| Hotline: 0983.970.780

Tàn cuộc cây sưa

Thứ Năm 28/10/2010 , 10:45 (GMT+7)

Những năm đầu tiên bập vào nghề, nhiều hộ dân trồng sưa nơi đây giầu lên trông thấy, nhưng giờ khi cây sưa đã trở về quá khứ của nó, người dân Tam Quan mặt méo xệch.

Cách đây đúng ba năm, vào thời điểm cây gỗ sưa đắt hơn vàng, hàng trăm hộ dân ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã chớp thời cơ ươm sưa giống bán cho lái buôn đang trong cơn khát. Những năm đầu tiên bập vào nghề, nhiều hộ dân trồng sưa nơi đây giầu lên trông thấy, nhưng giờ khi cây sưa đã trở về quá khứ của nó, người dân Tam Quan mặt méo xệch.

VUNG VINH BẠC TIỀN

Đến xã Tam Quan giờ đây không khó để bắt gặp hình ảnh những cây sưa đã cao quá đầu người được trồng khắp nơi từ trong vườn đến vệ đường làng. Đây là dư âm để lại sau cơn sốt sưa cách đây không lâu. Đang cùng vợ con và người nhà trồng nốt chỗ hạt sưa còn lại, anh Đào Văn Khánh ở thôn Chanh ngậm ngùi cho biết: Năm 2006 không hiểu sao cây sưa đỏ trở nên có giá một cách khó hiểu. Xã Tam Quan là một trong những địa phương trước đây trồng rất nhiều cây sưa nên khi cơn sốt xảy ra các lái buôn từ khắp nơi ùn ùn kéo về đây săn lùng loài cây quý hiếm này. Có nhà còn tháo cả giường, tủ, hoành phi câu đối bằng gỗ sưa đem bán để lấy tiền.

Người dân Tam Quan chán nản khi nghĩ đến cây sưa

Để tả lại cái không khí ngày đó cho dễ hình dung, anh Khánh chỉ biết lấy hình ảnh tiền polime xanh lét được chuyển về làng nhiều không đếm xuể. Nhà nào nhà nấy đều có vài cọc tiền to bằng viên gạch cất trong nhà.

Sau khi chặt bán hết cây sưa có trong vườn hay ngoài bờ bụi, người dân xã Tam Quan rất thức thời nghĩ ngay đến việc ươm sưa bán. Chính vì thế không chỉ cây sưa mà ngay cả hạt sưa cũng đắt không khác gì vàng cám. 1kg hạt sưa đã bóc vỏ vào thời điểm đó có giá 10 triệu đồng. Nhiều người cầm nhúm hạt sưa bằng quả lê trên tay mà không nghĩ nó có giá tương đương 5 chỉ vàng.

Giá hạt sưa cao đồng nghĩa với việc sưa giống cũng sẽ đắt đỏ, anh Khánh khẳng định với tôi rằng từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2007 giá một cây sưa con cao 15 – 20 cm không dưới 15.000 đồng, nếu mua lẻ thì phải 20.000 đồng. Thấy vậy, rất nhiều người dân xã Tam Quan đã chặt bỏ không thương tiếc các loại cây ăn quả truyền thống như vải, nhãn, ổi… để nhường chỗ cho việc trồng cây sưa đỏ. Nhà nhà trồng sưa, người người ươm sưa, đưa Tam Quan trở thành một xã trồng và ươm sưa lớn nhất miền Bắc.

“Giá đắt đỏ như vậy nhưng để mua được cây sưa giống lúc đó cũng là cả một vấn đề. Từ lúc sưa mới nhú mầm đã có người đánh xe ôtô đến đặt cọc tiền trước. Đến ngày bán sưa từ tờ mờ sáng xe ôtô tải đã đậu kín đường làng. Nhiều lái buôn còn tranh giành, cãi nhau inh ỏi vì ai cũng muốn mua nhiều. Cây cong, cây queo, cây chột họ mua hết không cần so đo tính đếm” - ông Nguyễn Văn Trịnh ở thôn Quan Nội nhớ lại.

Trước cơn sốt sưa đỏ khủng khiếp đó, người dân xã Tam Quan đổ xô đi trồng sưa con để bán. Có nhà còn huy động cả chục người đi các vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nội để bứt quả sưa về lấy hạt. Đi đâu trong làng cũng thấy cảnh túm năm tụm ba bàn tán xôn xao chuyện ông này, bà kia vừa thu về ngót tỷ từ tiền bán sưa con. Có nhà máu trồng sưa đến nỗi đem cả sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng rồi đi vạy nặng lãi với hi vọng chỉ sau một lứa sưa là kéo lại cả vốn lẫn lãi.

TRỞ VỀ "MO"

Cái gì đến vội vàng thì cũng ra đi chóng vánh, sau khi cơn sốt sưa lên tới đỉnh điểm bằng việc rất nhiều sưa tặc phải ra hầu tòa và cây sưa được báo chí, khoa học mổ sẻ chi tiết thì loại cây "hot" này đã trở lại là chính nó. Nhưng với người dân ở xã Tam Quan thì đó lại là một cái giá phải trả quá đắt. Rất nhiều gia đình đã khuynh gia bại sản,  trở thành con nợ vì giá sưa con đột ngột trở về “mo”. Nếu trước đây giá một cây sưa giống không dưới 15.000 đồng các lái buôn còn tranh nhau thì nay rao bán khản  cổ, chỉ  1.000 đồng cũng chẳng ai ngó ngàng tới. Các lại buôn nhanh chóng trở mặt vì bản thân họ cũng không bán được sưa cho ai nữa.  

Gia đình anh Khánh ở thôn Chanh đem gieo nốt chỗ hạt sưa còn lại mong vớt vát được tí nào hay tí đó

Giờ đây, đến xã Tam Quan, nhắc đến sưa sẽ chỉ nhận được cái lắc đầu thở dài ngao ngán. “Người dân xã tôi giờ nhìn thấy cây sưa chán chả buồn nghĩ. Bản thân tôi trót mua hết gần chục triệu tiền hạt nên đâm lao phải theo lao thôi chứ chưa biết có bán được sưa giống hay không. Nhưng nếu không trồng mà cứ để như vậy thì hạt sưa cũng sẽ bị thối hết. Thôi thì được chăng hay chớ vậy chứ biết làm sao?”- anh Khánh buồn rầu thở dài.

Nhưng dù sao như nhà anh Khánh vẫn còn may mắn chán chỉ lỗ có vài chục triệu, bởi không ít gia đình ở thôn Quan Ngoại hiện đang như ngồi trên đống lửa khi món nợ ngân hàng đang lãi mẹ đẻ lãi con, còn sưa trong vườn đang chết dần chết mòn. Giả sử có bán tống bán tháo được lứa sưa đó đi chưa chắc đã đủ tiền hạt giống và chi phí bầu đất, nhà xưởng. Có nhà đi vay nặng lãi giờ phải bán trâu, bò lấy tiền trả nợ khoản vay với lãi suất cắt cổ.

Từ lúc có mấy trăm hộ đến nay người ươm sưa giống ở Tam Quan chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết những người còn thoi thóp ươm sưa bán là do tồn đọng lại hạt sưa cũ nên không nỡ bỏ đi vì tiếc của. Đa số bà con đã trở lại với nghề chính gốc của mình là cấy lúa trồng khoai. Sau cơn sốt sưa vừa qua một lần nữa cho người nông dân bài học đắt giá về cách làm ăn chộp giật sẽ đem lại những hậu quả rất nặng nề cho chính bản thân họ.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm