Trong họp báo Chính phủ chiều 3/8, trả lời lý do tại sao giá xăng dầu giảm nhưng các mặt hàng cước vận tải không giảm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, liên quan tới giá cước vận tải, yếu tố cấu thành lớn là giá nhiên liệu, nên giá nhiên liệu tăng sẽ khiến cho giá cước vận tải ở một số lĩnh vực ngành giao thông tăng.
"Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Điển hình là giá cước vận tải đường bộ có tới 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh cước vận tải tăng từ 10 - 15%", ông Nguyễn Xuân Sang nói.
Khi giá xăng dầu tăng thì giá cước tăng nhưng khi giá xăng dầu giảm thì sẽ có độ trễ nhất định để giảm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ thêm.
Theo ông, thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai giảm. Vì vậy, trước tình hình vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị rà soát, kê khai giảm giá.
Trong khi đó, thông tin về giảm thuế với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nói từ năm 2022 đến nay trước tác động của dịch bệnh, khó khăn của doanh nghiệp, Bộ đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về việc giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế nhiên liệu bay với doanh nghiệp hàng không.
Theo ông Võ Thành Hưng, đối với thuế nhập khẩu, hiện tại, chúng ta áp thuế với mặt hàng dầu nhập khẩu 0%, với các mặt hàng xăng nhập khẩu theo khối ASEAN là 8%, với biểu giá thuế của khối ngoài ASEAN là 20%.
Để tháo gỡ khó khăn, Thứ trưởng Hưng nói Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để giảm thuế mức 20% này về 10%. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ thực hiện phương án rà soát giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu thời gian tới.