| Hotline: 0983.970.780

Mạ khay, cấy máy rất cần một 'chính sách mồi'?

Thứ Sáu 07/12/2018 , 08:30 (GMT+7)

Sử dụng mạ khay đúng chuẩn kết hợp với cấy máy góp phần thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giảm chi phí sản xuất, nhân công, tăng hiệu quả môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hiện tại Hà Nội có hai hình thức hỗ trợ để cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp mua sắm máy móc, áp dụng khuynh hướng sản xuất tiên tiến này.

17-31-50_dsc_8914
Máy cấy xuống đồng

Thứ nhất là cho vay nhưng hỗ trợ lãi suất, thứ hai là hỗ trợ thẳng cho mỗi lần mua máy nhưng không được vượt quá 75 triệu đồng. Tuy nhiên mọi thứ vẫn còn rất chậm chạp, tỷ lệ cơ giới hóa trong cấy lúa của Thủ đô vẫn còn rất thấp, không đạt được như kỳ vọng, không đáp ứng được yêu cầu của một nền nông nghiệp đô thị hiện đại và nhân văn.

Ông Chu Văn Tráng, Giám đốc HTX Minh Đức của huyện Ứng Hòa- một trong những đơn vị đi tiên phong về mạ khay máy cấy lý giải với tôi về các nguyên nhân của thực trạng trên: Doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư mạ khay, máy cấy ngoài những điều kiện cần như vốn lớn, nhà xưởng rộng rãi, trình độ kỹ thuật khá cao cần phải có các HTX làm tốt công tác điều tiết thời vụ, làm đất, thủy lợi đi kèm.

Bởi khác với mạ dược truyền thống cây dài khoảng 20cm thì mạ khay cây chỉ ngắn khoảng 10cm, đòi hỏi mặt ruộng phải thật phẳng, nước không bị ngập để cây lúa mới cấy có thể phát triển sinh trưởng bình thường.

Máy cấy phải có những trung tâm sản xuất mạ khay đi kèm để cung ứng vật liệu đầu vào đảm bảo chất lượng chứ không đơn giản như máy cày, máy gặt, cứ đến thời vụ là đổ dầu rồi xuống đồng làm dịch vụ kiếm tiền.

Cuối cùng là tập quán của nông dân trước đây cấy tay theo hàng hẹp giờ cấy máy theo hàng rộng nhìn không quen mắt, sợ mạ phát triển yếu ớt, sợ thời tiết bất thuận gây hỏng phải làm lại.

Còn ông Lê Lưu Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì nhận định: Phát triển cơ giới hóa trong cấy lúa hiện nay có nhiều cái khó như ruộng đồng sau dồn điền đổi thửa đã bớt manh mún nhưng vẫn còn rất nhỏ, chưa được tích tụ, tập quán cấy tay vẫn còn mạnh, cơ cấu giống thì quá nhiều. Có những xã đến cả chục loại giống, có những nhà lại yêu cầu chủ xưởng mạ khay, máy cấy gieo mấy kg loại này để cấy lấy thóc cho gia đình dùng, mấy kg loại kia để cấy lấy thóc đem bán…

Để cho mạ khay máy cấy phát triển rất cần chính sách “hỗ trợ mồi” mỗi sào cấy theo phương pháp mới được trợ giá bao nhiêu tiền giống như một thời Hà Tây cũ từng làm và thành công trong việc phát triển phong trào đậu tương đông hay các giống lúa nhân dân vậy.

Máy gặt bây giờ đã hiện diện từ miền Trung ra đến khắp các tỉnh, TP phía Bắc nên hoàn toàn có thể hi vọng với những chính sách hợp lý, trong thời gian tới máy cấy của Hà Nội cũng làm được điều tương tự.

Mạ khay cấy máy có nhiều ưu điểm so với cấy tay truyền thống. Ngoài đảm bảo sức khỏe cho người nông dân, áp dụng phương pháp này còn giúp giảm một nửa lượng thóc giống, giảm hẳn thời gian cấy từ 1 ngày 1 sào xuống còn chỉ khoảng 20 phút/sào, giảm chi phí từ 100.000 – 150.000 đồng/sào so với gieo cấy bằng tay.

Lúa mạ khay, cấy máy do cấy nông, cấy thưa nên cây lúa có khả năng đẻ nhánh khỏe, ruộng thông thoáng nên ít sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng phân bón, giúp tạo ra nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, tăng năng suất lúa hơn từ 7 - 10%.

Hơn thế nữa, việc sử dụng mạ khay, cấy máy còn giúp các địa phương dễ dàng thực hiện được sản xuất hàng hóa lớn khi gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, cùng cách chăm sóc, cùng thời điểm thu hoạch, cùng chất lượng nông sản tương đồng nhau.

 

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.