Một bức ảnh của Quang Hải hoặc Tiến Dũng được rao bán với giá 100 đến 150 nghìn đồng ở khu vực sân Thống Nhất chiều 4/2. Dù giá khá cao, gấp khoảng hai lần so với mức giá một tấm chân dung tương tự được bán quanh sân Hàng Đẫy hay Mỹ Đình cách đây một tuần nhưng hàng bán rất chạy. Nhiều người ra muộn thậm chí không có ảnh để mua.
Nhưng điều đáng quý nhất của người hâm mộ phía Nam là họ công bằng với toàn bộ tuyển thủ. Trong vô số tấm ảnh được giương cao của CĐV khi chiếc xe buýt chở U23 Việt Nam đi qua, có cả bức hình của Văn Đức, của Đình Trọng và nhiều cá nhân khác. Họ, với đóng góp thầm lặng, đã bị các tổ chức và doanh nghiệp bỏ qua trong những buổi giao lưu và mừng công. Nhưng trước khán giả, những “vị trọng tài” công tâm nhất, tất cả đều được ghi nhận.
Đình Trọng không ghi bàn nào trên đất Trung Quốc, nhưng nếu không có pha cản phá ngay trên vạch vôi trận gặp Syria, Việt Nam đã phải dừng bước từ vòng bảng. Tình huống ấy có giá trị chẳng kém gì một pha lập công. Tương tự vậy, Văn Đức dù không đá chính, nhưng pha xử lý gọn gàng trong vòng cấm Iraq, trước khi dứt điểm hiểm hóc bằng chân trái của anh đã đưa trận tứ kết về thế quân bình 2-2. Xét về ý nghĩa, nó chẳng kém bàn gỡ của Quang Hải vào lưới Qatar.
Tiến Dũng, Quang Hải là hai người chơi nổi bật nhất ở giải đấu đầu năm 2018. Họ được truyền thông săn đón. Họ xứng đáng được hưởng những thành quả ấy, nhưng công lao của các thành viên còn lại không thể bị bỏ qua.
U23 châu Á, dù mang tầm vóc châu lục, nó vẫn dừng ở giới hạn một giải trẻ. Thành công của Việt Nam chỉ nên coi là một bước đệm cho các tuyển thủ, tiếp thêm cho họ sự tự tin, cũng như thêm một định hướng đúng đắn cho đội tuyển trong tương lai. Thành công của một nền bóng đá không thể chỉ nhìn vào quá khứ, mà cần hướng đến những gi sẽ xảy ra trong vài năm tới.
Hãy để thành tích hôm nay gói gọn trong lĩnh vực bóng đá, nơi thành viên nào cũng góp công, như cách mà người hâm mộ TP HCM đã nhìn nhận.