| Hotline: 0983.970.780

Tập kích hàng loạt doanh nghiệp sử dụng chất cấm

Thứ Ba 17/11/2015 , 09:13 (GMT+7)

Ngày 16/11, lực lượng Thanh tra Bộ NN-PTNT và Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) tiếp tục “tập kích” chớp nhoáng nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hưng Yên.

Quyết không để doanh nghiệp mua chuộc

* Đầu độc sức khỏe giống nòi nhiều thế hệ

Đoàn công tác phát hiện trong khu vực Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (địa chỉ xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), có 12 thùng chứa chất Vàng- Ô. Trong đó 10 thùng đã sử dụng hết và 2 thùng đang mở nắp chứa 20 kg Vàng- Ô nguyên chất.

Theo khai nhận của NM Thăng Long, từ tháng 1/2014 đến nay, đơn vị không tự sản xuất thức ăn chăn nuôi mà làm gia công cho Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Nhật. Kho chứa hàng bị phát hiện lưu trữ chất Vàng-Ô cũng đang do Công ty Việt Nhật quản lý, sử dụng và giữ chìa khóa.

Nhìn bề ngoài, kho chứa chất cấm của Công ty Việt – Nhật (thôn Thụy Trang, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) quản lý vô cùng xập xệ, cũ kỹ và chật chội, giống như một cửa hàng bách hóa xây dựng từ thời bao cấp.

Trong lúc ở nắp thùng Vàng-Ô màu đen (trọng lượng tịnh 30 kg) để ghi lại hình ảnh, phóng viên đã bị một lượng nhỏ chất Vàng-Ô vướng vào tay. Sau khi dùng nước để rửa bỏ, hoạt chất này loang ra thành một vũng nước màu vàng chanh hệt như dung dịch nước bò húc Redbull.

Giả sử, 12 thùng Vàng-Ô được đơn vị sản xuất sử dụng toàn bộ để tạo màu cho thức ăn chăn nuôi (theo thông tin từ Thanh tra Bộ NN-PTNT cung cấp, cứ 200 gam Vàng-Ô có thể tạo màu được cho 1 tấn thức ăn chăn nuôi), thì sẽ có 1.800 tấn thức ăn chăn nuôi của Công ty Việt – Nhật được tuồn ra thị trường.

Đại diện NM Thăng Long cũng cho biết, mỗi tháng cơ sở này gia công khoảng 500 đến 1.000 tấn thức ăn chăn nuôi cho Công ty Việt-Nhật. Đơn vị chức năng đã lập biên bản và niêm phong số hàng trên. Đồng thời thu thập 18 mẫu thức ăn chăn nuôi để gửi phân tích các hoạt chất cấm. Dự kiến, kết quả sẽ có trong vài ngày tới.

Lật tẩy “tội ác” hàng loạt doanh nghiệp

Theo ông Phạm Tiến Dũng, chỉ riêng miền Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử phạt nhiều doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngày 3/2/2015, Công ty TNHH VIMARK (Bắc Giang) bị xử phạt 170 triệu đồng vì sử dụng cả chất Vàng-Ô và sabultamol để trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Cùng ngày hôm đó Công ty CP Sản xuất- Thương mại Đại An Tín (sản xuất thức ăn chăn nuôi), địa chỉ tại cụm công nghiệp An Đồng, huyện Nam Sách, Hải Dương cũng bị bắt quả tang đang chuẩn bị phi tang 14 kg sabutamol nguyên chất, khi thấy sự xuất hiện của công an môi trường và Thanh tra Bộ NN-PTNT. Doanh nghiệp này bị xử phạt 140 triệu đồng.

Mới đây nhất, Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Thiên Tôn (TP. Hải Dương) cũng bị lực lượng chức năng “sờ gáy” và “moi” được 11 thùng Vàng-Ô (trọng lượng 30kg/thùng), trong đó 8 thùng vẫn còn nguyên với khối lượng 240 kg. Mức phạt đối với nhà máy này là 240 triệu đồng.

Như phản ánh của Báo NNVN, trước đó hai doanh nghiệp SX thức ăn chăn nuôi là Cty CP Tập đoàn Minh Tâm (KCN Lương Tài, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) và Cty Sản xuất- Phát triển Hưng Hà (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng bị Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tiến hành kiểm tra bất ngờ và phát hiện lưu trữ chất Vàng-Ô lần lượt là 29 kg và 22 kg.

Riêng Công ty Hưng Hà bị phạt hành chính 30 triệu đồng. Như vậy, đến thời điểm này, đã có 7 doanh nghiệp ở miền Bắc bị lật tẩy hành vi “tội ác”.

Tại phía Nam, ngoài hai doanh nghiệp bị phạt số tiền “khủng” bởi hành vi sản xuất thức ăn bổ sung ngoài danh mục cho phép và sử dụng chất cấm sabultamol là cơ sở sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên, địa chỉ tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh (mức phạt 442 triệu đồng) và Công ty TNHH Thuốc thú y - Thủy sản Cường Phát tại Đồng Nai (mức phạt 340 triệu đồng), thì Công ty CP Thương mại - Sản xuất Bắc Âu Mỹ (phường Tiến Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai), đơn vị sản xuất gia công cho Công ty Cường Phát cũng bị xử phạt 470 triệu đồng.

Ngoài ra, khi có kết quả truy xuất nguồn gốc xuất xứ chất cấm trong thuốc thú y của các địa phương, Thanh tra Bộ NN-PTNT tiếp tục ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại- Sản xuất thuốc thú y Thịnh Á (địa chỉ Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) 60 triệu đồng và Công ty TNHH Thuốc thú y Thủy sản Cao Long 10 triệu đồng.

Đáng chú ý, đây chưa phải là toàn bộ các doanh nghiệp SX thức ăn chăn nuôi, thú y bị phanh phui hành vi sử dụng chất cấm. Bởi theo ông Phạm Tiến Dũng, lực lượng của ngành thanh tra Bộ NN-PTNT quá mỏng, nên kiểm tra được tỷ lệ rất ít doanh nghiệp.

Ngoài chất độc Vàng – Ô, TĂCN của Cty Trường Phú còn chứa chất cấm sabutamol vượt ngưỡng 70 lần.
Không chỉ bắt quả tang Công ty Trường Phú (Cụm công nghiệp Cẩm Thượng, TP Hải Dương) sử dụng một số lượng lớn hoạt chất Vàng – Ô để tạo màu vàng bắt mắt cho thức ăn chăn nuôi, lực lượng chức năng còn vạch trần thêm hành vi “vô nhân đạo” của doanh nghiệp này, đó là sử dụng chất cấm sabubamol vượt mức cho phép rất nhiều lần.

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, sau khi thu thập 8 mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi do Công ty Trường Phú sản xuất và phân phối, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã gửi phân tích các hoạt chất cấm. Kết quả, 7/8 mẫu phát hiện có chứa chất sabutamol vượt ngưỡng cho phép (trên 50 ppb).

Đáng chú ý, hàm lượng chất sabutamol của mẫu thức ăn chăn nuôi lấy từ mã sản phẩm SUNVINA S30 là 3.703 ppb (tức vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép). Hàm lượng sabutamol trong mẫu sản phẩm SUNVINA S10 vượt 21 lần cho phép.

“Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, như một tội ác!”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đầu độc sức khỏe giống nòi 

Trong quá trình theo chân lực lượng thanh tra chuyên ngành “truy quét” chất cấm, PV được cung cấp một tài liệu phân tích cụ thể về độc tố của chất Vàng-Ô, một hoạt chất vừa được liệt vào danh sách chất cấm trong SX thức ăn chăn nuôi, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố.

Theo đó, bản chất của Vàng-Ô là màu công nghiệp, dẫn xuất anthraquinone, một hóa chất da nhân thơm nên đại đa số rất độc và có thể gây đột biến hoặc ung thư ở người và động vật nên nó còn được sử dụng như hợp chất của thuốc trừ sâu.

Chính vì thế, sau khi nghiên cứu độc tính, Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã quyết định không được phép đưa các hợp chất này làm thuốc trừ sâu và không chấp nhận việc tồn dư chất này trong thực phẩm.

Ông Dũng còn cho biết thêm, khi ăn phải thực phẩm chứa chất Vàng-Ô, chúng sẽ tích tụ lại ở tế bào và di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bên cạnh đó, không chỉ lợn, gà mà bò cũng được thúc tăng trọng cấp tốc bằng chất cấm sabutamol để thu lợi nhuận “siêu khủng”.

20-37-46_nh-3
Chất Vàng-Ô tại kho chứa hàng của công ty Việt – Nhật

Cụ thể, một con bò có giá 5 triệu đồng, sau khi được nhốt vào bóng tối và cho thức ăn chăn nuôi chứa sabutamol một thời gian, trọng lượng của chúng sẽ tăng gấp đôi, bán được 10 triệu đồng.

Quyết không để doanh nghiệp… mua chuộc

Ông Dũng chia sẻ: "Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi là rất “nặng tay”. Nhiều trường hợp, đối tượng vi phạm còn sử dụng máy ghi âm và mua chuộc cán bộ thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, chúng tôi cương quyết không nhận hối hộ mà xử lý nghiêm minh để răn đe. Đồng thời, chúng tôi cũng mời nhiều phóng viên các báo, đài lớn để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng tên các doanh nghiệp “vô đạo đức” này, kêu gọi người dân tẩy chay đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm".

Trong cuộc chiến chống chất cấm, sự vào cuộc của địa phương, cụ thể là Chi cục Thú y, Thanh tra Sở NN-PTNT và Công an…các tỉnh, TP là vô cùng quan trọng.

Điển hình như ở Lâm Đồng, khi phát hiện hành vi sử dụng chất cấm để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, lực lượng chức năng còn rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ về việc bổ sung hành vi sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi vào Bộ luật Hình sự để nghiêm trị những đối tượng “đầu độc giống nòi”.

Việc nâng cao nhận thức của công dân trong việc tố giác các hành vi sử dụng chất cấm cũng cần được quan tâm. Bởi không có “tai mắt” nào tốt bằng quần chúng.

MINH PHÚC

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân từ 1/1/2025

Từ 1/1/2025, thêm 3 quy định mới về BHYT tạo thuận lợi cho người dân. Một số trường hợp bệnh hiếm, hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.