| Hotline: 0983.970.780

Tầm nhìn phát triển thủy lợi [Bài 1]: Tránh chồng chéo trong quản lý nước

Thứ Sáu 08/12/2023 , 10:15 (GMT+7)

Theo GS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, tổ chức bộ máy quản lý ngành nước đang có sự chồng chéo, bất hợp lý.

Hai Bộ quản lý một dòng sông

Khi quản lý một dòng sông, Bộ NN-PTNT quản lý đê, kè, cống (bao gồm cả trạm bơm,…) dọc 2 con đê, thông qua chi cục quản lý đê, với hệ thống điếm canh đê cách nhau 1 km, có người trực canh đê trong mùa mưa lũ và các công ty khai thác công trình thủy lợi. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quản lý lòng sông (nước trong sông, khai thác cát lòng sông), mà khai thác cát là nguyên chính dẫn đến sụt bờ kè, bờ sông, đê sông và hạ thấp mực nước trong sông.

Một dòng sông nhưng Bộ NN-PTNT quản lý đê, kè, cống và công trình thủy lợi; Bộ TN-MT quản lý lòng sông (nước và khai thác cát). Ảnh: Minh Phúc.

Một dòng sông nhưng Bộ NN-PTNT quản lý đê, kè, cống và công trình thủy lợi; Bộ TN-MT quản lý lòng sông (nước và khai thác cát). Ảnh: Minh Phúc.

Ở những dòng sông, đoạn sông không (chưa) có đê thì vẫn một bộ quản lý sạt lở, kè và cống ven sông và một bộ quản lý lòng sông (nước và khai thác cát). Các sở TN-MT hoàn toàn không có kỹ sư thủy lợi (chưa nói đến kỹ sư thủy điện), nhưng lại thẩm định các dự án thủy điện ở các tỉnh, lại cho phép khai thác cát và không có người để đánh giá được nguy cơ sạt lở và kiểm tra việc cấp phép, khai thác cát đúng hay sai.

Còn đối với quản lý lưu vực sông, ngành thủy lợi có Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ, Công ty Đầu tư phát triển thuỷ lợi Sông Đáy. Bộ TN-MT lại thêm Uỷ ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy. Các lưu vực sông lớn khác cũng có hai bộ máy quản lý lưu vực tương tự, trực thuộc ở hai Bộ.

Về quy hoạch nguồn nước, Bộ TN-MT thực hiện quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, Bộ NN-PTNT thực hiện quy hoạch tổng hợp nguồn nước lưu vực sông hoặc quy hoạch thủy lợi lưu vực sông. Như vậy, Chính phủ đã phải đầu tư hai lần ngân sách cho cùng một bài toán quy hoạch lưu vực sông (chỉ khác nhau một chút về nước ngầm). Điều đó đã làm suy giảm trầm trọng về uy tín của ngành nước Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Điều quan trọng nữa là bản Quy hoạch Thuỷ lợi được dùng để lập kế hoạch xây dựng phát triển nguồn nước và điều hoà phân phối nguồn nước theo mùa, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi, bản Quy hoạch Tài nguyên nước chỉ dùng để cấp phép cho những công trình đã xây dựng từ năm 1922-1930.

Về quản lý nguồn nước và công trình thuỷ lợi, hiện tại, mực nước sông Hồng hạ thấp do cát bị giữ lại ở hồ chứa và do khai thác cát quá mức, các dòng sông nội địa (sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ) và tất cả các công trình thuỷ lợi dọc sông bị suy thoái nghiêm trọng do không thể chủ động lấy được nước (trạm bơm Trung Hà, Phù Sa, Bạch Hạc, Diên Hồng, Đan Hoài, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải).

Trong lưu vực sông Hồng, tất cả các hộ dùng nước đều lấy nước từ các công trình thuỷ lợi ở trong đê. Ngoài đội ngũ công chức (kỹ sư) thủy lợi ở các sở, các phòng là 2.500 người, các địa phương (các tỉnh) đều có các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, các hạt quản lý đê, với số lượng là 26.000 người.

Bộ TN-MT quản lý tài nguyên nước làm nhiệm vụ, duyệt quy trình quản lý các hồ chứa thủy điện. Nhưng khi vận hành mùa kiệt thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải xả nước rất nhiều theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT (năm 2022 là 5,5 tỷ m3) không thể đúng theo quy trình đã duyệt. Vào mùa lũ thì sự điều hành phụ thuộc vào Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai do Bộ NN-PTNT làm thường trực.

Để khắc phục việc suy thoái các sông và công trình thủy lợi, Bộ NN-PTNT làm quy hoạch và chuẩn bị xây dựng các bậc thang trong sông Hồng để dâng nước làm sống lại các sông nội địa và tạo sự chủ động lấy nước cho công trình thủy lợi. Bộ TN-MT lại hình thành bộ phận quản lý xây dựng cơ bản để làm dự án những đập dâng nước này.

Kiến nghị về quản lý ngành nước

Quản lý nước (tài nguyên nước) có đặc thù hoàn toàn khác với quản lý các tài nguyên khác. Dòng chảy trên sông ở Việt Nam biến đổi rất lớn theo mùa 80% (mùa lũ); 20% (mùa kiệt), biến động lớn theo các năm. Do đó, quản lý tài nguyên nước phải gắn liền với các công cụ nhằm điều hoà dòng chảy, tích nước lúc thừa, cấp nước lúc thiếu, phải xây dựng công trình trữ nước, dẫn nước và quản lý các công trình đã xây dựng, quản lý thiên tai và đảm bảo sự an toàn của các công trình chứa nước và dẫn nước đã xây dựng.

Lý thuyết khoa học và thực tiễn đã cho thấy không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Ảnh: Minh Phúc.

Lý thuyết khoa học và thực tiễn đã cho thấy không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Ảnh: Minh Phúc.

Trong cuốn Bách khoa toàn thư của Việt Nam đã định nghĩa về “thuỷ lợi” rất đầy đủ, khoa học và có tầm nhìn: "Thủy lợi khoa học tổng hợp nghiên cứu ứng dụng các vấn đề kinh tế, kỹ thuật nhằm phát triển, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. gồm: (1) đánh giá, dự báo diễn biến tài nguyên và môi trường nước (cả nước mặt, nước dưới đất); (2) xác định nhu cầu nước cho dân sinh và các ngành kinh tế quốc dân theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội; (3) cân bằng nước trong lưu vực, khu vực, vùng và quốc gia; (4) xác lập các biện pháp cấp, thoát nước cho các đô thị, khu vực kinh tế và các vùng nông thôn; (5) khảo sát, thiết kế và xây dựng (kể cả các biện pháp chỉnh trị sông và bờ biển); (6) quản lý khai thác có hiệu quả công trình và hệ thống thuỷ lợi; (7) phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, quản lý lưu vực, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái".

Trong tiếng Việt, không có sự khác biệt về nội dung của các thuật ngữ, nhưng do cách vận dụng khác nhau nên 2 Bộ cùng thực hiện một công việc: “nguồn nước” và “tài nguyên nước”, là 2 cụm từ hoàn toàn đồng nghĩa với nhau về mọi phương diện để chỉ dòng nước do thiên nhiên ban tặng, đúng như trang 30 tập 4 cuốn Bách khoa toàn thư đã khẳng định: “Tài nguyên nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ trên trái đất, có khả năng phục hồi được, bao gồm nguồn nước bề mặt (biển, sông, hồ, ao…), nước trong lòng đất (nước ngầm), trong khí quyển (hơi nước, mây…)… Tài nguyên nước được hiểu là nguồn nước”. 

Cụm từ “thuỷ lợi”, được lấy theo nghĩa Hán, có nghĩa rộng hơn. Nó bao hàm cả cụm từ nguồn nước hay tài nguyên nước và sự tác động của con người thông qua các biện pháp công trình và quản lý để hạn chế mặt hại do nước gây ra và tăng thêm nguồn nước, lợi ích do nước đem lại để phục vụ phát triển dân sinh kinh tế xã hội.

Lý thuyết khoa học và thực tiễn đã cho thấy không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Với những lý do trên, cùng nhiều lý do khác nữa và điều quan trọng không lãng phí nguồn lực của nhà nước, Hội Thủy lợi Việt Nam đề nghị Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ xem xét, quyết định đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối.

Qua đó chúng ta có thể giảm ngay hàng trăm biên chế (công chức, viên chức); giảm ngay số tiền đầu tư thực hiện hai quy hoạch thủy lợi và tài nguyên nước song song. Đồng thời, giảm các ban quản lý lưu vực sông. Các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm cử đại diện tham gia vào các ban quản lý lưu vực sông - đó vừa là quyền lợi và nghĩa vụ. Qua đó, thực hiện nghiêm túc Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về thể chế quản lý nguồn nước.

Minh Phúc (ghi)

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Cháy cửa hàng ở thành phố Sơn La, không thiệt hại về người

Sáng 2/1, cửa hàng tại đường Trường Chinh, phường Quyết Thắng xảy ra vụ hỏa hoạn, thiêu rụi tài sản trong nhà, rất may không có thiệt hại về người.