 - 60% có nhà lầu, 30 - 40% có xe hơi, năm 2020 dính trận mưa đá khủng khiếp, mất mùa nên tốc độ mua xe của bà con có chậm lại nhưng vẫn hơn 10 cái. Vụ mận này nếu thành công có lẽ sẽ thêm 20 chiếc nữa "tìm đường" về bản.