180 ngày chống khai thác IUU. Xử lý nghiêm buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối. Mứt trái cây tại miền Tây vào dịp cao điểm. Festival giúp Đà Lạt tăng diện tích và sản lượng hoa gấp 3 lần.
180 NGÀY CHỐNG KHAI THÁC IUU
Văn phòng Chính phủ ra vừa Thông báo về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).Thông báo cho biết, tại cuộc họp với các Bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Kết quả chống khai thác IUU sau 5 năm bị EC cảnh báo "thẻ vàng" có sự tiến bộ, được phía EC ghi nhận.Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng các đơn vị liên quan cần khắc phục sớm một số tồn tại, hạn chế, nếu không tình hình có nguy cơ diễn biến phức tạp.Trên cơ sở báo cáo của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng giao Bộ - cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU - xây dựng kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC đến tháng 5/2023. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3/2023.
XỬ LÝ NGHIÊM ĐIỂM BUÔN BÁN TỰ PHÁT XUNG QUANH CHỢ ĐẦU MỐI
Khuya 28, rạng sáng 29/12, Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại một số chợ đầu mối trên địa bàn TP.Sau khi khảo sát tại chợ đầu nông sản Thủ Đức và chợ đầu nông sản thực phẩm Hóc Môn, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM hoan nghênh nỗ lực của hai đơn vị quản lý chợ đầu mối trong việc tuyên truyền, kiểm soát an toàn thực phẩm, hàng hoá về chợ mỗi đêm. Tuy nhiên, vấn đề chợ tự phát quanh các chợ đầu mối vẫn còn tồn tại và ngày càng nở rộ, kéo theo nhiều hệ lụy. Hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đang đề xuất UBND Thành phố yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt, đẩy mạnh xử lý các điểm buôn bán tự phát nhằm kiểm soát tốt chất lượng thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.NGUYỄN THUỶ
MỨT TRÁI CÂY TẠI MIỀN TÂY VÀO DỊP CAO ĐIỂM
Thời điểm này, các hộ làm mứt ở miền Tây đang tất bật sản xuất để kịp cung ứng ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết sắp tới.Tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, địa phương này vẫn giữ nguyên cách làm mứt truyền thống với mong muốn giữ được hương vị mứt xưa. Để làm ra những sản phẩm thơm ngon, loại mứt trái cây nào cũng cần phải phơi dưới ánh nắng liên tục trong nhiều ngày. Hiện, các cơ sở làm mứt tại đây đang trong giai đoạn cao điểm sản xuất. Theo người dân địa phương, năm nay giá mứt tết dao động từ 125.000 - 150.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ khoảng 5.000 đồng các loại, nguyên nhân do giá nguyên liệu tăng cao.Văn Vũ
FESTIVAL GIÚP ĐÀ LẠT TĂNG DIỆN TÍCH VÀ SẢN LƯỢNG HOA GẤP 3 LẦN
Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có gần 9.400 ha trồng hoa. Trong năm 2022, tổng sản lượng hoa toàn tỉnh đạt 3,65 tỷ cành.So với năm 2005, khi lần đầu Đà Lạt tổ chức Festival hoa, diện tích canh tác hoa toàn tỉnh khoảng 3.000 ha, sản lượng đạt 1 tỷ cành hoa các loại. Đến Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022, tổng diện tích và sản lượng hoa của tỉnh đã tăng lên gấp 3 lần. Việc tổ chức Festival Hoa Đà Lạt đã góp phần rất lớn trong tiêu thụ hoa trên thị trường. Từ đó ngành trồng hoa của TP và các vùng phụ cận liên tục mở rộng sản xuất.Vụ hoa Tết năm nay, toàn địa phương xuống giống khoảng 850ha, tăng 100ha so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, lượng hoa Tết năm nay đạt khoảng gần 200 triệu cành, tăng so với cùng kỳ từ 12 - 15%.