| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu gạo là khẳng định lòng tin với người tiêu dùng

Thứ Ba 10/12/2024 , 20:04 (GMT+7)

Các doanh nghiệp phải tự khẳng định 'bản sắc', chú trọng duy trì chất lượng ổn định, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đó mới là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Việt Nam từ quốc gia phải nhập khẩu gạo vào những năm 1980, đến năm 1990 nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, nhưng chủ yếu là gạo chất lượng thấp. Sau gần 1 thập  kỷ, với nhiều nỗ lực của doanh nghiệp và bà con nông dân, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và hiện tại đã đứng nhóm thứ 3 thế giới.

Mặc dù chưa phải là nước có thể điều tiết được giá thành, nhưng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: Kim Anh.

Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: Kim Anh.

Điều này một lần nữa được khẳng định, khi trong năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam đạt được thành tựu xuất khẩu gạo lớn, với tổng khối lượng và giá trị 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn, tương đương 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay. Không những vậy, những năm gần đây, cơ cấu gạo của nước ta liên tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng gạo chất lượng, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp.

Với vị thế này, tại Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 10/12, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, đã đến lúc phải định hình lại việc xây dựng thương hiệu.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải tự khẳng định “bản sắc” của sản phẩm, chú trọng duy trì chất lượng ổn định, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, đó mới là xây dựng thương hiệu.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, đã đến lúc phải định hình lại việc xây dựng thương hiệu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, đã đến lúc phải định hình lại việc xây dựng thương hiệu. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp gạo Việt Nam thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Như thương hiệu gạo ST25 của anh hùng lao động Hồ Quang Cua, đã giành được danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thành công của gạo ST25 đã tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Nhiều chuyên gia nhận định, thương hiệu gạo là sản phẩm được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, tin dùng. Do đó, muốn phát triển thương hiệu tốt cần có định hướng đồng thời làm tốt các trục: sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp tham gia, quy mô lớn; hệ sinh thái để thương hiệu phát triển.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, cho rằng Việt Nam đã đặt vấn đề xây dựng thương hiệu gạo từ rất lâu. Đến nay, riêng về gạo ST25 đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp nhận, nhưng chưa chiếm tổng thể và đại diện cho các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam đạt được thành tựu xuất khẩu gạo lớn, với tổng khối lượng và giá trị 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn, tương đương 5,31 tỷ USD. Ảnh: Kim Anh.

Trong năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam đạt được thành tựu xuất khẩu gạo lớn, với tổng khối lượng và giá trị 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn, tương đương 5,31 tỷ USD. Ảnh: Kim Anh.

"Nếu nói việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chưa thành công là không đúng. Từ 3-4 năm trở lại đây, thương hiệu gạo Việt Nam đã thành công, dù chưa có giống nào đại diện. Hiện nay, mỗi năm Philippines nhập khẩu của Việt Nam vài triệu tấn gạo và năm 2024 chắc chắn trên 4 triệu tấn. Điều này khẳng định, gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới”, lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của TP Cần Thơ nhận định.

Theo ông Bình, việc xây dựng thương hiệu gạo phải tính từ đồng ruộng đến bàn ăn, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tức xây dựng chuỗi giá trị từ giống, phương pháp gieo sạ, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở từng quốc gia, khu vực.

Nhìn từ 3 quốc gia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu gạo thành công trên thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua đề xuất giải pháp giữ lại hương thơm đặc trưng trong hạt gạo.

Các đại biểu chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Các đại biểu chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Cua, sở thích của người tiêu dùng khác nhau, tuy nhiên hương thơm trong hạt là tinh túy và các nước đều chọn gạo thơm làm tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, trong quá trình canh tác cần chú ý nhiều yếu tố như: hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa học; chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học; tránh lúa trổ chín vào thời điểm mưa dầm hoặc nắng nóng… để giữ hương vị tự nhiên của hạt gạo.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...