| Hotline: 0983.970.780

Tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn và công bố Festival Huế 2023

Chủ Nhật 01/01/2023 , 13:10 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Nghi thức này được tái hiện trong chương trình công bố Festival Huế 2003.

Lễ Ban Sóc triều Nguyễn là hoạt động mở đầu trong chương trình Festival Huế 2023. Ảnh: TTH.

Lễ Ban Sóc triều Nguyễn là hoạt động mở đầu trong chương trình Festival Huế 2023. Ảnh: TTH.

Sáng 1/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình công bố Festival Huế 2023 với hoạt động đầu tiên là tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn. 

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt: xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ, xem lịch để biết sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám.

Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng, cách đây gần 200 năm. Ảnh: TTH.

Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng, cách đây gần 200 năm. Ảnh: TTH.

Đây là lần thứ 2 lễ Ban Sóc triều Nguyễn được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Tái hiện lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã công bố chương trình Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Đây là lần thứ 2 lễ Ban Sóc triều Nguyễn được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Ảnh: TTH.

Đây là lần thứ 2 lễ Ban Sóc triều Nguyễn được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Ảnh: TTH.

Thừa Thiên - Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế là Festival Huế. Trải qua hơn 22 năm, Festival Huế đã trở thành một festival được chú ý trong hệ thống các festival trên thế giới. Vai trò và vị thế của thương hiệu Festival Huế ngày càng được khẳng định.

Festival Huế 2023 đặc biệt tập trung các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được ghi danh vào Kiệt tác Di sản phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, một số hoạt động kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước trên thế giới cũng sẽ được các Đại sứ quán phối hợp với Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tái hiện lễ Ban Sóc là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới. Ảnh: TTH.

Tái hiện lễ Ban Sóc là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới. Ảnh: TTH.

Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Festival Huế 2023 sẽ tiếp tục khai thác các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống hiện có, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch lễ hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ có hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa: “Xuân Cố đô”; mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng”; “Huế vào thu”; “Mùa Đông xứ Huế” do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất Cố đô văn hiến với 07 di sản được UNESCO vinh danh.

Lễ Ban Sóc được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Ảnh: TTH.

Lễ Ban Sóc được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Ảnh: TTH.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, Festival Huế 2023 sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện Cố đô Huế - Việt Nam, thành phố Festival đặc trưng, tạo động lực xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Lịch trình chuỗi hoạt động trong Festival Huế 2023:

- Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1 - 3): tiếp tục tổ chức các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù như đã triển khai trong năm qua. Mở đầu là chương trình Khai mạc công bố Festival Huế 2023 và tái hiện Lễ Ban Sóc. Đặc biệt, lần đầu tổ chức Lễ hội Hoàng mai quy mô toàn quốc (từ 09 - 19/01/2023) nhằm hướng tới xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

- Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6): sẽ là trọng điểm của cả năm, điểm nhấn là Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” (28/4 – 05/5/2023), và các hoạt động kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh.

- Lễ hội mùa Thu “Huế vào thu” (tháng 7 – 9): với điểm nhấn là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng kết hợp các hoạt động vui Tết Trung Thu như Lễ hội Đèn lồng, Ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân...

- Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12): sẽ tổ chức một số hoạt động lễ hội mới tạo không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế với điểm nhấn là Festival Âm Nhạc quốc tế và Chương trình Countdown chào đón năm mới.

Xem thêm
Việt Nam - những sắc màu di sản

Tối 22/11 tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống với chủ đề 'Việt Nam – những sắc màu di sản'.

Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận