| Hotline: 0983.970.780

Thâm canh cam sạch

Thứ Tư 06/03/2019 , 09:11 (GMT+7)

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện mô hình thâm canh cam đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong thời kỳ kinh doanh.

15-28-46_img_7865
Kiểm tra đánh giá mô hình sản xuất cam sạch

Đây là một hoạt động trong chuỗi dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương.

Mô hình triển khai với quy mô 3 ha, trên giống cam Vân Du và V2, thực hiện trên vườn cam của ông Nguyễn Minh Thoản ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Đây là vườn cam mới bước vào năm đầu tiên của chu kỳ kinh doanh (năm thứ 4), việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh không được ông Thoản thực hiện tốt. Tuy nhiên tham gia mô hình, ông Thoản đã cam kết chấp hành những yêu cầu mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các bộ chỉ đạo mô hình hướng dẫn trong suốt quá trình thực hiện.

Mô hình được thực hiện trong thời gian 9 tháng. Triển khai mô hình Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ cho hộ dân 30% vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình triển khai Trung tâm đã tiến hành các đợt tập huấn về cách chăm sóc cây cam theo hướng hữu cơ cho hộ trong và ngoài mô hình trên địa bàn xã. Đây là những hộ đang có nhu cầu tiếp cận các kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây cam.

Các lớp tập huấn tập trung vào các kỹ thuật như chăm sóc, cách tỉa cành, tạo tán, ra hoa; kỹ thuật bón phân ở từng thời kỳ sinh trưởng của cây; kỹ thuật nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại; cách giữ ẩm cho cây cam trong mùa hè khô hạn; cách phòng trừ sâu vẽ bùa, sâu đục quả...; kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Ông Thoản chia sẻ, cam là cây trồng khó tính, bản thân ông không nắm rõ kỹ thuật, việc trồng tự phát, không có hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên cây sinh trưởng, phát triển kém. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm mô hình bản thân ông rất mừng. Có cán bộ kỹ thuật đến tận vườn, hướng dẫn cách bón phân, tỉa cành, nhận biết sâu bệnh hại nên ông đã hiểu biết hơn. Nhờ vậy, ông nắm chắc các kỹ thuật để áp dụng vào vườn cam. Sau gần một năm triển khai vườn cam đã có những thay đổi lớn.

Ông Hoàng Việt Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lâm cho biết: "Để từng bước hướng đến sản phẩm cam sạch, chất lượng, thời gian qua Hội Nông dân và các cấp hội đoàn thể trên địa bàn xã đã tích cực vận động tuyên truyền, kết hợp với các đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo từng vùng đất, hướng đến sản xuất theo hướng hàng hoá. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động hội viên áp dụng các kỹ thuật mới để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cam, góp phần cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng".

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình triển khai mô hình chúng tôi đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tác động vào vườn cam. Quá trình bón phân trong mô hình chia làm 4 đợt. Đợt 1 trong tháng 5 (0,3kg đạm + 0,2kg kali) bón thúc quả và chống rụng quả; đợt 2 vào tháng 7 (0,25kg đạm + 0,15kg kali) bón tăng trọng lượng quả; đợt 3 vào tháng 9 (0,15kg đạm + 0,5kg kali); đợt 4 vào cuối tháng 11, vệ sinh vườn sau khi thu hoạch bón bổ sung phân chuồng và lân. Kèm theo đó áp dụng một số giải pháp tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả, chống rụng, bảo vệ và nâng cao chất lượng quả như sử dụng phân sinh học Tung Humic để phun vào các giai đoạn quan trọng của cam”.

Qua thời gian triển khai cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn 20% so với canh tác truyền thống. Cây sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm, quả đẹp, chất lượng của cam ngọt và đậm. Số quả bình quân 25 quả/cây, trọng lượng quả bình quân  4 quả/kg.

"Diện tích cam trong mô hình mới bước vào thời kỳ đầu của chu kỳ kinh doanh nên năng suất chưa cao và sản lượng chưa nhiều. Nhưng mô hình đã mang lại những kết quả khả quan, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội. Đó là tác động tích cực về mặt nhận thức, giúp hộ tham gia mô hình cũng như các hộ trồng cam lân cận thay đổi tập quán canh tác...", kỹ sư Lê Thị Tú.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.