| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 29/09/2016 , 07:05 (GMT+7)

07:05 - 29/09/2016

Tăng tuổi hưu - tăng thu, giảm chi!

Chính phủ vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tăng điều kiện tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động lên 60 với nữ và 62 đối với nam.

Theo đó, điều mà cơ quan soạn thảo, Bộ LĐ-TB&XH, lo ngại là nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả hay nói cách khác là... vỡ quỹ. Và tăng tuổi hưu là giải pháp dễ làm nhất để tăng nguồn thu, đồng thời cũng giảm nguồn chi.

Trong kinh tế, để giải quyết các vấn đề về lợi ích, nhân sự và chi phí, người ta có một giải pháp chung, đó là thuê ngoài (outsourcing). Khái niệm thuê ngoài đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng hai chục năm trước và trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Thuê ngoài thường phổ biến trong lĩnh vực dịch vụ. Các đơn vị được “thuê ngoài” là những đơn vị chuyên nghiệp về dịch vụ, chẳng hạn như công nghệ thông tin, như sổ sách kế toán...

Ví dụ gần gũi là việc tổ chức ăn uống trong các cuộc liên hoan, hiếu hỷ, người ta không tự nấu mà sẽ thuê các đơn vị nấu ăn bên ngoài, làm thành suất ăn rồi mang đến. Điểm cốt yếu của xu hướng này là người ta sẽ không phải tự xây dựng hẳn các bộ phận chuyên môn mang tính hỗ trợ, mà sẽ thuê dịch vụ đó từ những công ty ở bên ngoài. Tập trung vào thứ mình giỏi sẽ giúp công việc thuận lợi và hiệu quả hơn. Mà không làm tăng nhân sự.

Nếu một "cụ" ông hoặc bà được làm việc thêm 2 hoặc 5 năm khi đến tuổi về hưu (theo dự thảo hiện hành), lợi ích tăng thêm được định lượng là gì khi lý do tăng tuổi nghỉ hưu hầu hết chỉ là "có kinh nghiệm", chứ không phải "kỹ năng thực hành" hay "tay nghề chuyên môn". Người già không thể thực hành tốt bằng những người trẻ hơn.

Trong khi đó, lợi ích xã hội mất mát rất rõ và có thể định lượng: hàng chục vạn người trẻ không “chen” nổi vào những vị trí làm việc để cống hiến, một lớp đội ngũ công chức chín muồi ở độ tuổi 40 - 50 bị kìm hãm khả năng quản lý, lãnh đạo.

Mặt khác, mức lương của các "cụ" thường rất cao, đủ để tạo cơ hội việc làm và cống hiến cho nhiều cử nhân hoặc chuyên viên, nhất là khi các con số thống kê cho thấy, tới quý II năm 2016, hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp trong tổng số hơn 1 triệu người thất nghiệp hiện nay.

Dự thảo luật sẽ còn được bàn thảo, nhưng cũng cần tính đến khi tăng tuổi nghỉ hưu với những người lao động tay chân, chẳng hạn nữ công nhân xây dựng, công nhân may, giờ phải thêm 5 năm nữa, đến tuổi 60 mới được nghỉ hưu, thì liệu họ có còn đủ sức khỏe làm việc?