Theo phong tục truyền thống, đây là thời gian diễn ra lễ Cúng cơm mới. Mọi gia đình, dù nghèo khó hay sang giàu, đều tùy theo gia cảnh mà sắm sanh lễ vật làm mâm cơm với gạo lúa mới là thức chính để dâng tạ ơn trên. Ở vùng nông thôn Nam Trung bộ, thay vì làm cơm mới, nhà nhà lại đúc bánh xèo...
Theo nông lịch của người Việt vùng Nam Trung bộ, đến giữa tháng Mười âm lịch vụ lúa mùa (lúa tháng Tám) đã thu hoạch xong, công việc nhà nông bắt đầu thư thả. Thóc đã phơi phóng cho vào bồ, rơm rạ đã chất thành “cây” tươm tất làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Được mùa, có lúa mới, nhà nông nhớ đến ơn nghĩa của trời đất cho mưa thuận gió hòa, công lao lập làng, vỡ ruộng của người xưa, nên đem những sản vật vừa thu hoạch chế biến thành thức ăn theo phong tục địa phương để có mâm cơm gạo lúa mới dâng cúng Bà mẹ xứ sở; Thổ thần, Thổ địa; Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ…
Đặc biệt, đối với người dân quê, một thức dâng cúng gần như không thể thiếu là bánh xèo. Vào dịp này, đi khắp xóm làng, đâu đâu cũng nghe mùi thơm bánh xèo lan tỏa trong không gian ngày mưa lạnh. Gọi là “dịp” vì người ta không nhất thiết phải làm bánh xèo và dâng cúng vào chính ngày Rằm, mà kéo dài từ những ngày giữa tháng cho đến hai ba (23) tháng Mười. Các nhà gần nhau thường “thỏa thuận” không làm lễ cúng trùng nhau. Ngụ ý là để nhà này có thể mời nhà kia sang dự với mình, hoặc giả nếu không mời sang nhà dự lễ thì mang bánh đến biếu cả nhà cùng ăn. Nếu như trong các ngày giỗ kỵ, khách mời chủ yếu là họ hàng, thân tộc, thì trong lễ cúng Rằm tháng Mười khách mời chủ yếu là hàng xóm láng giềng, sui gia, bạn bè thân thuộc.
Đúc bánh xèo không khó, nguyên liệu đúc bánh xèo là những thức gần gủi trong đời sống hàng ngày. Trên nền nguyên liệu cơ bản là bột gạo ngâm trong nước rồi xay mịn, người ta có thể làm ra bao nhiêu là loại bánh xèo: bánh xèo tôm, bánh xèo thịt vịt, bánh xèo thịt bò, bánh xèo mực, bánh xèo lá hẹ, bánh xèo nấm mối, bánh xèo nấm rơm...
Cách thức mà người ta chuẩn bị và không khí trong ngày đúc bánh xèo “trước cúng ông bà, sau cả nhà cùng hưởng” thật thiêng liêng, ấm áp. Trước đó mấy ngày, đàn ông con trai phải lo chuẩn bị chất đốt. Củi vớt được trên sông trong những ngày lũ lụt được chẻ thành que nhỏ đem phơi ngoài nắng hoặc gác lên giàn bếp cho khô để làm củi đun. Loại chất đốt để đúc bánh xèo tuyệt vời nhất là những đoạn dây rừng (dây chìu) dùng làm dây néo khi dựng các guồng xe nước. Cuối mùa, guồng bờ xe được hạ xuống để tránh bị lũ kéo trôi. Tre được chọn lựa để giữ lại cho mùa sau. Dây rừng chỉ dùng một lần nên người thợ xe đem về nhà mình dùng và chia cho hàng xóm. Củi từ dây rừng không chậm bắt lửa như củi gỗ, cũng không quá nhanh đượm, nhanh tàn như bã mía, mà gọn gàng, riu ríu vừa liếm quanh đít khuôn bánh xèo. Các bà, các chị chuẩn bị khuôn đúc, ngâm gạo, đợi sáng hôm sau ra chợ sớm, kẻ mua vịt, người mua tôm, lại thêm ít thịt heo mỡ, nấm rơm, giá đỗ xanh, gặp kỳ có nấm mối thì tuyệt vời hơn.
Khuôn bánh xèo của người Nam Trung bộ có đường kính chừng một gang tay, bằng đất nung. Mỗi nhà thường có vài ba khuôn, khi nhà mình đúc thì sang nhà bên mượn thêm vài khuôn nữa.
Lửa nổi lên, bà và mẹ ngồi vào bếp trước, vừa đúc vừa chỉ dẫn cho các con, các cháu. Từ việc thoa dầu lạc (đậu phụng) hoặc mỡ lợn lên khuôn, rồi cho bột đều vào khuôn, đến lúc lấy bánh ra khỏi khuôn khéo léo bằng chiếc xiên tre. Bánh ra khuôn được sắp thành từng lớp vào chiếc rỗ tre lót lá chuối, mỗi lúc một đầy dần lên. Khói bếp đã lừng lững bay trên mái nhà, mùi thơm của những chiếc bánh xèo quê chầm chậm lan theo làn gió đông. Khách khứa bắt đầu tề tựu ở nhà trên, uống trà, hút thuốc, trò chuyện về vụ mùa đã qua và những dự định cho năm mới sắp đến. Các ông soạn lễ vật lên bàn thờ. Các bà đứng dậy làm nước chấm, nhường bếp lửa cho các cháu gái tập đúc bánh. Nước mắm cá cơm ngon nhức chân răng, tỏi Lý Sơn thơm líu lưỡi, ớt kim ngoài vườn cay muốn bừng môi. Ba món ấy quyện vào làm thành món nước chấm rất riêng. Rổ rau sống của người miền quê này cũng không quá nhiều loại rau như người Nam bộ, nhưng loại nào ra loại đó: Giá đỗ xanh ủ ngoài bãi cát ven sông; rau diếp cá, xà lách trồng trong vườn nhà; quả khế chua chớm ngả vàng, quả chuối chát xanh thái mỏng đem ngâm trong nước muối nhạt; thêm ít rau quế, rau răm.
Nghi thức cúng cơm mới với món bánh xèo cũng không quá rườm rà. Bình hoa, nải chuối, cau trầu quệt với vôi cay, chén nước, chén gạo, cốc rượu, nén hương, một ít vàng mã chuẩn bị từ trước. Chỉ có một thức chính là bánh xèo, cộng thêm đĩa mắm. Gia chủ ăn mặc chỉnh tế lâm râm khấn vái: Tạ ơn trời đất,, thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ, độ trì cho một vụ mùa như ý. Cầu cho vạn vật tốt tươi, cả nhà được bình an, khương thới. Lễ sắp tàn thì dâng lên bình trà nóng hổi trước khi hóa vàng.
Trong khi các ông lo việc nghi lễ, thì các bà sắp bánh ra đĩa rồi đặt vào chiếc mâm đan bằng mây, dặn dò con cháu mang qua tặng nhà hàng xóm, biếu người già, gọi là chút quà thơm thảo, ấm áp ngày mưa.
Người ta gọi lễ cúng Rằm tháng Mười của người Nam Trung bộ là “Tết Bánh xèo” cũng thiệt chính xác và giàu ý nghĩa.