| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo

Thứ Tư 28/09/2022 , 09:47 (GMT+7)

Phụ phẩm nông nghiệp nếu được khai thác tốt sẽ trở thành nguồn tài nguyên giá trị cao, đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam để làm rõ hơn vấn đề này.

Kính thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết tiềm năng sử dụng phế phụ phẩm trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay?

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Ước tính, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Những con số này cho thấy tiềm năng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp.

Như vậy, nếu chúng ta biết tận dụng và xử lý chế biến tốt nguồn phụ phẩm thành nguồn tài nguyên tái tạo thì sẽ mang lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp.

Vậy hiện nay nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp được sử dụng thế nào, đã thực sự trở thành nguồn tài nguyên tái tạo chưa, thưa ông?

Trong thời gian qua, với định hướng chính sách phát triển của nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường thì phế phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên thực sự, là đầu vào quan trọng cho việc sản xuất nhiều lĩnh vực khác. Các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ…

Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách, bao gồm ủ phân compost, xử lý bằng sản phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón. Bột thịt xương, bột thịt, bột gia cầm, bột lông vũ và mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi… Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền...

Tuy nhiên có thể thấy, việc sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn còn chưa đồng bộ, hiệu quả, lãng phí rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, hàng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat. Đây được coi là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng trong đất và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng. Trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí, chưa được sử dụng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết tuần hoàn.

Vấn đề này cũng đang đặt ra cần có những cơ chế và giải pháp thúc đẩy liên kết tuần hoàn giữa các cơ sở chăn nuôi và trồng trọt để tạo quy trình khép kín, sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi.

Hiện nay đã có nhiều mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như nguồn tài nguyên tái tạo thực sự, xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về giá trị thu được từ các mô hình này?

Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp đã có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Như một số hợp tác xã và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Người nông dân giữ lại rơm rạ không đốt, dùng sản phẩm sinh học xử lý, thậm chí không cần thời gian cách ly mà vẫn ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…

Trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty CP Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra….; những nguyên liệu này được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về từ 4-5 tỷ USD - một giá trị khá lớn.

Phụ phẩm trong ngành chế biến thủy sản có thể dùng làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm khác (Ảnh minh họa).

Phụ phẩm trong ngành chế biến thủy sản có thể dùng làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm khác (Ảnh minh họa).

Thưa Thứ trưởng, việc xác định phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên có giá trị cao, phát triển kinh tế tuần hoàn, thời gian tới đang có thời cơ, thách thức gì?

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Trong nông nghiệp, một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng triệu tấn chất thải hữu cơ, đây có thể là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, việc này đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ có định hướng giải pháp gì nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp, thưa ông?

Để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, Bộ sẽ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và triển khai thực hiện Quyết định số 855 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổ chức một số hội thảo khoa học liên quan đến các khái niệm kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế nông nghiệp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái.

Trước mắt, Bộ chỉ đạo giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và các đơn vị chức năng của Bộ xây dựng các chương trình lồng ghép vào kế hoạch sản xuất, các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đến các hộ sản xuất, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Vụ đông xuân năm 2021, giá bán rơm khoảng từ 55.000-75.000 đồng trên 1.000m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg. Như vậy, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân khoảng trên 500 nghìn đồng/ha rơm nếu đem bán. Sử dụng nguyên liệu sản xuất ethanol thích hợp từ mía, mật rỉ, bã sắn… Năng suất ethanol trung bình dao động từ 2.100 - 2.600 lít/ha đất trồng trọt tùy thuộc vào từng loại cây trồng. Nguồn sản xuất nhiên liệu sinh học gồm tinh bột và rỉ đường có tổng sản lượng khoảng 87 triệu lít/năm, tương đương với 57,4 triệu tấn dầu thô. Các loại phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên. Các mặt hàng này xuất khẩu mang lại giá trị rất cao, khoảng 1-5 USD/kg.

Về khía cạnh thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, tổng lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng trên 15% tổng lượng phát thải; lượng phát thải dự kiến nếu không có biện pháp can thiệp sẽ lên tới khoảng 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới khoảng một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mức đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm thải khí metan 30% vào năm 2030 và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo nói riêng và với ngành nông nghiệp nói chung.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.