| Hotline: 0983.970.780

Tăng nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết

Thứ Hai 17/01/2022 , 18:18 (GMT+7)

Dự báo từ nay đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, lượng hàng hóa cung ứng cho người dân TP.HCM sẽ tăng gấp 1,5 lần và tiếp tục tăng.

Các tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/1, bà Nguyễn Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay, ba chợ đầu mối gồm Bình Điền (quận 8), Hóc Môn và Thủ Đức đã hoạt động trở lại ổn định.

“Lượng hàng hóa về ba chợ đến thời điểm này nhìn chung tương đối ổn định, gần như trở lại bình thường so với thời điểm trước dịch”, bà Ngọc nói.

Về nguồn hàng chuẩn bị cung ứng cho người dân dịp Tết Nguyên đán 2022, bà Ngọc cho biết, Sở Công thương TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bình ổn, chợ đầu mối, hệ thống phân phối hiện đại để chuẩn bị nguồn hàng Tết. “Dự báo từ nay đến 23 tháng Chạp Âm lịch, lượng hàng hóa sẽ tăng gấp 1,5 lần và sau đó sẽ tăng nhiều hơn. Hiện Sở Công thương đã làm việc với các đơn vị đảm bảo nguồn hàng cung cấp đủ cho người dân”, bà Ngọc khẳng định.

Trước đó, ngày 15/1, lãnh đạo UBND TP.HCM, các sở ngành và các doanh nghiệp TP.HCM đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về kết nối tiêu thụ hàng hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng, hiện Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID", trong khi đó Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 128, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu. Các tỉnh tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.

Ngoài ra, các tỉnh mua bán hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận hàng hóa rõ ràng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, để tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TP.HCM.

Lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp Sở Công Thương TP.HCM triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thực hiện theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc… và các điều kiện tuân thủ cam kết với đối tác, với người tiêu dùng.

TP.HCM giao cho Sở Công Thương và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết.

Bà Thắng cũng cam kết, TP.HCM sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP.HCM trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị này đã diễn ra lễ kí kết 22 biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất, thương mại điện tử TP.HCM với các hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 17/1, Sở Công Thương TP.HCM phát đi thông báo mời doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường từ 1/4/2022 đến 31/3/2023.

Điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm 2022-2023 là ngoài triển khai trên địa bàn TP.HCM còn hỗ trợ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ thực hiện.

Tham gia chương trình gồm 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; sữa; các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước súc họng, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay, kính chống giọt bắn...

Tham gia chương trình bình ổn, các DN được ưu tiên kết nối ngân hàng, tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường thành phố xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.

DN được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa các mặt hàng bình ổn thị trường; hỗ trợ liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp… để ứng vốn, hợp tác sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tại TP.HCM và các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, các DN được hỗ trợ kết nối, ưu tiên giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể...

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá hơn 7.000m² đất tại quận Long Biên

Hà Nội giao 9.989,5m² đất tại phường Thượng Thanh cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng, đấu giá và xây đường giao thông.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.