| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: DN đã biết sợ

Thứ Tư 25/11/2015 , 10:08 (GMT+7)

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT), cho biết: Do chế tài xử phạt đã “nặng tay” hơn rất nhiều nên nhiều DN bắt đầu biết sợ.

* Kiến nghị bêu mặt người sử dụng chất cấm lên báo

Ngoài biện pháp xử phạt mạnh tay, Bộ NN-PTNT chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để giáng thêm một “bản án” với các đối tượng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) bằng hình thức “bêu tên” để cộng đồng tẩy chay. Đồng thời, huy động “tai, mắt” của nhân dân để phát hiện hành vi tội ác.

Đường dây nóng... luôn nóng

Vừa gặp PV, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) đã thông báo tin vui: “Anh em phía Nam báo cáo rằng mua chất cấm (hoặc ngoài danh mục) sử dụng trong TĂCN thời điểm này rất khó.

Đoàn công tác của Bộ cũng vừa kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh và không phát hiện thấy hoạt chất Vàng – Ô và salbutamol. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cẩn trọng lấy mẫu và gửi đi phân tích. Nếu dương tính với chất cấm sẽ tổ chức xử lý”.

Cũng theo ông Dũng, đây là thời điểm các doanh nghiệp rất sợ sử dụng chất cấm. Bởi, chế tài xử phạt đã “nặng tay” hơn rất nhiều. Ví dụ, trước đây khi phát hiện hành vi sử dụng chất Vàng – Ô, lực lượng chức năng chỉ xử phạt cơ sở SX từ 30 – 60 triệu đồng.

Nhưng, từ khi Thông tư 42/2015/BNNPTNT về ban hành danh mục bổ sung hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, SX, kinh doanh và sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm tại Việt Nam ra đời (có hiệu lực từ ngày 16/11/2015), mức xử phạt hành vi trên được nâng lên 140 – 200 triệu đồng; đồng thời tiêu hủy toàn bộ sản phẩm chứa chất cấm và đình chỉ hoạt động từ 1 – 3 tháng. Do đó hiệu quả răn đe rất tốt.

Ngoài tiến hành những cuộc thanh tra “chớp nhoáng” trên cơ sở báo cáo của địa phương và kết quả điều tra, trinh sát của lực lượng công an, Bộ NN-PTNT đã thiết lập những “đường dây nóng” qua sóng điện thoại di động (0917.808.113), điện thoại cố định (08042526) và thư điện tử (thongtinvipham@mard.gov.vn) để người dân tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.

“Chỉ chưa đầy 10 ngày, hàng trăm cuộc điện thoại, email và thư tay đã được chúng tôi tiếp nhận. Đáng chú ý nhất là 15 thông tin tố giác cơ sở SX TĂCN sử dụng chất cấm. Người gửi ghi rõ địa chỉ, số điện thoại và một số người cung cấp cả bằng chứng cho thấy có dấu hiệu vi phạm. Chúng tôi đã chuyển thông tin và chỉ đạo các địa phương kiểm tra quyết liệt, nghiêm túc để xác minh. Đồng thời, một số cơ sở SX có dấu hiệu nghi vấn cũng được giao cho lực lượng công an điều tra làm rõ”, ông Dũng nói.

Không chỉ tố giác tội phạm, thông qua đường dây nóng, rất nhiều người đã hiến kế để đẩy lùi hành vi “táng tận lương tâm” của các doanh nghiệp. Ví dụ như: công khai danh tính, địa chỉ và khuôn mặt của giám đốc, chủ xưởng SX TĂCN lên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng cùng lên án, tẩy chay...

Ông Phạm Tiến Dũng kể thêm, có cụ ông ở Hà Nội gọi tới, giọng rưng rức như sắp khóc chia sẻ: “Con cái tôi làm công chức nhà nước, làm cán bộ phường. Vì vậy các anh phải chiến đấu đến cùng để tiêu diệt chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ người dân và sức khỏe nòi giống nước Nam”. Điều đó cho thấy xã hội cực kỳ quan tâm, và truyền thông về chống chất cấm trong TĂCN thời gian qua đã làm rất tốt.

Truy xuất nguồn gốc đến cùng

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, cả nước có gần 100.000 cơ sở chăn nuôi; 480 doanh nghiệp SX TĂCN và trên 30.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, 900 cơ sở giết mổ tập trung. Dù cơ quan nhà nước căng mình đấu tranh thì cũng không làm xuể. Trong khi đó chỉ tiêu biên chế có hạn.

17-33-45_nh-2
Chất cấm Vàng – Ô được phát hiện tại Cty TNHH TĂCN Trường Phú (Hải Dương)

Ông Dũng cho biết, nhiều người dân gọi điện vào đường dây nóng hỏi rằng: "Sản phẩm cám của tôi có màu vàng. Vậy có phải là do chứa chất cấm hay không?".

Chúng tôi trả lời rằng, dựa vào mắt thường thì khó có thể kết luận được. Cơ quan chức năng phải tiến hành lấy mẫu ở đại lý cung ứng TĂCN và phân tích các thành phần hoạt chất mới có thể nhận biết. Trước mắt, người chăn nuôi đừng quá hoang mang, nếu không những cơ sở SX TĂCN chân chính có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Cả TP.HCM có khoảng 700 nhân viên thú y, trong khi cơ sở giết mổ hoạt động chủ yếu vào ban đêm. “Anh em phải thức đêm tỏa đi khắp nơi, chọn những con lợn nào có dấu hiệu nghi vấn (mệt mỏi, đi đứng khó khăn, thở dốc) để lấy mẫu nước tiểu kiểm tra dư lượng salbutamol. Nhưng, lực bất tòng tâm, không thể kiểm tra hết được. Bởi vậy, những chế tài xử phạt cứng rắn, có sức răn đe mạnh mẽ sẽ khiến cho doanh nghiệp sợ “gây tội ác” bằng việc đầu độc người dân bằng chất cấm", ông Dũng bày tỏ.

Trước đây, sự vào cuộc của các địa phương rất yếu. Khi có thông tin phản ánh, Chi cục Thú y chỉ xuống lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu vật nuôi của các cơ sở chăn nuôi. Nếu phát hiện dư lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép cũng chỉ bỏ đấy, không tiến hành truy xuất nguồn gốc. Lực lượng công an của địa phương cũng không hề hay biết.

Như vậy, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng rất lỏng lẻo. Thanh tra Bộ NN-PTNT đã nhắc nhở 3 tỉnh: Đồng Nai, Long An và Tiền Giang cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng để tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc chất cấm.

Tháng 9 vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công an thành lập một đoàn công tác đặc biệt ở phía Nam. Khi có thông tin phản ánh, chúng tôi thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chứa chất cấm và xử lý nghiêm, đồng thời mời báo chí cùng tham gia để đưa tin, phản ánh. Khi niềm tin của người chăn nuôi đối với một thương hiệu sản phẩm bị xói mòn, đó cũng là sự trừng phạt với doanh nghiệp.

Ngay sau khi phát hiện cơ sở SX TĂCN dùng chất cấm, để tịch thu lượng hàng hóa đã xuất kho, Thanh tra Bộ NN-PTNT yêu cầu đơn vị SX gọi điện thoại trực tiếp và ra văn bản thu hồi sản phẩm của các đại lý trong hệ thống phân phối, chở về công ty/nhà máy để tiêu hủy. Nếu lực lượng chức năng phát hiện hành vi che giấu hàng hóa chứa chất cấm để sử dụng, kinh doanh sẽ tiếp tục xử phạt nặng tay.

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng nhận được thông báo tại Vĩnh Long vừa bắt được 1 đối tượng buôn bán 14 kg thức ăn bổ sung cho vật nuôi có hàm lượng salbutamol vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Sản phẩm đó được đóng gói màu đen, trọng lượng 1 kg và không hề có nhãn mác.

Hiện công an đang tiếp tục điều tra số hàng hóa được vận chuyển theo đường nhập lậu hay doanh nghiệp được phép nhập khẩu tuồn ra ngoài. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu hoạt chất sabutamol của Bộ Y tế để cùng ngăn chặn việc đưa hoạt chất độc hại này ra ngoài thị trường.

MINH PHÚC

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.