Công nhân SX mạ khay |
Huyện Quốc Oai có diện tích đất trồng lúa hàng năm khoảng 9.000ha. Đến nay cơ bản diện tích này đã được dồn điền đổi thửa. Vụ xuân 2019, toàn huyện gieo cấy hơn 4.500ha lúa. Để đảm bảo kịp thời cho các điểm đăng ký mạ khay gắn với máy cấy, Trung tâm SX mạ khay Kubota đang tập trung nhân lực SX mạ khay phục vụ các xã viên trong và ngoài xã.
Ông Kiều Minh Khuê, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai cho biết, quy trình làm mạ khay gồm 4 bước: Chuẩn bị đất; chuẩn bị giống; chuẩn bị khay và máy gieo; chăm sóc mạ sau khi gieo.
Cụ thể, nghiền nhỏ đất (đất đồi núi - PV), sau đó trộn với mùn cưa, đạm, lân, kali để thành giá thể. Giá thể để khô ráo khoảng 5 - 6 ngày. Thóc giống được ngâm, ủ trong vòng 72 tiếng, sau đó vớt ra ngoài cho ráo nước.
Tiếp đến đưa giá thể, thóc giống vào máy gieo Kubota. Máy gieo sẽ thực hiện 4 công đoạn: Một là, rải đất nền vào khay. Hai là, tưới nước làm ẩm đất nền. Ba là, gieo hạt giống vào khay mạ, có thể tùy chỉnh lượng giống gieo phù hợp thông qua nút vặn. Bốn là, rải đều đất phủ, hoàn tất công đoạn làm mạ khay.
Sau khi hoàn thiện các công đoạn trên thì đưa khay mạ vào ủ hoạt hóa 2 ngày đối với vụ xuân, 1 ngày đối với vụ mùa. Khi hạt giống lên chông (mầm) thì chuyển ra vườn ươm để chăm sóc và theo dõi.
Dẫn chúng tôi ra vườn ươm mạ khay, ông Khuê bộc bạch, năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai sản xuất được 32.500 khay mạ (vụ xuân 15.000 khay, vụ mùa 17.500 khay) cung cấp cho 14/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quốc Oai. Vụ xuân 2019, dự kiến sản xuất 20.000 khay.
Ông Kiều Minh Khuê giới thiệu khay mạ 1 tuần tuổi |
Chỉ tay về khu vườn ươm, ông Khuê nói, tất cả các khay mạ đều được che đậy, phủ kín bằng túi bóng ni lông trong suốt; bên trong có hệ thống tưới nước phun mưa, đảm bảo độ ẩm cho mạ sinh trưởng.
Cầm một khay mạ được 1 tuần tuổi trên tay, ông Khuê chia sẻ, sử dụng mạ khay để cấy máy giúp nông dân giảm được chi phí công cấy, công làm mạ, tiết kiệm được giống. Mỗi sào cấy lúa bằng máy, nông dân giảm được 100.000 đồng so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công.
Đặc biệt, lúa cấy bằng máy sẽ cấy nông, cấy thưa nên không ảnh hưởng đến bộ rễ, mạ bén rễ nhanh và khả năng đẻ nhánh khỏe (khoảng 13 bông/khóm). Ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, năng suất tăng 7 - 9% so với phương pháp truyền thống.
Ngoài ra, gieo mạ khay, cấy máy giúp nông dân không tốn công làm mạ, nhổ mạ; dễ chăm sóc và vận chuyển; chất lượng mạ tốt hơn (mạ đồng đều, cứng cây, đanh dảnh, xanh lá), rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa.
Được biết, chủ trương của UBND huyện Quốc Oai khuyến khích áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy được áp dụng từ năm 2012, tuy nhiên đến nay diện tích sử dụng mạ khay cấy máy còn rất thấp, mới có 3 - 5% diện tích.
Theo ông Khuê, để máy cấy vào được đồng ruộng, phải sản xuất được những khay mạ đạt tiêu chuẩn Kubota. Bởi, mạ khay quyết định đến 90% của việc sử dụng mạ khay, cấy máy. Chính vì cái khó này mà hầu hết các tư nhân họ không đầu tư, họ chỉ tập trung đầu tư vào cơ giới hóa ở máy gặt, máy làm đất.
Sau 2 ngày ủ hoạt hóa, thóc giống bắt đầu nhú mầm trắng lên khỏi lớp đất phủ |
Đến nay, huyện Quốc Oai có 10 máy cấy 4 hàng, 2 máy cấy 6 hàng. Trung bình, máy ngồi lái 4 hàng cấy được 2 - 2,5 mẫu/ngày; máy ngồi lái 6 hàng cấy được khoảng 6 mẫu/ngày. Nếu cấy bằng máy sẽ hết 8 khay mạ/sào, bao gồm cả mạ dặm; còn cấy bằng tay sẽ hết 5 - 6 khay mạ/sào. |