Buổi giao lưu văn hóa về tác phẩm truyện ký và tặng sách diễn ra tại thành phố Vinh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Trần Huy Quang cùng nhiều nhà văn, nhà thơ như Thạch Quỳ, Lê Văn Tùng, Vân Anh và Nguyễn Văn Hùng, Chi hội trưởng Hội Nhà văn tại Nghệ An đã giao lưu cùng bạn đọc, cảm nhận tình cảm và giá trị của tập truyện ký Thánh ca Truông Bồn. Đây là cuốn sách được giải nhì Cuộc vận động sáng tác về đề tài TBLS và người có công do Bộ LĐ-TBXH và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2017, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tái bản lần thứ 2 năm 2018.
Truông Bồn trên dãy Thung Nưa dài 5km của tuyến đường 15A hay còn gọi đường 30 thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược quan trọng, nối các huyết mạch giao thông: cột mốc km 0 đường Trường Sơn, quốc lộ 1A, quốc lộ 7, đường 34; chi viện vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng, thuốc men từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ. Phát hiện vị trí chiến lược này, giặc Mỹ điên cuồng ném bom, bắn phá nhằm hủy diệt con đường. Truông Bồn trở thành tọa độ lửa, túi bom trên tuyến đường chiến lược 15A. Từ năm 1965-1972, Truông Bồn là nơi phải hứng chịu sự đánh phá ác liệt. Gần 200 chiến sĩ, dân quân, thanh niên xung phong đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Trước thời điểm chấm dứt chiến dịch 100 ngày ném bom phá hoại miền Bắc vào ngày 1/11/1968, giặc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt Truông Bồn.
6 giờ 10 phút sáng ngày 31/10/1968, sau một trận bom đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ, cả tiểu đội 14 thanh niên xung phong, Đội 65, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An bị trúng bom, 13 người anh dũng hy sinh. Tấm gương hy sinh oanh liệt của 13 cô gái, chàng trai đã làm nên huyền thoại Truông Bồn, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Với những cống hiến, hy sinh cao cả đó, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho tập thể 14 TNXP đội 65, đại đội 317 vào ngày 23/9/2008. Biểu tượng anh hùng của TNXP Truông Bồn trong lịch sử giải phóng và bảo vệ Tổ quốc ấy đã được Nhà văn Trần Huy Quang, với tình cảm của người con quê hương và trách nhiệm của người cầm bút đã nhiều lần trở lại Truông Bồn, tìm hiểu tư liệu, đi về các huyện có các liệt sỹ Truông Bồn dựng lại chân dung 13 liệt sỹ. Hình tượng các liệt sỹ TNXP Truông Bồn được khắc họa bằng giọng văn bi tráng như Thánh ca, trở thành nén tâm hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7 năm nay.
Dịp này, với sự tham gia của Quỹ tấm lòng nhân ái Vinaseed, hơn 600 cuốn sách Thánh ca Truông Bồn đã được Hội Nhà văn Việt Nam và tác giả Trần Huy Quang trao tặng cho các địa phương có TNXP hi sinh ở Truông Bồn như: Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, thông qua UBND huyện và Thư viện Nghệ An. Thánh ca Truông Bồn tái bản lần 2 này sẽ đến với đông đảo bạn đọc trong dịp kỷ niệm tri ân, đền ơn đáp nghĩa các gia đình thương binh liệt sỹ.
Nhà văn Trần Huy Quang |
Nhà văn Trần Huy Quang ký tặng sách cho độc giả |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nhà văn Trần Huy Quang tặng sách cho huyện Yên Thành, Nghệ An |
Khu mộ và Đền thờ di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An |
Đại diện Hội Nhà văn và nhà tài trợ trao sách cho Thư viện Nghệ An |
Nhà văn Trần Huy Quang: Tôi đã viết về họ như viết về mình và thế hệ mình Ngoài cái việc tri ân những người đã ngã xuống thì có những việc rất cụ thể mà khi tình cờ ta gặp nó chính nó đã thúc đẩy hay là tạo cảm hứng cho chúng ta khởi dựng một cái gì đó. Năm 2009, Hội Nhà văn có chủ trương đưa các nhà văn đến các vùng kinh tế sôi động trong cả nước để viết, riêng tôi và vài nhà văn khác trở lại nơi mà mình từng đào hầm, phá bom hay đã từng chôn cất đồng đội, đó là dọc đường 15, những sông Son, Địa Lợi, Linh Cảm, Bến Thủy, Khe Giao, Cầu Cấm, Phương Tích, Hoàng Mai và Truông Bồn. Năm ấy Truông Bồn chưa hoành tráng như bây giờ, nhưng nó để lại cho tôi những ấn tượng kinh khủng. Nhất là ngồi nói chuyện với mẹ Thởm (năm ấy mẹ còn sống), với chị Thông, chị Thuần, chị Thân, anh Cớn… khi họ kể về những người đồng đội của họ đã ngã xuống một cách anh dũng và cao đẹp khi trong tay họ đã có giấy nhập học, khi mà ở nhà đang chuẩn bị đám cưới cho họ thì như tôi và các chị đang cùng nhau hát khúc anh hùng ca rồi lại cùng nhau nước mắt lã chã rơi trong niềm thương nhớ. Rồi trong quá trình dựng lại chân dung 13 liệt sĩ Truông Bồn, tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tôi đã viết thế về họ như viết về mình và thế hệ mình. |