| Hotline: 0983.970.780

Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020 không phô trương hình thức

Thứ Bảy 07/12/2019 , 10:11 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa ban hành Chỉ thị số 9155/CT-BNN-TCLN ngày 6/12 phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ nhân dịp Xuân Canh Tý năm 2020.

Tết trồng xây Xuân Canh Tý năm 2020 cần gắn chặt với Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 và Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Trong Chỉ thị, Bộ trưởng nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nhân dân trong cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được những kết quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2019, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân, nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 224.000 ha rừng trồng tập trung và 60 triệu cây phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng trên 30 triệu m3 gỗ/năm; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 41,85%; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 2.800 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành; giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018.

Đạt được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao, tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành cùng với sự nỗ lực của các địa phương trên cả nước. Tuy vậy, ngành lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kết quả trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác, trồng rừng ven biển chưa đạt so với kế hoạch đề ra; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; tình trạng phá rừng, đặc biệt là cháy rừng còn xảy ra phức tạp ở một số địa phương,…

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn hạn chế, đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Canh Tý năm 2020 đảm bảo thiết thực, hiệu quả, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật về lâm nghiệp được áp dụng đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2015 - 2020 theo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 và Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Các địa phương cần tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới Kỷ Hợi, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19/5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.

Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về Bộ NN-PTNT để theo dõi và phối hợp chỉ đạo.

Phát động thực hiện các phong trào thi đua, lập nhiều thành tích trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức các hoạt động uống nước nhớ nguồn, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Lâm nghiệp; thăm hỏi các gia đình người có công, Anh hùng lao động của ngành Lâm nghiệp, gia đình thương binh liệt sỹ trong lực lượng kiểm lâm nhân kỷ niệm “Ngành Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển” (1945-2020).

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.