Hội nghị tổng kết đoàn hỗ trợ thực hiện Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) của Ngân hàng Thế giới diễn ra chiều 30/6 cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhìn về tổng thể, việc triển khai dự án VnSAT đã diễn ra khá thành công song công tác giải ngân còn gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới đề xuất kéo dài dự án thêm 1,5 năm để tiếp tục nhân rộng mô hình về mặt kỹ thuật, nâng cao hơn nữa về mặt đầu ra và nâng tầm dự án lên thành dự án điển hình để chia sẻ các quốc gia khác.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đề nghị các địa phương hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đầu ra, thậm chí có thể vượt hơn 5 - 10% để làm rõ nét hơn các kết quả đạt được và mục tiêu của dự án. Đặc biệt, cần quan tâm tới các tiêu chí về kinh tế như giá trị gia tăng của diện tích, số lượng người dân tham gia tập huấn đào tạo về ứng dụng kỹ thuật, yếu tố giảm phát thải, môi trường đang được quan tâm lớn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu hoàn thiện những tồn tại của 133 dự án đã được thực hiện ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Các địa phương tiếp tục đào tạo, tập huấn, nhân rộng những mô hình tốt như mô hình “5 giảm 3 tăng”, mô hình canh tác cà phê… gắn với mục tiêu chung về lợi nhuận kinh tế, tăng thu nhập của người dân và ổn định môi trường và xã hội.
Theo ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, thời gian còn lại của dự án VnSAT còn rất ít, khối lượng công việc để hoàn thành 117 tiểu dự án là rất lớn. Thời gian qua, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp đã thường xuyên làm việc với Ban quản lý dự án các tỉnh để phân ra 2 nhóm công việc. Nhóm 1 là các tiểu dự án thiết kế 1 bước, dễ thi công, ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết cũng như mặt bằng, các tỉnh cần tổ chức đấu thầu trong tháng 7/2021, trao thầu trong tháng 8, tháng 9/2021 và còn khoảng 9 tháng để thi công những hạng mục này.
Nhóm thứ 2 là các tiểu dự án thiết kế 2 bước. Trong 117 tiểu dự án chỉ có 10 tiểu dự án thiết kế 2 bước. Trong đó Hợp phần lúa gạo có 1 tiểu dự án của tỉnh An Giang đang thiết kế và tháng 7/2021 sẽ phê duyệt, nếu thực hiện nhanh thì trong tháng 8, tháng 9 sẽ có thể đấu thầu.
Đối với Tây Nguyên có 9 tiểu dự án, trong đó Đắk Nông có 4 dự án, Kon Tum 2 dự án, Đắk Lắk 3 dự án. Hiện nay Ban quản lý dự án của 3 tỉnh này đã cơ bản hoàn thành hồ sơ thiết kế, đến tháng 8/2021 có thể phê duyệt.
“Nhiều ý kiến quan ngại việc thiết kế 2 bước có thể chậm thời gian đóng khoản vay. Tuy nhiên những hạng mục này chỉ chậm so với yêu cầu khoảng 1 tháng. Các hạng mục chủ yếu là đường giao thông nên việc thi công khá thuận lợi”, ông Lê Văn Hiến thông tin.
Bà Steffi Stallmeister, Quản lý hoạt động dự án VnSAT, đại diện Ngân hàng Thế giới, đánh giá dự án VnSAT đã được thực hiện thành công nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ NN-PTNT và các tỉnh tham gia dự án. Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng suất cũng như tăng thu nhập của người nông dân qua đó gần 1 triệu người dân sẽ được hưởng lợi.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần phải phải bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phải gia tăng hơn nữa thu nhập của người nông dân. Dự án VnSAT chứng minh chúng ta sẽ đạt được đồng thời cả 2 mục tiêu này.
“Chúng tôi hi vọng trong thời gian 12 tháng còn lại của dự án, số vốn 60 triệu USD sẽ được giải ngân cho các hoạt động tiếp theo qua đó giúp nâng cao nâng cao hiệu quả, mang lại thành công cho dự án. Tuy nhiên nếu chúng ta không giải ngân hết số vốn này thì cần phải ra quyết định sớm để hủy số vốn không thể giải ngân được sau đó chuyển số tiền đó sang các dự án khác tại Việt Nam, thậm chí có thể chuyển sang dự án khác tại Bộ NN-PTNT”, bà Steffi nói.