* Tích tụ ruộng đất phải đi đôi với giải quyết việc làm cho nông dân
Mở đầu phát biểu của mình, người đứng đầu ngành NN-PTNT gửi lời chia sẻ tới bà con nông dân, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1 năm hết sức khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu và hiện tượng El nino ngày càng phức tạp, khó lường.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nước ta đang phải đối phó với El nino kéo dài và gay gắt nhất trong 60 năm. Đến tháng 10/2015 hạn hán đã làm 155.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng, 36.000 ha không thể gieo cấy. Ở Ninh Thuận có nơi 3/4 vụ liên tục không thể gieo trồng.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng tới năng suất lúa, cà phê ở nhiều nơi, trong khi đó Quảng Ninh, Quảng Ngãi lại bị thiệt hại nặng vì mưa lũ bất thường. 90% xác suất là hạn hán sẽ còn gay gắt hơn trong các tháng tới và kéo dài tới mùa xuân sang năm. Trong khi đó, thị trường nhiều loại nông sản chính gặp khó khăn, nhất là lúa gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra.
Trước tình hình đó, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân và DN. Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 843 tỷ đồng và gần 80.000 tấn gạo. Với nỗ lực chung đó, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 9 tháng đầu năm là 2,1%, thấp hơn so với 3% của năm 2014. Tuy vậy, lĩnh vực chăn nuôi và lĩnh vực lâm nghiệp vẫn phát triển với tốc độ cao hơn, trong đó đặc biệt lâm nghiệp đạt gần 8%.
XK nông lâm thủy sản 9 tháng chỉ đạt 21,7 tỷ đô la Mỹ, giảm 5%, do 5 mặt hàng chủ lực là gạo, cà phê, cao su, tôm và cá tra kim ngạch XK giảm mạnh. Mặc dù có 5 mặt hàng thuộc diện tỷ đô khác cũng tăng mạnh nhưng không kéo lại được. Trong đó có rau quả, điều, sắn và đồ gỗ.
Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, cải thiện rõ rệt điều kiện sống của nông dân ở nhiều nơi, nhất là những nơi làm tốt. Trước tình hình đó cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nhưng đây là lâu dài.
Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến đâu? Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả và tính bền vững để nâng cao nhanh hơn thu nhập của nông dân và giải pháp chủ yếu là phải thay đổi cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất và nguồn lực.
Hơn 2 năm qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật thuế thu nhập DN, Luật thuế VAT. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách đổi mới với hầu hết các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Có thể nói trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều có những chính sách rất mạnh đã được ban hành. Các bộ cũng đã quyết liệt mở cửa thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Về tổ chức lại SX, Bộ NN-PTNT đã cùng các địa phương thúc đẩy mở rộng liên kết SX theo mô hình cánh đồng lớn. Năm 2015 đã có 536.000ha lúa tham gia cánh đồng lớn. Mô hình liên kết cũng đang được xây dựng đối với các cây trồng và vật nuôi khác.
Chúng tôi đang phối hợp đẩy mạnh, sắp xếp đổi mới các DNNN, các nông, lâm trường quốc doanh, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đã soạn thảo đệ trình lên Chính phủ một nghị định về chính sách đối với các HTXNN.
Bộ cũng đã phối hợp với các bộ, các địa phương, thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHKT thông qua việc điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ, cơ chế quản lý và thu hút các DN tham gia.
Đối với các lĩnh vực SX khác cũng đang có sự thay đổi theo hướng nâng cao hiệu quả, như đẩy mạnh tái canh cà phê và áp dụng các giải pháp để phát triển bền vững với hiệu quả cao hơn.
Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, năm nay nhân dân đóng khoảng 800 tàu cá với công suất 90 mã lực, trong khi chương trình 67 đã hỗ trợ thêm thì dân đóng được 38 tàu. Phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững.
Về vấn đề phân bón giả mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu lên trước QH, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời rằng, lý do nước ta cần phải có nhiều loại phân bón là do có nhiều loại cây trồng, mỗi loại cây trồng có yêu cầu các loại phân bón với tỷ lệ phối trộn khác nhau, cho các vùng đất, mùa vụ và giai đoạn sinh trưởng khác nhau, có nhiều cách dùng khác nhau, có loại bón phân qua đất hút từ rễ, có loại bón phân qua lá.
Hiện nay ở nước ta đang cho lưu hành khoảng 5.300 tên phân bón. Trong suốt hơn 2 năm qua tôi đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh lại tình hình này, siết chặt lại, nhưng chúng tôi cũng mới làm được những gì trong phạm vi của mình. Tôi xin ghi nhận ý kiến của đại biểu Cương để tiếp tục chỉ đạo với tinh thần này. Đến 1/2/2016 nếu DN nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa. Chúng tôi cùng Bộ Công thương đang chỉ đạo thực hiện theo tinh thần đó.
Trước lo lắng của nhân dân và các ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về thực trạng VSATTP đến mức báo động, người đứng đầu ngành NN-PTNT cho rằng, chúng tôi nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về đảm bảo ATVSTP, nên đã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành và phối hợp triển khai nhiều biện pháp.
Chúng tôi cũng đã tổ chức họp và báo cáo rất nhiều, nhưng kết quả giám sát trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014. Do vậy chúng tôi đã phát động một cao điểm hành động đảm bảo ATTP kéo dài đến hết tháng 2/2016 để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho các năm tiếp theo, trong đó có kế hoạch riêng về kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tôi nhất trí với đại biểu Đỗ Văn Đương là phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Tôi đã báo cáo và nêu với các cơ quan chức năng, đối với tôi việc sử dụng chất cấm là một tội ác.
Về ý kiến rất đáng chú ý của ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, giao đất cho người sử dụng có hiệu quả cao nhất.
Quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhất trí với ĐBQH về việc phải có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho DN để có đất phát triển SXNN với công nghệ cao để đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên trong điều kiện hầu hết đất nông nghiệp đã giao cho nông dân quá trình tích tụ ruộng đất phải đi đôi với giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân.
Suy cho cùng chúng ta nỗ lực phát triển nông nghiệp vừa để đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhưng trước hết phải để nông dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
THIỆN NHÂN