| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng bãi bồi, mặt nước lo trắng tay

Thứ Ba 18/06/2013 , 09:59 (GMT+7)

“Quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển” sắp có hiệu lực từ ngày 15/7/2013, đang khiến nhiều hộ dân lo lắng.

Thông tư 09/2013/TT-BTNMT ngày 28/5/2013 của Bộ TN&MT “Quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển” (gọi tắt là TT 09), sắp có hiệu lực từ ngày 15/7/2013, đang khiến nhiều hộ dân sử dụng những loại đất trên lo lắng, vì nguy cơ có thể lại mất trắng toàn bộ công sức và tài sản mà họ đã tích cóp cả đời.

Trước tình hình đó, mới đây Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) thuộc Thành hội nghề cá Hải Phòng, đại diện cho hàng trăm hộ dân đang sử dụng những loại đất trên của huyện Tiên Lãng, đã có văn bản gửi ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền khác, kiến nghị xem xét lại một số điểm trong TT 09.

Theo ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, thì lý do mà Liên chi hội có kiến nghị trên, là điểm c, khoản 1, điều 4 của TT 09 trái với quy định tại khoản 1, điều 67 (đất sử dụng có thời hạn) Luật Đất đai năm 2003; trái với khoản 1, điều 34 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ. Khoản 1, điều 67, Luật Đất đai 2003 quy định: "Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”. Nhưng điểm c, khoản 1, điều 4 của TT 09 lại quy định (về những trường hợp đang sử dụng các loại đất trên trước ngày TT 09 có hiệu lực) như sau: "Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất; không xin gia hạn sử dụng đất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thì Nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất, không bồi thường về tài sản gắn liền với đất”.


Ông Vũ Văn Luân (phải) và GS Đặng Hùng Võ trong một buổi trao đổi về Luật Đất đai

Không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi là lẽ đương nhiên. Khoản 1, điều 67, Luật Đất đai 2003 chỉ yêu cầu 3 điều kiện: 1- Có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất; 2- Chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất và 3- Việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, mà không trao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cái quyền “không cho phép” người dân được gia hạn sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là một khi hết thời hạn sử dụng đất, nếu người dân thỏa mãn đủ 3 điều kiện trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể không (nếu không nói là bắt buộc phải) giao đất cho họ hoặc tiếp tục cho họ thuê đất. Nhưng điểm c, khoản 1, điều 4 của TT 09 lại “thòng” vào cổ người dân thêm một sợi dây “Hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là UBND cấp huyện) cho phép gia hạn...” thì cũng bị thu hồi không bồi thường. Điều khiến hàng ngàn hộ dân đang sử dụng có thời hạn các loại đất trên trước ngày TT 09 có hiệu lực đứng trước nguy cơ mất trắng công sức, tài sản, chính là ở cái câu trái hoàn toàn với khoản 1, điều 67, Luật Đất đai đó.

Những gì diễn ra ở Tiên Lãng cũng có nguồn cơn từ việc UBND huyện giao bãi bồi, giao đất có mặt nước hoang hóa ven sông, ven biển có thời hạn (12-14 năm) cho dân để họ đổ tiền đổ sức xuống đó biến thành cơ sở nuôi trồng thủy sản. Hết thời hạn, dù họ có đủ 3 điều kiện như quy định tại khoản 1, điều 67, Luật Đất đai, nhưng không những UBND huyện không gia hạn sử dụng đất cho họ, mà còn kiên quyết thu hồi không bồi thường. Không chỉ ông Đoàn Văn Vươn mà nhiều hộ dân Tiên Lãng như các hộ Lê Đình Thảo, Vũ Văn Luân, Lương Văn Trong... cũng gặp thảm cảnh đó. Và việc đó không chỉ diễn ra ở Tiên Lãng. Do có vụ án Đoàn Văn Vươn mà mọi chuyện bị phơi bày, việc thu hồi, cưỡng chế đất đai của UBND huyện Tiên Lãng bị kết luận là trái pháp luật.

Nhưng chỉ cần sau 15/7/2013, khi mà TT 09 của Bộ TN&MT có hiệu lực, thì bằng vào những gì ghi trong điểm c, khoản 1, điều 4 của Thông tư trên, những ông quan “chẳng liêm, không hiền” của những địa phương có các loại đất trên đã nắm được “thanh kiếm” do Bộ TN&MT trao, để họ có thể “trảm” bất kỳ người dân nào được giao đất trước ngày TT 09 có hiệu lực, nay hết thời hạn sử dụng đất, để phục vụ cho những mục đích không trong sáng của họ.


Đất bãi bồi Tiên Lãng - Hải Phòng

Tiếp tục giao đất nông nghiệp; Tiếp tục cho thuê đất nông nghiệp; Gia hạn thời hạn sử dụng đất và Thu hồi đất nông nghiệp, đều là chế độ, chính sách của Nhà nước. Những trường hợp được tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đã được quy định rất rõ tại khoản 1, điều 34, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ. Đó là những diện tích đất nông nghiệp do các hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng. Còn việc gia hạn thời hạn sử dụng đối với các loại đất sử dụng có thời hạn, thì nằm trong khoản 2, điều 34, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, đó là những diện tích đất không thuộc quy định tại khoản 1, điều 34. Tức là những đất nông nghiệp không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, không được công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhóm đất phi nông nghiệp. Khi gộp tất cả các loại đất vào điểm c, khoản 1, điều 4, TT 09 rồi quy định rằng: "Khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất; không xin gia hạn sử dụng đất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn thì Nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất, không bồi thường về tài sản gắn liền với đất”, mà không phân biệt các loại đất gắn liền với cơ chế giao, cho thuê và gia hạn, là trái với những quy định tại khoản 1, điều 34, Nghị định 181/2004/NĐ-CP. Xin hỏi, nếu khi hết thời hạn mà những loại đất nông nghiệp đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn, thì khoản 1, điều 34, Nghị định trên của Chính phủ còn có ý nghĩa gì?

Cũng theo ông Vũ Văn Luân, thì điểm c, khoản 1, điều 4, TT 09 nói trên của Bộ TN&MT còn trái với khoản 1, điều 42 (Bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi) Luật Đất đai 2003; trái với điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; trái với điều 23 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 và trái với khoản 1, điều 3, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Những kiến nghị của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có thể còn phải trao đổi thêm, nhưng không phải là không đáng lưu ý.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.