Tái cơ cấu hiệu quả sản xuất lúa
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sau một thời gian nhìn lại, kết quả đạt được của dự án VnSAT rất đáng trân trọng. Quan trọng nhất, dự án đã tập trung vào đối tượng chính là hợp tác xã (HTX), mà nhiệm vụ chủ yếu là nâng cao năng lực HTX. Đặc biệt là trong sản xuất ngành hàng lúa gạo.
Thứ trưởng cho biết, trong 5 năm vừa qua, ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL phải đối mặt với những khó khăn thách thức lớn như hạn mặn, thị trường đầu ra đại dịch Covid-19… Tuy nhiên, trong ngành trồng trọt, lúa gạo được tái cơ cấu rất căn cơ, bài bản và là ngành hàng tái cơ cấu thành công nhất cho đến thời điểm này. Kế đến mới là cà phê và một số mặt hàng trái cây.
“Nhìn lại, nếu thời điểm bắt đầu, tỷ lệ giống chất lượng mới đạt từ 30-40%. Lúc bấy giờ cả xã hội, Quốc hội đặt câu hỏi tại sao giống chất lượng lại thấp như thế? Thế nhưng hiện tại, tỷ lệ lúa giống chất lượng trong gieo sạ đã đạt từ 80 - 82%. Cá biệt, nhiều địa phương đạt trên 90%. Có thể nói, chất lượng lúa gạo Việt Nam đã thay đổi rõ rệt.”, Thứ trưởng đánh giá.
Cụ thể nhất, giá trị hạt gạo Việt đã tăng lên, thông qua giá bán không ngừng được nâng cao và hiện nay đã vào top cao nhất thị trường. Bên cạnh đó, hạt gạo Việt cũng đã đáp ứng được đầy đủ các phân khúc của thị trường. Đây là một bước đi rất dài, góp phần mạnh mẽ vào tái cơ cấu. Tất nhiên, ngoài sự góp hỗ trợ của dự án thì còn những yếu tố khác. Tuy nhiên, tại 8 tỉnh vùng dự án ĐBSCL, đây là điểm sáng đã được lan toả.
“Trong quá trình nâng cao chất lượng và năng suất chúng ta cũng đi sâu, tiếp cận được vấn đề giảm giá thành. Tôi đã nói nhiều lần, dư địa của ngành nó chung, đặc biệt là lúa gạo, dư địa tăng năng suất vẫn còn lớn. Năng suất bình quân là 6 tấn, diện tích gieo trồng 7,6 triệu ha là lớn nhất cả thế giới rồi. Năng suất bình quân của chúng ta chỉ sau Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước chỉ có vài chục nghìn ha gieo trồng lúa. Vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam. Quan trọng nhất bà con nông dân được hưởng lợi. Năm nay, nếu bà con làm giống lúa chất lượng, năng suất cao lợi nhuận bình quân đạt từ 45-55%, xấp xỉ 50 triệu đồng/ha”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Ngoài ra, Thứ trưởng Doanh nhận định, dưới tác động của dự án, vấn đề môi trường tự nhiên, hệ sinh thái còn được cải thiện, bảo vệ tốt hơn. Dễ thấy nhất, bà con được tập huấn sạ thưa với các chương trình “3 giảm 3 tăng” (3G3T), “1 phải 5 giảm” (1P5G) đã áp dụng giảm lượng giống gieo sạ, dẫn đến lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ít đi.
Thời điểm trước còn có những lô gạo xuất khẩu bị trả về nhưng bây giờ thì không. Thứ trưởng cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng mừng và chắc chắn đây là một phần, thậm chí là ảnh hưởng rất quan trọng từ dự án, rất đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã tập hợp được 2/3 các tổ chức nông dân trong vùng, góp phần nâng cao năng lực các hợp tác xã, cải thiện chung sản xuất. Cũng theo Thứ trưởng, từ hỗ trợ tài chính của dự án đã tạo ra được cơ sở vật chất cho các hợp tác xã làm cơ sở tiếp cận doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị. Đồng thời, dự án còn góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm: “Một điều đáng quan tâm nữa là, đây là lần đầu tiên, các sở nông nghiệp được tiếp cận một dự án lớn 301 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Yêu cầu của dự án rất cao. Mỗi năm đều đặn có đánh giá 2 lần ở tất cả địa phương. Qua đây, chúng ta trưởng thành hơn. Các Ban quản lý dự án khi bắt đầu còn rời rạc nhưng đến thời điểm này cán bộ ngành nông nghiệp đã được đào tạo qua thực tiễn. Đây cũng là một sản phẩm rất quan trọng từ dự án”.
Thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân
Tiền Giang là một trong những địa phương hoàn thành tốt nhất mục tiêu của dự án. Nhất là mức độ áp dụng sau đào tạo của các hoạt động tập huấn 3G3T và 1P5G, đạt từ 90% trở lên. Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang cho biết dự án VnSAT đã có nhiều tác động tích cực đến sản xuất lúa của nông dân. Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện dự án đến hết năm 2020 các chỉ số về diện tích áp dụng quy trình canh tác 3G3T, 1P5G, diện tích liên kết tiêu thụ và giảm phát thải khí nhà kính đều đã đạt mục tiêu của dự án.
Công tác đào tạo đã tác động tích cực, đem lại hiệu quả khá tốt. Công tác đào tạo quy trình canh tác lúa tiên tiến đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án. Đồng thời giúp nông dân giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 150kg xuống 100kg/ha, lượng phân bón trung bình 82,5kg/ha/vụ giảm, số lần phun thuốc trừ sâu và trừ bệnh còn khoảng 2-3 lần/vụ so trước đây là 7-9 lần/vụ phun thuốc trừ sâu và trừ bệnh. Lợi nhuận trong vùng dự án cao hơn bên ngoài 33%, vượt mục tiêu đề ra là 30%.
Đối với Tiền Giang, đến nay, dự án VnSAT đã nâng cấp 8 con đường giao thông nông thôn với kết cấu láng nhựa, trải bê tông, trải đá cấp phối có tổng chiều dài 19,114km; 6 Cầu giao thông; 10 cống điều tiết nước; 4 cống kết hợp trạm bơm; nhà kho tạm trữ 7 cái; nhà bao che lò sấy 4 cái; 1 lò sấy đứng. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần quan trọng trong công tác sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất lúa thông minh ở Tiền Giang.
Ông Phan Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Những tập huấn của dự án VnSAT như các chương trình 3G3T, 1P5G, VietGAP, đến sản xuất lúa giống đã giúp thành viên của HTX thay đổi tập quán sản xuất. Cụ thể nhất, lượng giống gieo sạ đã giảm hẳn. Hiện nay, HTX đã dành 400ha để sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó có trên 40ha sản xuất lúa công nghệ cao. Nhờ những hỗ trợ từ dự án, ngày nay bà con sản xuất lúa theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Giá trị hạt lúa, lợi nhuận sản xuất cao hơn hẳn so với trước.
Kiên Giang là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước với khoảng 300.000ha, sản lượng 4,3 triệu tấn. Bỏ qua những hạn chế trong giải ngân đầu tư công năm 2020, giai đoạn 2015-2020, dự án VnSAT đã cơ bản đạt được mục tiêu của dự án.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang, số người hưởng lợi dự án là 76.360 người, đạt 103% mục tiêu ban đầu. Diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững đạt 23.494ha, đạt 111%. Lợi nhuận tăng thêm đạt 29,8% so với nông dân ngoài vùng dự án. Diện tích lúa có hợp đồng bao tiêu đạt 8.529ha, đạt 122% so với mục tiêu…
Các hoạt động tập huấn, thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt là vai trò rất lớn của việc kết hợp các chương trình nông nghiệp của tỉnh với dự án VnSAT như: Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt chuẩn VietGAP, chương trình ứng dụng máy cấy lúa, chương trình ứng dụng cơ giới của Trung tâm khuyến nông…
Còn tại Long An, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Long An một trong 8 tỉnh ở ĐBSCL được chọn thực hiện VnSAT. Tính đến nay, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trong canh tác lúa. Đặc biệt, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật như 3G3T và 1P5G vượt chỉ tiêu đề ra. Kỹ thuật này đã giúp năng suất lúa cao hơn so với các hộ ngoài dự án. Về cánh đồng lớn sản xuất có liên kết với doanh nghiệp, Long An có 18.000ha đang đem lại hiệu quả cao.