| Hotline: 0983.970.780

Phát triển các công trình thủy lợi tại Bình Thuận:

Sông Lũy tăng tốc, La Ngà 3 giậm chân tại chỗ

Thứ Sáu 15/05/2020 , 06:05 (GMT+7)

Hiện nay tỉnh Bình Thuận đang bị hạn hán gay gắt, do vậy việc xây dựng các công trình thủy lợi để giải bài toán khô hạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Công trình hồ chứa Sông Lũy thi công 3 ca, bảo đảm hoàn thành trước 31/12/2020. Ảnh: Ngàn Phố.

Công trình hồ chứa Sông Lũy thi công 3 ca, bảo đảm hoàn thành trước 31/12/2020. Ảnh: Ngàn Phố.

Dự án hồ chứa nước Sông Lũy tăng tốc

Dự án hồ chứa nước Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận được Bộ NN- PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4435/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017, gồm các hạng mục như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ có cửa, tràn tự do, cống lấy nước thủy lợi… trong đó đập chính gồm đập bê tông dài 325 m, chiều cao 34 m và đập đất có chiều dài 835 m.

Hồ chứa dung tích gần 99,9 triệu m3, tạo nguồn cấp nước cho 24.200 ha đất canh tác, cấp nước phục vụ sinh hoạt và trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2m3/giây, duy trì dòng chảy môi trường các tháng mùa khô, giảm lũ hạ du, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân, kết hợp phát điện.

Dự án được xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 1.484 tỷ đồng, khởi công ngày 23/2/2019 và hoàn thành vào trước 31/12/2021.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã đến kiểm tra công trường hồ chứa nước Sông Lũy, làm việc với chủ đầu tư, Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7) và các đơn vị liên quan.

Sau khi nghe Ban 7, các đơn vị thi công và UBND huyện Bắc Bình báo cáo, ông Nguyễn Ngọc Hai biểu dương các đơn vị vượt khó để thi công vượt tiến độ, không bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19. Thi công 3 ca để cuối tháng 9/2020 tích nước đến cao trình 120,5m, đến 31/12/2020 hoàn thành cơ bản toàn bộ công trình, vượt 4 tháng so với tiến độ được duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Ban 7 và các đơn vị có liên quan. Ảnh: Ngàn Phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Ban 7 và các đơn vị có liên quan. Ảnh: Ngàn Phố.

Ông Hai chỉ đạo, thời gian tới UBND huyện Bắc Bình cần vận động người dân, hoàn thành tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các cấp, các ngành tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đàm phán với Công ty CP Thủy điện La Ngâu, nhằm đưa dự án hồ chứa nước La Ngà 3 sớm được triển khai, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài.

Được biết, công trình hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà, được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006, nằm trong danh mục hồ chứa tại Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 18/02/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030.

Công trình còn được Bộ NN-PTNT cập nhật trong quy hoạch thủy lợi vùng Đông Nam bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Hồ chứa La Ngà 3, giậm chân tại chỗ

Hồ La Ngà 3 theo thiết kế có dung tích 476,82 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 77.615 ha cây trồng, cấp 600.000 m3/ngày nước sinh hoạt phục vụ công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, kết hợp phát điện với công suất 34MW.

Đập dâng Tà Pao tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Ảnh: Ngàn Phố.

Đập dâng Tà Pao tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Ảnh: Ngàn Phố.

Theo Sở NN- PTNT Bình Thuận, việc đầu tư hồ La Ngà 3 sẽ tạo ra một nguồn nước dồi dào mang lại lợi ích phát triển kinh tế- xã hội bền vững vùng phía nam tỉnh Bình Thuận cũng như nhân dân 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, là dự án hết sức cần thiết.

Nếu so sánh tính lợi ích, tính cấp thiết và sự lan tỏa của hồ La Ngà 3 với thủy điện La Ngâu công suất 46MW thì thật khập khiễng. Bởi hồ La Ngà 3 là dự án đa mục tiêu có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía nam Bình Thuận và một phần của 2 tỉnh bạn. Riêng thủy điện của hồ La Ngà 3 và hồ Ka Pét có công suất phát điện xấp xỉ bằng thủy điện La Ngâu.

Tuy nhiên, do dự án thủy điện La Ngâu đã được cấp phép đầu tư năm 2007 và đến tháng 6/2010 công trình đã hoàn thành hạng mục rà phá bom mìn, đường điện phục vụ sinh hoạt và thi công giai đoạn 1, đường thi công kết hợp vận hành 1A, hệ thống lưới khống chế thủy công, các mốc cắm ranh giới khu lòng hồ và mỏ vật liệu, khu nhà BQL điều hành và vận hành.

Từ tháng 6/2010 đến nay, dự án thủy điện La Ngâu dừng triển khai vì có sự chồng lấn giữa 2 dự án. Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều văn bản của Bộ NN-PTNT và các cấp có thẩm quyền, nhưng việc đàm phán giữa các bên vẫn chưa chưa có hồi kết.

Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần mời Công ty CP Thủy điện La Ngâu là chủ đầu tư để đàm phán, tổ chức xác định thực tế các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp đã đầu tư của dự án thủy điện La Ngâu, làm cơ sở xem xét bồi thường nhà đầu tư và cam kết ưu tiên giao cho công ty thực hiện phần đầu tư phát điện hồ La Ngà 3…

Tuy nhiên việc đàm phán vẫn chưa có kết quả. Mặc dù trước đó, nhà đầu tư thủy điện La Ngâu đã có Công văn số 85/CV/LHC-KII ngày 28/8/2007 cam kết sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình La Ngà 3 được đầu tư xây dựng.

Việc đã quá rõ và không thể kéo dài mãi. Hy vọng thời gian tới, đàm phán sớm kết thúc, kịp đưa dự án hồ La Ngà 3 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, góp phần khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội của không những Bình Thuận mà còn các tỉnh hạ lưu sông La Ngà.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận: Hồ La Ngà 3 có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận và phía đông bắc tỉnh Đồng Nai.

Hồ sẽ điều tiết nguồn nước khu vực nước xả sau thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, tăng thêm lưu lượng mùa khô để tưới cho 77.615 ha, gồm Bình Thuận 60.165ha, Đồng Nai là 17.000ha; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu 300.000 m3/ngày, cho tỉnh Bình Thuận 300.000 m3/ngày, phát điện qua đập 34 MW, cấp nước công nghiệp, du lịch, cải tạo môi trường, giải quyết cơ bản tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Thuận…

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất