| Hotline: 0983.970.780

Tập trung thúc đẩy du lịch nông thôn và Chương trình OCOP

Thứ Sáu 22/12/2023 , 16:43 (GMT+7)

Sáng 22/12, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, dự kiến cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn NTM năm 2023, trong đó, có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Có 270 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 42% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 2 tỉnh (Trà Vinh, Lâm Đồng) so với cuối năm 2022; có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2023, nhân lực của Văn phòng bị giảm nhiều, khối lượng công việc rất lớn, lực lượng công chức, viên chức của VPĐP vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của toàn thể tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Văn phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương, Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ảnh phải) và ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thanh Thủy. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ảnh phải) và ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thanh Thủy. 

Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra năm 2023 đều cơ bản hoàn thành, trong đó, riêng số lượng sản phẩm OCOP vượt rất xa so với mục tiêu đặt ra (11.056/9.500 sản phẩm). Bên cạnh đó, đã nỗ lực hoàn thành tốt việc xây dựng và hoàn thiện các báo cáo, các hoạt động phục vụ Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội đối với Chương trình; đồng thời phối hợp hoàn thành tốt công tác kiểm toán nhà nước đầu kỳ của Chương trình.

Việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện các hoạt động công vụ tiếp tục được thực hiện tốt, nhất là việc chủ động điều chỉnh linh hoạt hình thức tổ chức các hội nghị kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp phù hợp.

Chương trình OCOP là một trong những nội dung mà Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới. Ảnh: TL. 

Chương trình OCOP là một trong những nội dung mà Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới. Ảnh: TL. 

Bên cạnh đó, đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã tham mưu Bộ ban hành các văn bản phê duyệt danh mục thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, phối hợp tổ chức các  hoạt động giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các hội nghị, hội thảo… 

Theo đó, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến nay đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với cùng kỳ) và đã có hơn 5.500 chủ thể OCOP. 

Phía Văn phòng cũng tham mưu Bộ ban hành một số văn bản để thúc đẩy chương trình phát triển du lịch nông thôn, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh. 

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tập huấn, hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh. Kịp thời cập nhật cơ chế, chính sách và các hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và các chương trình chuyên đề. 

Với những khó khăn, tồn tại trong năm qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đề xuất tăng cường về mặt nhân sự, tăng cường phối hợp với Vụ Tài chính, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Chính sách Chiến lược và Phát triển nông nghiệp nông thôn và các đơn vị khác để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ cho năm 2024 và những năm tới.

Văn phòng cũng mong muốn tăng cường phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam trong công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới và các chương trình Chuyên đề. 

Tại Hội nghị, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, thông tin về Chương trình Nông thôn mới xuất hiện trên báo khá dày đặc với hơn 400 sản phẩm từ video, tin tức, phóng sự. Báo cũng phối hợp với Văn phòng thực hiện các công việc đột xuất, trong đó có phát hành cuốn sổ tay “Nông thôn mới - Những miền quê đáng sống” giới thiệu nhiều mô hình hay cũng như những sáng kiến, cách làm sáng tạo và tấm gương điển hình đã xuất hiện tại các địa phương.

Năm 2024, Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tuyên truyền về Chương trình NTM, sẽ tập trung chuyên sâu vào các chương trình cụ thể. Báo đề nghị phía Văn phòng bố trí để đi sâu vào những địa phương nằm trong chuyên đề của chương trình có vướng mắc nhiều nhất trong các vấn đề như môi trường nông thôn, chuyển đổi số nông thôn…

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam biểu dương tinh thần cố gắng của lãnh đạo, công chức, viên chức và cán bộ của Văn phòng trước những khó khăn và áp lực hiện tại. Thứ trưởng cho rằng sức trẻ, tâm huyết, nhiệt tình lắng nghe... đã giúp Văn phòng điều hành, thực hiện tốt công tác chuyên môn. 

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tiếp tục tham mưu về công tác chỉ đạo điều hành cho lãnh đạo Bộ về hai nhiệm vụ cơ bản là Chương trình OCOP và du lịch nông thôn. 

Năm 2024 dự kiến sẽ vẫn là năm khó khăn chung về kinh tế, theo đó Chương trình NTM cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định nhưng Thứ trưởng tin tưởng với kinh nghiệm chuyên môn, Văn phòng sẽ có thể thực hiện tốt công tác tham mưu cho Bộ về chương trình này. 

Với lĩnh vực du lịch nông thôn, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng nghiên cứu, đề xuất, tham mưu thúc đẩy chương trình. 

Trong khi đó, Chương trình OCOP đã thực hiện được một thời gian và có những kết quả nhất định. Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Văn phòng cần nghiên cứu về đóng góp của sản phẩm OCOP đã có tác động thế nào tới kinh tế địa phương, giải quyết được việc làm tại các địa phương như thế nào. Ngoài ra, cũng cần tập trung vào các vấn đề như xã hội hóa, huy động nguồn lực cho xây dựng NTM và tính đóng góp xã hội của sản phẩm OCOP. 

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).