Ông Vũ Đình Tam, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cho biết, đã có 607 hộ dân tự nguyện tham gia vào HTX. Đơn vị bắt đầu xây dựng và triển khai dịch vụ sản xuất mạ khay từ năm 2016. Tổng diện tích sản xuất mạ khay mà HTX đảm nhận trong năm 2019 là trên 200ha.
Để đầu tư phát triển dịch vụ, HTX đã đầu tư 6 máy cấy phục vụ người dân, năng lực cấy khoảng 4ha/ngày. Mỗi một khay mạ khi tới tay người dân có giá khoảng 18 nghìn đồng.
Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, diện tích gieo cấy lúa hằng năm của địa phương khoảng 115.000ha. Những năm qua, Hải Dương đã quan tâm phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh áp dụng máy móc trong khâu gieo và cấy lúa.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, các khâu như làm đất, thu hoạch áp dụng cơ giới hóa tương đối tốt. Tuy nhiên, khâu gieo và cấy lúa, phương pháp thủ công vẫn chiếm đa số. Vài năm qua, một số địa phương đã bắt đầu thúc đẩy cơ giới hóa khâu này.
Thứ trưởng đánh giá, phương pháp này không những nâng cao năng suất và giảm rất nhiều chi phí về nhân công, thuốc BTVTV, phân bón, nước tưới. Theo Thứ trưởng, khâu khó nhất và cần giải quyết hiện nay là làm mạ khay sao cho thật đơn giản, giảm giá thành sản xuất giúp người dân dễ tiếp cận.
Đồng thời, các địa phương phải hình thành được các tổ dịch vụ, HTX. Đặc biệt, muốn cơ giới hóa, phải làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Đây là bước rất quan trọng, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất hoạt động của máy cấy.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lê Quốc Thanh cho biết, hiện nay, đơn vị cũng như Bộ NN-PTNT đang thúc đẩy mạnh mẽ việc đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng máy cấy vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù rất nhiều giải pháp, chương trình thúc đẩy được đưa ra.
Theo ông Thanh, để tăng tỷ lệ diện tích cấy bằng máy, cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa đồng ruộng. Hình thành các tổ sản xuất trọn gói, giảm giá thành sản xuất.
Không chỉ về mặt kỹ thuật, quan trọng không kém là làm thế nào chuyển đổi nhận thức sản xuất của người dân. Bên cạnh những thửa ruộng cấy mạ khay, là hình ảnh không ít người phụ nữ vẫn cặm cụi cấy lúa trong thời tiết trên 40oC.
“Theo tôi, phải đồng bộ hóa từ hạ tầng cho tới các dịch vụ để hấp dẫn người dân tham gia. Còn về nhận thức, tôi cho rằng, việc này phải có thời gian. Nhưng chắc chắc, nếu các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, cộng với các gói hỗ trợ từ Trung ương, nhận thức người dẫn sẽ sớm thay đổi”, ông Thanh chia sẻ.