| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên

Giám đốc bị tố sưu tầm cổ vật không rõ nguồn gốc?

Thứ Năm 23/07/2020 , 08:42 (GMT+7)

Nghi vấn lãnh đạo mua cổ vật không có nguồn gốc xuất xứ, một cán bộ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tỉnh Thái nguyên đã đứng đơn tố cáo...

Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, một cán bộ đang công tác tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  đã chỉ rõ 46 hiện vật là cổ vật sưu tầm về "Tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh", đang trưng bày trong Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  tại tỉnh Thái Nguyên, là hiện vật không đầy đủ những tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ của cổ vật.

Đơn tố giác nhiều dấu hiệu sai phạm của bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Bảo tàng VHCDT Việt Nam, được cán bộ, nhân viên của Bảo tàng gửi đến Báo NNVN.

Đơn tố giác nhiều dấu hiệu sai phạm của bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Bảo tàng VHCDT Việt Nam, được cán bộ, nhân viên của Bảo tàng gửi đến Báo NNVN.

Cổ vật sưu tầm mà không có nguồn gốc xuất xứ là vi phạm các quy định về sưu tầm cổ vật, vô hình chung hoạt động sưu tầm này có thể tiếp tay cho vấn nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép.

Cụ thể, từ năm 2017 đến 2019, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện dự án “Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật văn hóa truyền thống có nguy cơ không còn của các dân tộc Việt Nam” với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Trong đó, có phần thực hiện việc sưu tầm 46 cổ vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh.

Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  đã giao việc cho ông Ngô Văn Hòe, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (đã mất) và ông Nguyễn Ngọc Nhâm, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, thực hiện mua 46 hiện vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh của ông Nguyễn Bằng Giang, có địa chỉ ở số 1 Tràng Thi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội với số tiền 3.889.900.000 đồng.

Đến ngày 17/8/2018, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nghiệm thu các cổ vật tục thờ mẫu của dân tộc Kinh như sau: Tượng Cô (Thánh cô): 45.000.000đ; Đôi tượng chầu (Chầu quế, Chầu quỳnh): 34.000.000đ; Tượng Chầu (Trên ban Thánh Mẫu)…

Trong đó có nhiều cổ vật trị giá trên 100 triệu đồng như: Tượng Quan Âm chuẩn đề: 123.500.000đ; Tượng A Di Đà:  247.000.000đ; Tượng Đức Ông: 156.000.000đ; Tượng Khuyến Thiện: Quan Âm Tọa Sơn: 136.000.000đ; Thạp hoa nâu: 312.000.000đ và cả những bức trang họa đắt tiền như: Bình Phong đục nảy nền nhất thi, nhất hoạ: 215.000.000đ...

Theo phản ánh của một số cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam , thì các hiện vật này đều không có sự tích nguồn gốc xuất xứ, bởi việc mua bán trao tay từ người sưu tầm cổ vật trôi nổi trong nhân dân, rất dễ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng là tiếp tay cho vấn nạn mất cắp cổ vật tại các đình, chùa.

Theo quy định của ICOM (Hội đồng Bảo tàng thế giới) ở mục 2.4 như sau: “Bảo tàng không được sưu tầm hiện vật từ những nơi mà chắc chắn rằng hiện vật có được là do các hành động trái phép, không có chứng cứ khoa học”.  

Còn tại mục 1, điều 13, của Luật Di sản Văn hóa, được Quốc hội khóa 10 thông qua năm 2001, đã chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi “chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa…”.

Nghi vấn đặt ra: Vì sao cá nhân ông Nguyễn Bằng Giang lại tích tụ được nhiều số lượng hiện vật là cổ vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh như thế? Bởi các cổ vật, hiện vật về tục thờ mẫu của dân tộc Kinh, vốn là những hiện vật có giá trị tâm linh trong đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Kinh, nó luôn thuộc sở hữu bởi cộng đồng, việc mua bán sẽ phải do cộng đồng tại đình, chùa nào đó làm chủ sở hữu quyết định, đặc biệt là việc mua bán sưu tầm phải có Giấy xác nhận của chính quyền địa phương.

Tượng thờ Mẫu của dân tộc Kinh đã được thu gom về Bảo tàng VHCDT Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên. 

Tượng thờ Mẫu của dân tộc Kinh đã được thu gom về Bảo tàng VHCDT Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên. 

Khi đối chiếu với các Biên bản của người sưu tầm các hiện vật tục thờ mẫu của dân tộc Kinh, đang trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  tại tỉnh Thái Nguyên, đã không có sự xác nhận của chính quyền địa phương tại từng Biên bản sưu tầm hiện vật, mà thay vào đó chỉ là xác nhận của tổ chức “Hội sưu tầm…”, phải chăng đã là khe hở lớn, để góp phần cho việc “hợp thức” hiện vật bị mất cắp hiện đang trôi nổi trong dân?.

Theo một số chuyên gia về cổ vật, Biên bản sưu tầm hiện vật về tục thờ mẫu của dân tộc Kinh, đã được người sưu tầm làm theo cảm tính chủ quan của cá nhân, khi toàn bộ nguồn gốc cổ vật đã bị trích lược cho đơn giản hóa như: “Ông Nguyễn Bằng Giang sưu tầm tại tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh  Nam Nam Định, tỉnh Hà Bắc cũ và một số ít ở tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế từ năm 1989, 1990  đến năm 1995 để trưng bày tại gia đình cho đến nay”.

Biên bản không xác định rõ nguồn gốc hiện vật là cổ vật này có xuất xứ từ đình, đền, chùa nào? Thôn, xóm, xã, huyện, nào? Ông Giang đã sưu tầm của những ai trước đó (tên, tuổi, địa chỉ người bán), để làm căn cứ pháp lý chứng minh không phải ông Giang mua cổ vật do nạn trộm cắp mà có. Quá trình tồn tại hiện vật mang tính cổ vật đã trải qua biến thiên, thăng trầm của lịch sử cũng cần chứng minh để thấy rõ giá trị của cổ vật cho đến nay ra sao?

Biên bản sưu tầm hiện vật Tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh, đã được Hội sưu tầm xác nhận, là chưa đúng với thẩm quyền về quản lý nhà nước đối với cổ vật, hiện vật trong cộng đồng.

Biên bản sưu tầm hiện vật Tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh, đã được Hội sưu tầm xác nhận, là chưa đúng với thẩm quyền về quản lý nhà nước đối với cổ vật, hiện vật trong cộng đồng.

Việc xác nhận, đóng dấu cho Biên bản sưu tầm của Hội sưu tầm nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long, do ông Đào Phan Long ký cũng chưa đúng với thẩm quyền về quản lý nhà nước (vì trong biên bản sưu tầm có phần ghi rõ là “xác nhận của chính quyền địa phương”? 

Với nhiều uẩn khúc như trên, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ nguồn gốc xuất xứ của 46 hiện vật là cổ vật tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam  tại tỉnh Thái Nguyên, góp phần giải tỏa bức xúc trong cán bộ, nhân viên đồng thời góp phần giảm thiểu vấn nạn trộm cắp hiện vật, cổ vật tại những nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.