| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Hơn 19.800 tỷ đồng chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022

Chủ Nhật 09/01/2022 , 13:14 (GMT+7)

Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ tại chương trình 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' sáng 9/1.

Chương trình 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' số đầu tiên năm 2022. Ảnh: TTBC.

Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” số đầu tiên năm 2022. Ảnh: TTBC.

Chương trình do Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát số đầu tiên năm 2022 với chủ đề “Tết Nhâm Dần 2022 – an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình”. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM.

Cử tri Huỳnh Thị Đẹp (quận 3) đặt câu hỏi: Những ngày gần đây đi chợ thấy thịt, cá có vẻ tăng lên. Cơ quan nhà nước có biện pháp nào để kiểm soát giá cả thị trường, hàng hóa Tết có phong phú đa dạng hơn những năm khác không, giá cả có bình ổn không. Đặc biệt, năm nay Thành phố có tổ chức những chuyến xe lưu động hay không để đem hàng hóa đến với người dân vùng sâu vùng xa?

Tương tự, cử tri Đỗ Hữu Tân (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) cũng thắc mắc về việc tổ chức các chuyến hàng lưu động bán tại xã đảo trong dịp Tết năm nay. 

Trả lời câu hỏi của cử tri, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị lượng hàng khá lớn với số vốn hơn 19.881 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 7.221 tỷ đồng. “Đây là những mặt hàng có lượng dự trữ chiếm tỷ trọng từ 20-54% thị phần. Do đó, hoàn toàn có thể đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời và chi phối được giá cả thị trường”, ông Phương cho hay.

Ngoài ra, trong kế hoạch chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp cam kết giữ giá, ổn định giá một tháng trước và một tháng sau Tết đối với các mặt hàng quan trọng như thịt gia súc, gia cầm, trứng, thịt… "Cận Tết, các mặt hàng thiết yếu như thịt gia cầm, thịt giá súc, trứng... sẽ được giảm giá từ 10-15% nhằm giúp đối tượng có thu nhập thấp tiếp cận được những mặt hàng này. Ít ra cũng có con gà để cúng ông bà Tổ tiên, có được nồi thịt kho trứng để ăn Tết", ông Phương nói.

Liên quan đến một số rau củ quả tăng, ông Phương giải thích thêm, do trong thời gian dịch bệnh, các chuỗi cung ứng gặp khó khăn, chuỗi cung ứng rau củ quả bị đứt gãy. Đặc biệt, khi các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM tạm dừng hoạt động để phòng dịch, các nhà vườn, các nhà cung ứng rau củ quả không cung ứng được cho thị trường TP.HCM, do đó họ tạm ngừng sản xuất. Đến tháng 10/2021, các hoạt động từng bước trở lại bình thường thì bà con nông dân phải cần 1 tháng để chuẩn bị lượng thuốc, phân bón, con giống… để trồng lại. Với vòng đời của rau ăn lá khoảng 2-2,5 tháng thì hiện nay, lượng rau của nhà vườn cung ứng đã bắt đầu có sản phẩm. Như vậy giá từ nay đến Tết sẽ giảm xuống, người dân không cần quá lo lắng”, ông Phương giải thích.

Cũng theo ông Phương, từ ngày 14/1, sẽ bắt đầu tổ chức bán hàng lưu động và duy trì một chuyến/tuần tại xã đảo Thạnh An do Saigon Co.op tổ chức.

Trên địa bàn TP.HCM, có tổng cộng 380 chuyến hàng lưu động đã được các doanh nghiệp bình ổn thị trường đăng ký thực hiện. Còn lại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chuỗi cung ứng lớn trên địa bàn TP.HCM đều đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường. “Bà con cử tri hoàn toàn mua được hàng hóa bình ổn thị trường tại các điểm này”, ông Phương thông tin.

Những ngày này, người dân TP.HCM đã bắt đầu mua sắm bánh kẹo cho dịp Tết Nguyên đán 2022 tại siêu thị Emart Gò Vấp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Những ngày này, người dân TP.HCM đã bắt đầu mua sắm bánh kẹo cho dịp Tết Nguyên đán 2022 tại siêu thị Emart Gò Vấp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn Co.op cho biết, việc chăm lo Tết cho người dân là một trong những hoạt động trọng tâm của đơn vị. Hiện Sài Gòn Co.op đã chuẩn bị trên 5.000 tỷ đồng lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó, nhóm hàng bình ổn là các mặt hàng thiết yếu đã được dự trữ tăng 2-3 lần bình thường. “Sài Gòn Co.op cùng với các đơn vị bán lẻ khác trên địa bàn TP.HCM hoàn toàn có thể cung ứng lượng hàng đầy đủ cho người dân. Đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực, các nhu cầu của bà con dịp Tết sắp tới”, ông Đức khẳng định.

Về các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu cũng như phục vụ người dân dịp Tết, ông Đức cho hay, Sài Gòn Co.op phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức các chương trình khuyến mãi, tạo điều kiện mua sắm cho người dân TP.HCM, và các địa phương khác và đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Đức cũng nhìn nhận, hiện nay dưới áp lực của các chi phí, giá cả hàng hóa có một số nhóm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Sài Gòn Co.op cam kết giữ giá bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết. “Đối với các chương trình bán hàng lưu động, năm nay dự kiến có khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động, trong đó 1/3 chuyến tổ chức tại TP.HCM”, ông Đức thông tin.

Để đón một cái Tết an toàn, tiết kiệm, ông Đức khuyến cáo bà con nên lên kế hoạch mua sắm Tết hợp lý, tránh tập trung quá đông người trong cùng 1 thời điểm, bảo đảm nguyên tắc 5K, đảm bảo sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.