![img_93175_20250208162424000000-141955_472.jpg Bộ trưởng Narumon (trái) và Bí thư Đảng ủy GACC Tôn Mai Quân.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/img_93175_20250208162424000000-141955_472-164535.jpg)
Bộ trưởng Narumon (trái) và Bí thư Đảng ủy GACC Tôn Mai Quân.
Cổng thông tin Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho biết, ngày 8/2, PGS.TS Narumon Pinyosinwat, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, dẫn đầu đoàn công tác của Thái Lan đã hội đàm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Buổi gặp có sự tham dự của TS Tôn Mai Quân, Bí thư Đảng ủy GACC (vừa bổ nhiệm cuối tháng 1/2025), cùng ông Vương Ích Ngu, Cục trưởng Cục Kiểm dịch động thực vật; ông Lý Kình Tùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và bà Quách Tuyết Diễm, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Narumon mong muốn, hai bên thúc đẩy, mở rộng hơn nữa cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường hợp tác thương mại thông qua đường sắt cao tốc và vấn đề mở cửa thị trường nông sản.
"Thái Lan và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ ở mọi cấp độ, từ lãnh đạo quốc gia, Chính phủ và người dân", bà Narumon nói. Theo bà, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm số 1 của Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng trái cây như sầu riêng, măng cụt và xoài.
Vừa qua Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với sầu riêng, sau khi phát hiện sản phẩm này nhiễm vàng O. Thay mặt ngành nông nghiệp, bà Narumon tuyên bố ủng hộ và trấn an người tiêu dùng Trung Quốc rằng, hãy yên tâm sử dụng nông sản Thái Lan. Xứ Chùa vàng sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đặt ra.
![thai-lan-tien-them-1-buoc-thich-ung-lenh-248-sua-doi-151428_561.jpg Thái Lan và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, hải quan.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/thai-lan-tien-them-1-buoc-thich-ung-lenh-248-sua-doi-151428_561-164535.jpg)
Thái Lan và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, hải quan.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng đặt ra vấn đề về việc thiết lập các nhóm công tác chung về kiểm dịch động thực vật (SPS). Hiện Thái Lan thúc đẩy mở cửa thị trường với một số sản phẩm thủy sản nuôi, gia súc và trái cây tới Trung Quốc, nên cần sự phối hợp, đồng hành của đối tác.
Bà Tôn Mai Quân đánh giá cao phản ứng nhanh chóng, hiệu quả của Thái Lan trong việc thích ứng với những yêu cầu mới về kiểm dịch. Tất cả các cấp, bao gồm nông dân, nhà sản xuất, nhà máy đóng gói và nhà xuất khẩu Thái Lan đều vào cuộc một cách tích cực.
Tại Trung Quốc, Thái Lan chiếm hơn 58% thị phần trái cây nhập khẩu. Trong số 870.000 tấn này, người Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng sầu riêng Thái Lan, hiện chiếm trên 50% thị phần và khoảng 35% tổng lượng nông sản xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc.
Thái Lan và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận khung về hợp tác "một cửa" trong thương mại quốc tế và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về "doanh nghiệp được chứng nhận" (doanh nghiệp ưu tiên - AEO).
![thai-lan-tien-them-1-buoc-thich-ung-lenh-248-sua-doi-153850_76.jpg Bộ trưởng Narumon thông báo những kết quả quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan hôm nay 9/2.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/thai-lan-tien-them-1-buoc-thich-ung-lenh-248-sua-doi-153850_76-164535.jpg)
Bộ trưởng Narumon thông báo những kết quả quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc với cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan hôm nay 9/2.
Trong đó, thủ tục công nhận lẫn nhau AEO là một trong những thay đổi quan trọng của Lệnh 248 (sửa đổi) về việc đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm nhập khẩu ở nước ngoài, vừa được GACC dự thảo gửi các nước thành viên WTO hôm 10/1. Dự thảo này sẽ kết thúc thời gian lấy ý kiến vào ngày 11/3 và có thể áp dụng ngay sau đó.
Cụ thể, nếu hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nơi nhà sản xuất nước ngoài đặt trụ sở đáp ứng 1 trong 4 điều kiện sau, cơ quan có thẩm quyền của nơi ấy có thể đề nghị công nhận hệ thống từ GACC.
4 điều kiện gồm: (1) Đồng ý và vượt qua kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được GACC thực hiện; (2) Ký kết thỏa thuận hợp tác về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu với GACC; (3) Đã ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về "Doanh nghiệp được chứng nhận" (AEO) với GACC; (4) Ký kết các thỏa thuận hợp tác và tuyên bố chung với các bộ phận khác của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm hợp tác an toàn thực phẩm.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về AEO giữa Trung Quốc và Thái Lan là thỏa thuận AEO đầu tiên GACC ký kết trong năm 2025. Các doanh nghiệp AEO của hai nước sẽ được hưởng các biện pháp thuận tiện như kiểm tra ưu tiên và thông quan, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí kho bãi và logistics.
Hiểu một cách đơn giản, thay vì chờ kiểm dịch tại cửa khẩu, doanh nghiệp Thái Lan có thể kiểm dịch tại một phòng thí nghiệm trong nước được cả hai bên công nhận, rồi được tạo "luồng xanh" xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau AEO với 31 nền kinh tế, bao gồm 57 quốc gia (khu vực).
Sau chuyến thăm của Thủ tướng Paethongtarn Shinawatra sang Trung Quốc, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung gồm 22 điều. Trong đó, cam kết cùng nhau bảo vệ vị thế trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN, xây dựng cộng đồng Trung Quốc - ASEAN gắn kết hơn.
Ngoài ra, nhất trí thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Hiệp định RCEP, ủng hộ Hong Kong gia nhập RCEP và mong muốn ký kết Nghị định thư nâng cấp Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN 3.0 sớm nhất vào năm 2025.