Định kỳ quan trắc môi trường
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, để giúp người dân, doanh nghiệp nắm được tình hình diễn biến môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đơn vị được giao nhiệm vụ quan trắc định kỳ mỗi tháng 2 lần. Kết quả quan trắc sẽ được công bố rộng rãi đến từng địa phương cấp xã, cơ sở nuôi trong vùng và đăng trên website của ngành.
Tôm nuôi nước lợ tại Kiên Giang được kiểm soát tốt, từ chất lượng con giống đến quan trắc môi trường... |
Cụ thể, từ đăm 2019 đến nay đã thực hiện được 21 đợt quan trắc môi trường. Đợt mới nhất thực hiện vào đầu tháng 10, tại 20 điểm đầu nguồn cấp nước cho các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của 9 huyện, thành phố trong tỉnh và 9 điểm ở 3 vùng nuôi cá lồng bè tập trung tại các xã Hòn Nghệ, Tiên Hải, Nam Du.
“Tại các huyện trọng điểm về nuôi tôm nước lợ ở vùng U Minh Thượng và vùng Tứ giác Long Xuyên, kết quả quan trắc cho thấy, nhiều chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước tại các điểm quan trắc vượt ngưỡng giới hạn cho phép và không thích hợp với đời sống của tôm nuôi nước lợ. Hầu hết các chỉ tiêu về độ mặn, độ pH, độ kiềm đều thấp. Ngược lại, hàm lượng nitrite và hàm lượng phosphate đều cao vượt ngưỡng. Vì vậy, người nuôi tôm cần thận trọng và xử lý thật kỹ trước khi cấp nước vào ao nuôi tôm”, ông Xuyên khuyến cáo.
Theo thông báo của Sở NN-PTNT Kiên Giang về lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2019 thì mùa vụ sản xuất tôm sú - lúa tại các vùng U Minh Thượng và ven sông Cái Lớn thuộc tây sông Hậu đến nay đã hết, phải tiến hành thu hoạch tôm dứt điểm.
Tôm giống được kiểm tra kỷ lưởng trước khi thả nuôi. |
Trong thời gian tới, thời tiết vẫn tiếp tục diễn ra mưa nhiều làm nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ trong, pH trong ao nuôi tôm giảm thấp, nước ngọt và thiếu khoáng vi lượng làm tôm giảm ăn, mềm vỏ, lột dính, suy giảm sức đề kháng, mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, để thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, các hộ nuôi cần lưu ý thực hiện các biện pháp quản lý ao nuôi tổng hợp, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết thủy văn, quan trắc môi trường, giám sát mầm bệnh để có những biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.
Ông Nguyễn Thiện Thanh, một hộ nuôi tôm ở xã Nam Thái, huyện An Biên cho bitế: “Nhờ kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn mà người dân chúng tôi biết được thời điểm nào nên lấy nước vào ao nuôi, xử lý các tình huống môi trường bất lợi như sau khi có mưa lớn… nên giảm được thiệt hại. Mấy vụ tôm vừa qua gia đình tôi nuôi đều thành công, giá bán tốt, lợi nhuận cao”.
Theo ông Thanh, từ kết quả quan trắc thấy môi trường có nhiều yếu tố bất lợi, cán bộ kỹ thuật khuyến cáo người nuôi phải xử lý diệt khuẩn nước thật kỹ trước khi đưa tôm vào ao nuôi; cần bố trí ao chứa, lắng để dự trữ nước và chủ động khi cần phải cấp nước bổ sung hay thay nước.
Rải vôi xung quanh ao, bờ bao trước và sau cơn mưa để duy trì hệ đệm cũng như ổn định pH trong ao. Trong cơn mưa lớn cần tăng cường quạt nước, sục khí ao nuôi để xáo trộn nước hoặc rút bớt nước tầng mặt để tránh hiện tượng phân tầng. Sau cơn mưa cần giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm các yếu tố vi lượng, khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm.
Các ổ dịch bệnh trên tôm đều được phát hiện sớm và cấp phát hóa chất cho người nuôi dập dịch, khống chế không để lây lan. |
Kiểm soát dịch bệnh
Ngoài quan trắc môi trường, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang còn giám sát dịch bệnh thụ động, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 177 ổ dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính tại 61 ấp, 30 xã của 9 huyện, với tổng diện tích thiệt hại là gần 1.780 ha. Chi cục đã xuất cấp miễn phí gần 25 tấn hóa chất sát trùng Chlorine cho 124 hộ nuôi có tôm bị bệnh để bao vây, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan.
Qua công tác giám sát, thời gian qua tình trạng tôm nuôi bị bệnh vi bào tử trùng (EHP) có dấu hiệu tăng, nhất là trên tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên.
Bệnh EHP gây tác hại là hệ số tiêu tốn thức ăn cao nhưng tôm chậm phát triển, tiếp theo là bỏ ăn, giảm ăn, vỏ mềm, cơ thịt teo dần, gan tụy bị vi bào tử xâm chiếm làm mất chức năng. Tôm nuôi bị hao hụt tăng dần, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí là thua lỗ.
Tuy nhiên, hiện bệnh EHP chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu vì vậy các cơ sở nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh tổng hợp, chú ý kiểm tra chất lượng tôm giống thông qua xét nghiệm các bệnh nguy hiểm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng…
“Đối với những vùng nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus ở trên các kênh cấp nước cao, sau khi lấy nước vào ao chứa, lắng cần xử lý diệt khuẩn thật kỹ bằng các loại hóa chất được phép lưu hành trước khi cấp vào ao nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu cần và khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hoặc biểu hiện bất thường nên báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, các hộ nuôi xung quanh, tuyệt đối không được xả nước, tôm của ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường nếu chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng” người nuôi tôm được khuyến cáo.
Diện tích tôm nuôi của Kiên Giang đến thời điểm này đã vượt kế hoạch cả năm và tăng mạnh so với cùng kỳ. |
Giám sát chất cấm
Ngoài việc quản lý tốt vùng nuôi, Sở NN-PTNT Kiên Giang còn yêu cầu Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản giám sát dư lượng các chất trong thủy sản nuôi trồng. Phạm vi giám sát được thực hiện tại 2 vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh là Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, trên địa bàn các huyện, thành phố: Hà Tiên, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Kết quả trong đợt giám sát vừa qua, đã phát hiện dư lượng kim loại nặng Cadimi (Cd) trên mẫu sò huyết nuôi và 1 mẫu tôm càng xanh nhiễm cadimi, nhưng tất cả đều không vượt quá mức giới hạn tối đa cho phép. Không phát hiện dư lượng kim loại nặng Chì (Pb), Thủy ngân (Hg) và thuốc bảo vệ thực vật gốc Chlor hữu cơ trên tất cả các mẫu có chỉ định phân tích.
Sản lượng tôm nuôi thu hoạch tăng, giá bán tôm thương phẩm ổn định, người nuôi đạt lợi nhuận khá. |
Về các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc không có tên trong danh mục được phép lưu hành, phát hiện dư lượng Nitrofurazone-metabolite (dẫn xuất của Nitrofurans) trên mẫu tôm càng xanh tại ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận. Ngoài ra, còn phát hiện 1 mẫu sò huyết nuôi nhiễm E. coli được nuôi dưới tán rừng phòng hộ ven biển An Biên – An Minh.
Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kiên Giang cho biết, đối với các mẫu được phát hiện nhiễm dư lượng các chất độc hại vượt quá giới hạn tối đa cho phép hoặc hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, đơn vị đã thông báo đến cơ sở nuôi có mẫu nhiễm. Đồng thời, phân công cán bộ phối hợp với Phòng NN-PTNT trực tiếp đến cơ sở nuôi có mẫu nhiễm xác định nguyên nhân và xử lý các bước tiếp theo đúng qui định.
Đơn vị sẽ căn cứ theo Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về giám sán dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi để xừ lý.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi được trên 126 ngàn ha tôm nước lợ, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thả nuôi thâm canh công nghiệp được 2.624 ha, chủ yếu là tôm thể chân trắng. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến gần 30 ngàn ha, nuôi luân canh tôm - lúa gần 94 ngàn ha. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch 9 tháng đầu năm đạt gần 68 ngàn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Giá tôm những tháng qua ổn định, tôm sú loại 30 con/kg hiện thương lái thu mua tại vuông nuôi từ 180-190 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá 85-90 ngàn đồng/kg.