Tác giả Trương Anh Ngọc không chỉ là nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao. Tác giả Trương Anh Ngọc cũng chinh phục được độc giả qua những trang viết du khảo và khám phá. Tác giả Trương Anh Ngọc từng có những cuốn sách gây hứng thú cho công chúng như “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”, “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, “Phút 90++”, “Hẹn hò với Paris”...
Có nhiều năm tháng rong ruổi ở châu Âu và châu Phi, tác giả Trương Anh Ngọc khẳng định “Đi khi ta còn trẻ” hoàn toàn không phải phút giây cao hứng hay bốc đồng với những lý thuyết suông. “Đi khi ta còn trẻ” chính là câu chuyện của miền đất tâm hồn, là phút giây tác giả lắng đọng lại để nghe những suy ngẫm, chiêm nghiệm, khát vọng bên trong mình, và bây giờ chia sẻ với bạn đọc.
“Đi khi ta còn trẻ” như một lời giục giã của tác giả Trương Anh Ngọc. Hãy đi khi bạn còn trẻ nhưng hãy đi cả khi bạn đã già, hãy đi khi bạn có đôi và đi cả khi một mình, hãy đi gần và hãy đi xa, hãy đi khi bạn có thu nhập ổn định và đi khi bạn chưa có nhiều tích lũy... Bởi chỗ của bạn là ở thế giới và “những ai đang sống sẽ nhìn thấy nhiều điều, những ai đi xa còn nhìn thấy nhiều hơn thế nữa”. Hơn nữa, “bạn đi đâu với trái tim rộng mở, tri thức được chuẩn bị kỹ càng, kỹ năng sống của bạn tốt, khả năng hòa nhập của bạn cao, thì đâu cũng có thể là nhà”.
Lên đường rồi, ta sẽ biết cuộc sống có quá nhiều vẻ đẹp mà ta chưa biết, quá nhiều con người thú vị mà ta chưa gặp. Đi để thấy thế giới bao la mà ta quá ư nhỏ bé, ta hiểu biết hơn và trở nên khiêm nhường, tử tế hơn. Đó là cảm hứng chủ đạo của “Đi khi ta còn trẻ”.
Tác giả Trương Anh Ngọc thu hoạch được gì qua những chuyến đi? “Tôi tìm thấy bản thân tôi, thấy sự tĩnh tại trong không ngừng vận động, thấy thế giới là một phần của tôi và tôi là một phần của nó, thấy ở những nơi đi qua nụ cười và nước mắt, niềm vui và nỗi đau, những mảnh đời, những buổi hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp, trăng, mưa, sa mạc, tuyết...”.
Trong cuốn sách “Đi khi ta còn trẻ”, tác giả Trương Anh Ngọc nhấn mạnh: “Không ít người chưa sống cho ra sống đã sợ chết. Cái chết không phải là tất cả, mà là một phần quan trọng của cuộc sống, một sự chuyển tiếp giữa những trạng thái của sự tồn tại. Sao không sợ sống một cách vô nghĩa, không có định hướng, không hoài bão và ước mơ, trong một cuộc đời nhờ nhờ hơn là sợ chết? Chết về tâm hồn, vì sự bon chen và xảo trá của cuộc sống khiến cái tâm ta mờ đi và đánh mất đi sự lạc quan, tự nướng tuổi trẻ của mình vào điều vô bổ là cái chết ghê sợ hơn cả”.
Đi như một đam mê, đi như một thử thách, đi như một trải nghiệm. Quan trọng hơn, đi để tìm thấy bản thân giữa cuộc đời rộng lớn, như tác giả Trương Anh Ngọc thổ lộ: “Nhà chính là nơi tôi có được những bình yên trong tâm trí, nơi tôi cảm thấy thoải mái, thanh thản, và là nơi tôi được ở bên gia đình nhỏ của tôi. Bất cứ đâu trên những cuộc hành trình, dù nơi ở lại chỉ ngắn trong vài tuần, hay dài đến vài năm, mà tôi cảm thấy như thế, thì đó là nhà.
Trong ngôi nhà tinh thần ấy, tôi thấy tự do, được thoát khỏi những ràng buộc cố hữu mang nhiều định kiến về một nơi chốn, hay sự níu kéo của những nỗi sợ hãi xa quê hương và không thể hòa nhập. Như thế, tôi có rất nhiều nhà trong hành trình đã qua. Đấy là "home", không phải "house". Và nữa, chúng ta có quê hương, nhưng trước mắt chúng ta là thế giới”.