Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, ông Y Giang Gry Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Số lượng HTX hoạt động vượt mục tiêu đề ra
Theo báo cáo, đến hết tháng 3/2021, cả nước có gần 17.600 HTX NN và 68 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ bản hoàn thành mục tiêu 15.000 HTX NN hoạt động hiệu quả do Quốc hội và Chính phủ giao.
Hiện 56/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 48/63 tỉnh ban hành danh mục các ngành hàng, sản phẩm chủ lực quan trọng cần khuyến khích phát triển; 16/63 tỉnh phê duyệt đề án, dự án liên kết của tỉnh với 359 dự án được phê duyệt. Trong đó có 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 HTX NN tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp. Trong hơn 4.500 sản phẩm OCOP thì gần 40% là do các HTX, HTX NN sở hữu.
Theo thống kê, hiện cả nước có 30.026 trang trại sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, sử dụng 35.904 ha đất, bình quân diện tích đất 3,1 ha/trang trại; bình quân 3,7 lao động/trang trại. Vốn đầu tư sản xuất của trang trại là 1,042 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 1,478 tỷ đồng.
Đến hết năm 2020, cả nước có 165 nghề truyền thống và 1.951 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn là trên 817.000 cơ sở, tạo việc làm cho trên 2,3 triệu lao động, tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 236.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Những năm qua, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp một số khâu tăng cao, nhất là đối với sản xuất lúa. Các chỉ tiêu về cơ giới hóa nông nghiệp một số khâu năm 2020 tăng từ 2-8% so với năm 2019.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng là Nghị định số 40/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối và Quyết định số 1325/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Sản lượng muối đạt khoảng 1.350.000 tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng muối trong nước. Bước đầu hình thành vùng sản xuất muối công nghiệp tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Tuy nhiên, dù đã có chuyển biến mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng nhưng quy mô doanh thu và quy mô thành viên HTX NN còn nhỏ lẻ. Năng lực lãnh đạo hợp tác xã còn hạn chế.
Việc triển khai cơ giới hoá nông nghiệp còn thiếu chiến lược, chưa đồng bộ. Các chính sách quan trọng như đầu tư hỗ trợ hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, chính sách đất đai và đặc biệt tín dụng vẫn là nút thắt.
Vì vậy, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng điểm mấu chốt để hợp tác xã phát triển là con người, do đó cần quan tâm hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã cho ban giám đốc và chủ tịch hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng các bộ ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX NN (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX NN phát triển bền vững.
Nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt. Với lợi thế, tiềm năng của mình ngành kinh tế hợp tác thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.
Nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo hướng cơ giới hoá sản xuất, liên kết trong đầu tư công nghệ chế biến, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng đa ngành, đa nghề thích ứng với nền kinh tế thị trường, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, để từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2021 là tiếp tục hoàn thiện các hệ thống văn bản vi phạm pháp luật ngành, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030; Đề án phát triển HTX Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ ngành nông nghiệp. Do đó, tổ chức bộ máy thuộc địa phương, tùy theo tình hình từng địa phương mà cơ cấu, sắp xếp hợp lý, đồng thời Sở NN-PTNT các địa phương tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch trọng tâm để giúp đỡ, phát triển HTX NN.
“Hiện nay hạ tầng HTX rất yếu. Do đó các ngành cần có cơ chế hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các HTX. Bộ NN-PTNT đã cố gắng phát triển hạ tầng HTX thời gian qua nhưng chưa được như mong muốn. Chúng tôi sẽ cố gắng trong Chương trình Nông thôn mới và làm điểm tại một số dự án”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã phát động Hội thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu năm 2021. Theo đó cuộc thi sẽ nhận tác phẩm từ tháng 9-10 và tổng kết trao giải tại Hội chợ làng nghề sau đó.
“Bây giờ chúng ta phải có một tư tưởng mới, đó là phát triển nông nghiệp theo hướng kết hợp đa ngành nghề và gắn với dịch vụ ở nông thôn. Xu hướng thứ 2 là Chương trình OCOP rất hiệu quả thì ngành nghề nông thôn cũng gắn vào đó, cho nên chúng ta phải nghiên cứu để thúc đẩy chương trình này lên. Đây là nhiệm vụ của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng chiến lược lâu dài”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam.