| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên "tấn công tổng lực" nghèo đói trên những bản Mông

Thứ Tư 11/08/2021 , 22:20 (GMT+7)

Nghèo đói trên những bản người Mông vốn mặc định sừng sững như đá núi. Vậy nên xóa đói, giảm nghèo với người Mông ở Thái Nguyên như câu chuyện cổ tích có thật.

"Tấn công tổng lực"

Điểm danh 26 bản Mông ở Thái Nguyên, tôi đã đi hết cả. Nơi đó ùa về những ký ức giàu cảm xúc nhất để nhận diện vùng cao: Hoang dã, hoang dại và hoang phí. Chủ thể của bức tranh ấy - người Mông có 2 đặc trưng là đói và đẻ. Đói bởi khó khổ, nhưng đâu chỉ đói cơm áo mà khát cả tinh thần.

Vậy mới có những bản người Mông theo tà đạo mà thờ con ve sầu, những toán thợ săn rã rượi nơi rừng rậm thâm u với ý nghĩ thô sơ muốn lập "nhà nước riêng". Họ mang đến cảm giác lạnh lùng, phẫn uất khi tôi nghĩ về những em bé người Mông nô đùa trên bình nguyên căm căm gió mùa đông mà không mặc áo quần.

Người Mông bản Trung Sơn đã thuần thục kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho cây na. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người Mông bản Trung Sơn đã thuần thục kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho cây na. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Và đẻ. Năm 1979, Thái Nguyên có 644 người Mông, năm 1989 có 2.264 người, năm 1999 có 4.831 người, năm 2009 có 7.230 người. Đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có gần 11.000 người Mông sinh sống chủ yếu ở 26 xóm bản vùng cao đặc biệt khó khăn. Đẻ như một điệp khúc dìu dặt tuôn trào của suối, của rừng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đẻ sớm, đẻ dày, đẻ nhiều tại bởi trời sinh. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Nhân vật người đàn ông đẻ tới 19 con trên bản Mỏ Ba đã khiến Thái Nguyên nổi tiếng với những bài báo về tốc độ đẻ của đồng bào.

Quyết tâm nâng cao đời sống người Mông trên địa bàn, năm 2014, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ trồng cỏ và nuôi nhốt trâu bò. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người Mông xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ trồng cỏ và nuôi nhốt trâu bò. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Con đường thoát đói nghèo là con đường lên bản. Để đến được với người Mông, tiếp cận với đồng bào một cách dễ dàng, tỉnh Thái Nguyên đã phân nguồn hàng trăm tỷ đồng, giao cho 38 đơn vị là các huyện thành thị, các sở ban ngành trong toàn tỉnh triển khai xây dựng 15 tuyến đường lên bản Mông với tổng chiều dài gần 50 km. Trong đó, có 8 tuyến thuộc huyện Võ Nhai (28 km), huyện Đồng Hỷ 4 tuyến (13 km), 2 tuyến của huyện Phú Lương (3,5 km) và 1 tuyến thuộc huyện Định Hóa (2km).

Tiếp đến, dự án cấp diện nông thôn đã đưa 26/26 xóm bản thuộc Đề án có điện lưới quốc gia. Công trình nước, nhà văn hóa, nhà lớp học hiện diện đầy đủ ở cả 26 xóm bản.

Từ hạ tầng cơ sở, tiến đến thượng tầng ý thức kết hợp với thực hiện chính sách tôn giáo hợp lý: 100% trẻ em bản Mông nói được tiếng phổ thông trước khi vào lớp 1; 100%  xã vùng đồng bào dân tộc Mông có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mông mang đến cho đồng bào sự tin tưởng, phấn khích. Đến nay, người cuồng tín theo tà đạo trở thành số ít và không còn là bạn với đồng bào được nữa.

Song hành với chương trình hỗ trợ đầu tư là hỗ trợ phát triển sản xuất. Qua 5 năm qua, Thái Nguyên đã hỗ trợ sản xuất cho đồng bào thông qua hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai cho gần 7.000 lượt hộ; hỗ trợ lãi suất, kinh phí trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò cho trên 250 hộ; hỗ trợ trồng hơn 40h cây ăn quả...

Giấc mơ có thật

Sự ám ảnh vượt suối đỉa bâu, luồn rừng vắt bám, băng núi đá tai mèo xẻ chân để đến bản Mông vụt tan biến trong chúng tôi. Giờ đây, ô tô lướt đến trung tâm của bất cứ bản Mông nào ở Thái Nguyên mà chúng tôi muốn. 100% gia đình có xe máy nên cũng vì thế mà người Mông có thể quên dần tốc độ dịch chuyển bò lên đỉnh non. Trẻ em Mông không còn ngơ ngác khi thấy ô tô, xe máy.

Các phương tiện xe cơ giới đến bản giúp dân dựng nhà, dựng chuồng trại chăn nuôi; cải tạo tư liệu, quai đất đắp bờ cấy lúa lai, đào ao thả cá; bạt núi trồng keo; san đồi trồng cỏ nuôi bò, trồng chè, trồng cây dược liệu, cây ăn quả... Rồi ô tô, xe máy lại đưa nông sản xuống núi, mang vật tư, hàng hóa lên non, về bản.

Cây cam sành giúp bà con dân tộc Mông bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai nâng cao thu nhập. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cây cam sành giúp bà con dân tộc Mông bản Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai nâng cao thu nhập. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Anh Ngô Văn Tô, Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai cho biết, đổi thay ở bản Mông như một giác mơ có thật. Xóm đã bắt đầu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, các cây trồng chủ lực là ngô lai và cam sành, diện tích khá lớn. Nhiều hộ đầu tư nuôi bò thương phẩm có thu nhập cao. Nếu như chục năm đổ về trước, bà con thường xuyên thiếu đói đến 3 tháng mỗi năm, thì nay hoàn toàn không còn cảnh đói, các hộ đang nỗ lực thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, xởi lởi tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi. Ngoài những đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, ông Tú còn mua cả xe ô tô làm phương tiện đi lại. Với ông Tú cũng như người dân Mỏ Ba, con đường lên bản là câu chuyện cổ tích đầu tiên của tập truyện đổi thay trên bản Mông. Từ ngày nhà nước làm đường to, không ít người dân Mỏ Ba đã mua ô tô phục vụ đi lại và chở hàng hoá. Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự khởi sắc của xóm.

Trẻ em dân tộc Mông ở bản Lân Quan (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ) được quan tâm chăm sóc tố hơn so với trước đây. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trẻ em dân tộc Mông ở bản Lân Quan (xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ) được quan tâm chăm sóc tố hơn so với trước đây. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bản Mông giờ chẳng thiếu gì. Nhà văn hóa, nhà lớp học ở trung tâm các bản rộn rã tiếng loa, tiếng đài, tiếng nhạc. Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, vui vẻ: Các cháu từ 11,12 tuổi trở lên đều đã thấy dùng smartphone hết. 100% gia đình người Mông có điện thoại di động. Thông tin đầy đủ, người Mông giờ nắm bắt tình hình thời sự, trách nhiệm công dân rất tốt. Đó chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, áp dụng chính sách tôn giáo hợp lý cũng như triển khai tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất cho đồng bào.

Ông Nguyễn Thái Nam (Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên) tâm đắc, trên những vai núi, đời sống của đồng bào Mông đang từng ngày ổn định. Những bản Mông ở Thái Nguyên giờ không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, nhường chỗ cho khá, hộ giàu. Quyết tâm của tỉnh “không để đồng bào bị tụt lại phía sau” đang từng bước trở thành hiện thực.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.