| Hotline: 0983.970.780

Tái hiện hội thi võ Trạng nguyên Vương triều Mạc

Thứ Ba 11/07/2023 , 10:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Mạc Đăng Dung xuất thân từ nghề đánh cá, sau này trở thành vị vua duy nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam đạt danh hiệu 'Trạng nguyên võ'.

Khu di tích Vương triều nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Khu di tích Vương triều nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Vừa qua, tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tinh hoa võ thuật Hải Phòng diễn ra vòng đấu loại "Hội thi võ Trạng nguyên vương triều Mạc lần thứ nhất năm 2023’. Hội thi do UBND huyện Kiến Thụy và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tinh hoa võ thuật Hải Phòng tổ chức.

Theo Ban tổ chức, đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 496 năm ngày Mạc Đăng Dung đăng quang (15/6 năm Đinh Hợi 1527 - 15/6 năm Quý Mão 2023). Đây là hoạt động văn hóa nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp, khẳng định công lao và tôn vinh đóng góp của Mạc Đăng Dung, Vương triều Mạc và toàn dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thông qua hoạt động kỷ niệm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, nâng cao ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng. Đồng thời tạo không khí vui tươi phấn khởi trong quần chúng nhân dân, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Võ sĩ các đoàn tham dự hội thi biểu diễn võ thuật cổ truyền. Ảnh: Đinh Mười.

Võ sĩ các đoàn tham dự hội thi biểu diễn võ thuật cổ truyền. Ảnh: Đinh Mười.

Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, thiết thực, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và phát huy được những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, Hội thi võ Trạng nguyên vương triều Mạc lần thứ nhất là hoạt động đặc sắc để tôn vinh võ công của Mạc Đăng Dung, một nhân kiệt vùng đất Kiến Thụy xuất thân từ nghề đánh cá mà đã trở thành vị vua duy nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam với danh hiệu "Trạng nguyên võ".

Hội thi sẽ có 4 điểm nhấn: Một là, chương trình vinh danh các đại lão võ sư có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất võ Hải Phòng; hai là thi biểu diễn đại đao; biểu diễn quyền thuật, công phu, đối kháng biểu diễn và cuối cùng là thi đấu đối kháng tranh giải võ trạng nguyên.

Kết thúc hội thi, võ sĩ vô địch đối kháng sẽ được phong danh hiệu “Trạng nguyên võ Vương triều Mạc năm 2023” .

Ngay từ vòng đấu loại hội thi đã thu hút 20 đoàn võ thuật tham dự như: võ đường Quốc Dũng võ đạo, võ đường Văn nhân võ đạo, CLB Võ thuật đặc công tự vệ, võ phái Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương, Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam, Hội võ thuật Hà Nội,...

Ông Nguyễn Tiên Sơn - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Tinh hoa võ thuật Hải Phòng chia sẻ về những nét đặc sắc của hội thi. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Tiên Sơn - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Tinh hoa võ thuật Hải Phòng chia sẻ về những nét đặc sắc của hội thi. Ảnh: Đinh Mười.

Các phần thi gồm biểu diễn mô phỏng phiên bản Định Nam Đao 12 kg và đối kháng võ để chọn ra 8 võ sĩ thi đại đao và 20 võ sĩ thi võ Trạng Nguyên vào các ngày từ 27-30/7/2023.

Theo kế hoạch, ngày 27/7/2023, các đại biểu, các đoàn võ thuật và các võ sĩ sẽ tham gia dâng hương tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc, các di tích lịch sử ở huyện Kiến Thụy rồi kết thúc tại Từ đường họ Mạc.

Từ 27-30/7, sẽ khai mạc hội thi, vinh danh các lão võ sư Hải Phòng có nhiều cống hiến phát triển phong trào võ thuật, tri ân các nhà tài trợ chương trình, biểu diễn võ thuật, lân sư rồng và các cuộc thi đại đao, đối kháng.

Các hoạt động được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 496 năm ngày Thái Tổ Mạc Đăng Dung đăng quang sáng lập Vương Triều Mạc sẽ có giá trị động viên phong trào tập luyện võ cổ truyền, nâng cao tình yêu quê hương đất nước, nêu cao tinh thần thượng võ của thế hệ trẻ Việt Nam.

Màn tranh tài võ trạng nguyên đối kháng nảy lửa giữa các võ sĩ tại vòng đấu loại. Ảnh: Đinh Mười.

Màn tranh tài võ trạng nguyên đối kháng nảy lửa giữa các võ sĩ tại vòng đấu loại. Ảnh: Đinh Mười.

Mạc Đăng Dung sinh giờ Ngọ, ngày 23 tháng 11 năm Quý Mão (tức ngày 22 tháng 12 năm 1483) thời vua Lê Thánh Tông, người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Mạc Đăng Dung ở ngôi chỉ khoảng 3 năm, sau đó nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái thượng hoàng, nhưng ông đã để lại một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc sau này.

Ông xuất thân từ một thanh niên nghèo, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ, chuyên cầm dù đi theo vua. Về sau, do có tài năng nên ông tiến rất nhanh trên con đường quan lộ, 29 tuổi Mạc Đăng Dung đã được phong tước Vũ xuyên bá. Trải qua 3 đời vua Lê, ông được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương.

Nhân lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc.

Các miếng võ cổ truyền đọc đáo được các võ sĩ thi triển tại hội thi. Ảnh: Đinh Mười.

Các miếng võ cổ truyền đọc đáo được các võ sĩ thi triển tại hội thi. Ảnh: Đinh Mười.

Theo PGS.TS sử học Nguyễn Đức Nhuệ, chính tài năng và thời thế đã đưa Mạc Đăng Dung lên đỉnh cao của quyền lực, còn nhà sử học Lê Văn Lan thì nhận định, việc Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc lúc bấy giờ đã giải quyết được khủng hoảng đất nước để yên dân, dựng nước.

Những nhận định đó hoàn toàn có cơ sở bởi thời điểm đó, nhà Lê đã suy tàn, khủng hoảng cung đình chưa từng có diễn ra với 5 vua bị giết, 2 vụ tiếm ngôi xưng vương, các phe phái tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực suy tàn, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực.

Trong hoàn cảnh đó, binh sĩ nhiều người đã bỏ thân nơi chiến địa mà không vì lợi ích quốc gia, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp.

Mạc Đăng Dung còn được các sử gia khác đánh giá cao bởi cách đối nhân xử thế, sau khi phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông không tiến hành một cuộc tàn sát nào đối với con cháu của nhà Lê và những người trung thành với triều đình.

Còn với những di sản văn hóa, kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, ông cũng không xâm phạm hay tàn phá mà còn cho tu bổ các công trình như: Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long hay khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa,... Những việc làm này được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến.

Thi võ Trạng nguyên thời phong kiến được chia làm hai cấp: Ở cấp địa phương gọi là Sở cử, được tổ chức vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu. Hạng đạt trong kỳ Sở cử thì được thi tiếp lên kỳ Bác cử vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

Nội dung kỳ thi này gồm 3 vòng thi. Vòng thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong binh pháp Tôn Tử.  Vòng thứ 2 thi các môn võ thuật và kỹ thuật chiến đấu gồm: cưỡi ngựa múa đâu mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đâu mâu, lại đấu kiếm. Mỗi môn chỉ thi một tao (hiệp). Vòng thứ 3 thi về phương lược đánh trận và một bài thơ đường.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Hiệp hội Golf Việt Nam tăng số lượng giải đấu

Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) đã công bố hệ thống giải đấu golf năm 2025, bao gồm 9 giải chuyên nghiệp, 6 giải nghiệp dư và 10 giải đấu trẻ.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.