Diện tích thả nuôi tôm của Kiên Giang tăng mạnh, 9 tháng đã bằng kế hoạch cả năm. |
Do đó, đã phần nào bù đắp sản lượng thủy sản bị sụt giảm do khai thác không hiệu quả, ngư trường cạn kiệt.
Từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác thủy sản của ngư dân Kiên Giang không mấy khả quan, càng đi càng thua lỗ khiến hàng ngàn tàu cá phải nằm bờ. Nguyên nhân được xác định là do nguồn lợi thủy sản đã bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt. Nhiều ngư phủ phải cho tàu vươn khơi xa tìm nguồn cá, đã vi phạm vùng biển nước ngoài và số tàu bị bắt giữ lên tới cả trăm chiếc.
Báo cáo tình hình kinh kế xã hội 9 tháng đầu năm của UBND tỉnh Kiên Giang nhận định: “Nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm, gây ảnh hưởng lớn đến ngành khai thác đánh bắt, sản lượng thủy sản sẽ giảm theo”.
Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp “tăng cường sản xuất tập trung lĩnh vực nuôi trồng, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm hộ gia đình, đẩy mạnh nuôi biển… để phần nào bù đắp sản lượng thủy sản đang bị sụt giảm”.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, sản lượng thủy, hải sản khai thác và nuôi trồng 9 tháng đầu năm của tỉnh đạt gần 638 ngàn tấn, trong đó riêng sản lượng nuôi trồng đạt trên 187 ngàn tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tăng trưởng ấn tượng nhất là ngành nuôi tôm nước lợ, khi cả diện tích nuôi trồng, sản lượng thu hoạch và kim ngạch chế biến xuất khẩu đều vượt kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được trên 126 ngàn ha tôm nước lợ, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thả nuôi thâm canh công nghiệp được 2.624 ha, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến gần 30 ngàn ha, nuôi luân canh tôm - lúa gần 94 ngàn ha. Sản lượng tôm nuôi thu hoạch 9 tháng đầu năm ước đạt gần 68 ngàn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ.
Người nuôi tôm tại Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường. |
Giá tôm những tháng qua ổn định, tôm sú loại 30 con/kg hiện thương lái thu mua tại vuông nuôi từ 180-190 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá 85-90 ngàn đồng/kg. Với giá này, người nuôi đạt lợi nhuận khá nên rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Hoàng Vương, một hộ nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương cho biết, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho nghề nuôi tôm. Hơn nữa, với việc đầu tư công nghệ, nuôi tôm trong ao lót bạt hoặc nuôi trong hồ nổi, có mái che nên cũng ít bị ảnh hưởng các yếu tố môi trường.
“Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thả nuôi được 3 đợt và đều hiệu quả. Nhờ giá tôm ổn định nên lợi nhuận đợt nào cũng đạt khá. Tôi đang tiếp tục vèo tôm giống, chuẩn bị thả ra nuôi diện rộng để thu hoạch vào đợt cuối năm. Thường đợt này giá tôm sẽ cao do nguồn cung không nhiều như những tháng nuôi tôm chính vụ mùa khô”, ông Vương kỳ vọng.
Sản lượng thu hoạch tôm nuôi của Kiên Giang tăng mạnh, đã phần nào bù đắp sản thủy sản đang bị sụt giảm. |
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, không chỉ tăng trưởng tốt về vùng nuôi, sản lượng thu hoạch mà tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh những tháng qua cũng rất khả quan. Nhiều thị trường vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chẳng hạn như Trung Quốc. Trước đây, mặt hàng tôm nguyên liệu được xuất tiểu ngạch sang thị trường này khá nhiều nhưng nay đã giảm. Hiện các doanh nghiệp chuyển qua xuất khẩu tôm đông lạnh đi chính ngạch sang Trung Quốc cũng rất tốt.
Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Ngô Công Tước cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng đầu năm tăng gần 10% so với cùng kỳ, với giá trị ước đạt 34.635 tỷ đồng. Chủ yếu từ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực chế biến, chế tạo, như chế biển thủy sản, sản xuất giày da, may mặc… Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng tăng khá, như giầy da tăng hơn 22% (11,52 triệu đôi), tôm đông tăng trên 17% (gần 3.200 tấn). Các sản phẩm này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành và luôn có mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 9 tháng đầu năm đạt trên 429 triệu USD, tăng gần 5,4% so với cùng kỳ. |