| Hotline: 0983.970.780

Sứ giả của nông sản Việt

Thứ Bảy 12/02/2022 , 10:15 (GMT+7)

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt kiều rót vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Trong những năm qua, bà con Việt kiều ở nước ngoài đã chuyển một lượng lớn vốn, công nghệ cũng như đem nhiều tư duy đổi mới về xây dựng đất nước. Nhằm thúc đẩy hơn nữa xu thế này, cũng như tạo môi trường thông thoáng về đầu tư cho kiều bào, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn lực và khả năng đóng góp của bà con Việt kiều cho nền kinh tế nước nhà là rất lớn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để phát huy hơn nữa hiệu quả đầu tư này?

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, tại hơn 130 quốc gia. Trong đó, phần đông sống ở các nước phát triển. Bên cạnh tình yêu quê hương, nguồn lực của bà con rất lớn. Đầu tiên là khoa học công nghệ. Hiện 10-15% Việt kiều ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên. 

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thứ nữa là về kinh tế. Việt Nam chưa có nhiều tỷ phú như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng nhìn chung, đời sống của bà con khá tốt. Lượng kiều hối gửi về nước trung bình khoảng 17-18 tỷ USD/năm, tương đương với lượng đầu tư FDI hàng năm. Điều này giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại, giữ ổn định cho đồng nội tệ.

Việt Nam là nước đang phát triển, với lượng nông dân chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số. Nếu có thể kết hợp nguồn lực bên ngoài như một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA với nội lực trong nước, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra sức bật cho nền kinh tế.

Nguồn lực lớn, nhưng cách thức sử dụng nguồn kiều hối đến nay còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều. Chẳng hạn, kênh gửi ngoại tệ chủ yếu hiện nay của bà con là qua gia đình, người thân. Trên cơ sở đó, bà con muốn trước mắt là giúp đỡ gia đình, kế đó mới là góp phần tăng trưởng GDP thông qua đầu tư kinh doanh, mua bất động sản. Chúng ta không thể nắm chắc được nguồn tiền này đi vào đâu, tính thanh khoản ra sao. Ngoài ra, nếu dòng tiền không đi qua các kênh chính thống, bà con Việt kiều thậm chí gặp rủi ro.

Để thu hút hơn nữa nguồn lực này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách hướng nguồn tiền vào những kênh ít rủi ro, và được nhận những chính sách hỗ trợ, giúp đi đúng luồng được Nhà nước khuyến khích theo đúng tinh thần của Kết luận số 12, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 36 của Chính phủ.

Dưới góc nhìn của một thành viên Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, tôi cho rằng trước mắt cần xây dựng, thành lập một diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người nước ngoài. Đây là cơ sở tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục, đồng thời giúp bà con nắm rõ pháp luật trong nước, và là một kênh để cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các doanh nghiệp có nhu cầu tìm tới khi cần hỗ trợ nguồn vốn.

Diễn đàn, về cơ bản, sẽ được xây dựng giống như một hội chợ. Bên cạnh bà con Việt kiều, chúng ta có thể thu hút thêm bạn bè nước ngoài. Sản phẩm có thể trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp, hoặc dự án đầu tư công, dự án của doanh nghiệp. Dựa trên sự đảm bảo của các cơ quan quản lý, hoặc tổ chức pháp luật, diễn đàn sẽ phân bổ nguồn lực về vốn, công nghệ tới cả nước.

Ngày 6/7/2021, tại Hà Nội, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành lập Ban hỗ trợ pháp lý, nhằm tiếp nhận, hỗ trợ những nhu cầu của bà con kiều bào liên quan đến các vấn đề về pháp lý như: quốc tịch, đầu tư... trước khi chuyển các vấn đề này lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Nông nghiệp Việt Nam đã và đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD. Theo ông, đây có phải lúc thích hợp để người Việt xa quê hương đầu tư vào nông nghiệp?

Việt Nam có nguồn nông, lâm, thủy sản dồi dào, nhân công rẻ, dồi dào, và hiện được Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi trọng. Trong hai năm qua, đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. 

Không thể phủ nhận những thuận lợi hiện tại, nhất là khi Việt Nam đang tìm cách thích ứng, sống chung với Covid-19. Rõ ràng giờ là thời điểm chín muồi để thu hút bà con đầu tư vào nông nghiệp. 

Một điểm nữa cần nhắc đến, là Việt Nam hiện có nguồn thanh thiếu niên sang nước ngoài du học, làm việc. Họ là những người năng động, có kiến thức, và nắm rõ được khả năng cung - cầu của địa phương. Trong tương lai, thế hệ trẻ này hoàn toàn có thể trở thành những nhà đầu tư, hoặc đầu mối đưa công nghệ về Việt Nam, hoặc xúc tiến đưa nông sản ra nước ngoài.

Tôi được biết, rất nhiều người trẻ sau khi trở về từ nước ngoài đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Họ có trong tay vốn, tri thức, công nghệ, và sẵn sàng làm cầu nối đưa Việt Nam ra thế giới.

Là tổ chức gần với bà con Việt kiều nhất, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã có những dự định gì để tạo ra một làn sóng đầu tư vào nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung?

Trong vai trò cầu nối, Hội đã tăng cường các cuộc tiếp xúc cá nhân, tổ chức kiều bào, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng là phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, xây dựng Hội trở thành một địa chỉ tin cậy, mái nhà thân thiết với kiều bào. Hội góp phần giúp bà con kiều bào hiểu rõ hơn tình hình đổi mới ở trong nước, đồng thời tiếp nhận ý kiến về những vấn đề quan trọng, cần thiết liên quan đến quyền lợi của người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài…

Công tác truyền thông cũng được Hội chú trọng triển khai, cụ thể là đổi mới trang thông tin điện tử của Hội (nhipcauquehuong.vn) và xây dựng Cổng thông tin điện tử của Hội (alov.vn) để mở rộng diễn đàn giao lưu giữa các nhà khoa học, trí thức và doanh nhân trong và ngoài nước

Bên cạnh hoạt động xuyên suốt là thu hút đóng góp trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, Hội đã chủ động đề cập những bất hợp lý trong việc thi hành những điều khoản liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của người Việt Nam ở nước ngoài trong Luật Quốc tịch Việt Nam tại các hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các cuộc họp liên tịch với cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Chúng tôi nhận thấy, rằng trong những văn bản, chỉ thị mới đây, Đảng, Chính phủ đều tập trung cải thiện khung pháp lý, trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho bà con Việt kiều. Trên cơ sở những chính sách sẵn có, kết hợp sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, và cả hệ thống chính trị, Hội tiếp tục tăng cường kết nối, cũng như tìm ra những kênh phù hợp nhất từ cấp Trung ương đến địa phương, nhằm tạo ra môi trường đầu tư phù hợp, hấp dẫn.

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc tái cử chức danh Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ IV (2019-2024).

Ông Bình từng có thời gian học tập tại Triều Tiên (1965-1970), sau đó về nước làm việc tại Bộ Ngoại giao. Từ năm 1973 tới 1977, ông công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên, trước khi được cử làm Đại sứ tại Hàn Quốc (1992).

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.