| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 01/08/2024 , 07:55 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:55 - 01/08/2024

Tăng giá đất có tỷ lệ thuận với tăng chất lượng sống?

Tăng giá đất lại trở thành câu chuyện nóng bỏng khi TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất ngay từ ngày 1/8/2024, trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.

Tăng giá đất nhất định mở ra một biên độ vật giá mới, trực tiếp ảnh hưởng cộng đồng. Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua, thay khái niệm “khung giá đất” bằng quy định “bảng giá đất”. Được xây dựng hàng năm, bảng giá đất lần đầu của mỗi địa phương sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026 và được điều chỉnh vào ngày 1/1 của năm tiếp theo, nhằm tiệm cận giá đất thị trường. Đây là một thông tin mà đại đa số người dân đều hồi hộp theo dõi.

Thế nhưng, thật bất ngờ, đầu tháng 7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được UBND TP.HCM giao dự thảo bảng giá đất điều chỉnh với mức tăng từ 5 lần đến 50 lần so với giá hiện tại. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ dành đúng 9 ngày lấy ý kiến cho dự thảo, trước khi thực hiện vào ngày 1/8/2024.

Bên cạnh sự vội vàng lấy ý kiến cho dự thảo, theo kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thì bảng giá đất mới trước mắt sẽ áp dụng đến ngày 31/12/2024. Sau đó, sẽ có sơ kết, đánh giá, nếu cần thiết sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp để triển khai đến 31/12/2025. Đành rằng, đưa ra bảng giá đất góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch giữa các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với một đô thị đặc biệt như TP.HCM, việc tăng giá đất phải được đắn đo tính toán ở nhiều góc độ khác nhau.

Tăng giá đất có làm ổn định thị trường bất động sản không? Chắc chắn không. Tăng giá đất sẽ tác động mạnh đến nhiều cá nhân và hộ gia đình khi có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất. Khi tiền sử dụng đất đột ngột tăng lên vài chục lần, thì giấc mơ an cư của những người lao động có thu nhập thấp càng mong manh.

Vài năm gần đây, TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu hút đầu tư, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là không có quỹ đất đủ lớn để triển khai những dự án quy mô. Tăng giá đất gấp gáp sẽ khiến những dự án chuyển đổi xanh hoặc những dự án chuyển đổi số không thể gánh nổi chi phí cho cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Thậm chí, những dự án nông nghiệp hữu cơ cũng gần như mất hẳn lợi thế cạnh tranh khi đáp ứng các tiêu chí sản xuất và môi trường.

Công bố bảng giá đất hàng năm là cần thiết, vì thuận tiện cho các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, tăng giá đất phải tương thích với tăng trưởng quy mô nền kinh tế. Khi muốn tăng giá đất ở bất kỳ thời điểm nào cũng nên băn khoăn về điều kiện dân sinh. Không ai lại nghĩ rằng tăng giá đất để xã hội thêm căng thẳng vì chen chúc và ngột ngạt.

Điều chỉnh bảng giá đất chỉ có ý nghĩa thiết thực khi trả lời được câu hỏi: Tăng giá đất có tỷ lệ thuận với tăng chất lượng sống hay chưa? Một gia đình không thể vô cớ tự hào đang cư ngụ trên mảnh đất đã tăng giá nhiều lần, nhưng mọi sinh hoạt lại không hề thay đổi gì, vẫn chật chột và tù túng. Một khu vực được tăng giá đất thì mật độ cây xanh ra sao, kết nối giao thông ra sao, nhu cầu thụ hưởng văn hóa ra sao? Cho nên, tăng giá đất không thể là hành vi đơn giản được thể hiện qua những phép cộng hay phép nhân của con số tài chính lạnh lùng.