Nông dân, nông nghiệp và nông thôn là một trong những lĩnh vực có nhiều thay đổi tích cực và sâu rộng nhất.
1. Nông dân làm chủ
Trước năm 1945, đa số nông dân nước ta là tá điền - người làm nông nghiệp nhưng không có ruộng đất, phải “cày thuê, cấy rẽ” cho các loại địa chủ. Là dân của một đất nước mất độc lập tự do, thân phận thấp kém trong xã hội, vai trò của giai cấp nông dân nước ta lại càng nhỏ bé trong đời sống chính trị đương thời... Thường thấy trong cuộc đời là những thân phận giống như anh Pha, chị Dậu và cả Chí Phèo.
Từ cái mốc lịch sử Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, người nông dân Việt Nam đã có 3 lần được giải phóng và vươn lên làm chủ.
Lần thứ nhất là từ thân phận của người dân nô lệ mất nước, trở thành người chủ chế độ mới, làm chủ vận mệnh của mình. Chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mang lại cho mọi công dân nước ta bình đẳng về chính trị. Nhân dân ta “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, chính vị thế ấy đã mang lại sức mạnh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Lần thứ hai là cải cách ruộng đất, người cày đã có ruộng. Nông dân đã được xóa bỏ thân phận tá điền bao đời. Họ đã được chuyển phận làm thuê thành người làm chủ trên thửa ruộng của mình. Hơn 810.000ha ruộng đất đã được Chính phủ chia cho 2.104.158 hộ nông dân. Người cày có ruộng đã góp thêm sức mạnh cho cuộc “kháng chiến kiến quốc”.
Lần thứ ba nông dân được giải phóng khỏi cách làm ăn cũ với “khoán 10” và “khoán 100”. Đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp đã giúp nông dân được tự chủ, được làm ăn và làm giàu.
Vẫn trên cánh đồng xưa ấy, hôm nay còn có thêm sự hỗ trợ của “bốn nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Cùng với đó hôm nay là quá trình “dồn điền, đổi thửa”, “dịch chuyển cơ cấu mùa vụ, cây con”… để từng bước nông nghiệp Việt Nam tiến lên sản xuất hàng hóa lớn.
Ba lần giải phóng ấy nói với chúng ta điều gì? Giải phóng và phát triển là quy luật của cách mạng Việt Nam. Điều đó cũng đúng với quy luật vận động của nông dân nước ta. Khi nông dân thực sự là “chủ thể của quá trình phát triển”; khi Đảng và Nhà nước hỗ trợ tiếp cận với nền kinh tế thị trường thì nông dân nước ta có thể đạt thêm nhiều “kỳ tích” thú vị và góp phần to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Nói rõ hơn, đó là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vận động tự thân giai cấp nông dân kết hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thiếu một, chưa thể thành công.
2. Nông nghiệp vươn mình
Từ nền nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc tự nhiên và tự cấp tự túc đến nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và sản xuất hàng hóa lớn.
Sau cách mạng tháng Tám và có đến hàng chục năm sau đó, nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những cái chế ước của tự nhiên. Đất nước nghèo lại chiến tranh kéo dài, chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều cho nông nghiệp... Chỉ đến vài chục năm gần đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới đồng quê ta mới bắt đầu thay đổi.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”. Chiến lược của Đảng, đầu tư của Nhà nước, nỗ lực của bà con và kích thích của kinh tế thị trường đã khiến nông nghiệp chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững.
Được biết rằng năm 1927 Việt Nam đã từng xuất hơn 2 triệu tấn gạo từ cảng Nhà Rồng. Rồi sau đó là thiếu đói triền miên.
Đến năm 1989 thì chúng ta có triệu tấn gạo xuất khẩu đầu tiên. Cái tin năm ấy, xuất khẩu được 1,3 triệu tấn gạo, được chừng trên 320 triệu USD một chút, bây giờ người ngoài cuộc mà nghe thì không mấy quan tâm. Nhưng hồi ấy với bao người thật nhiều cảm xúc. Chúng ta đã thoát đói, đã bắt đầu đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp cũng bắt đầu làm ra tiền...
10 năm gần đây nhất sản lượng lúa gạo của nông nghiệp Việt Nam đã tăng từ 39,2 triệu tấn năm 2009 lên 43,45 triệu tấn năm 2019, tăng 12,2%. Bình quân lương thực đầu người đã tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hơn 30 năm qua, chỉ riêng lúa gạo xuất khẩu đã đóng góp hơn 45 tỷ USD cho đất nước. Vai trò Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác theo đó cũng ngày càng tăng.
Cũng còn khá nhiều thách thức khó khăn cần phải tiếp tục giải quyết để thực hiện chiến lược “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.
Nhưng rõ ràng, từ nền nông nghiệp sản xuất nhỏ mang nặng tính chất “tự cung tự cấp” đến sản xuất hàng hóa lớn trên thị trường quốc tế là bước tiến dài của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.
3. Nông thôn đổi mới
Sau 75 năm trong chế độ mới và hơn 30 năm đất nước đổi mới, nhiều vùng nông thôn đã trở nên ấm no, trù phú, diện mạo nông thôn đã đổi thay sâu sắc cùng với đất nước và con người Việt Nam.
Chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm gần đây là tác động tích cực, toàn diện và làm thay đổi sâu rộng đời sống ở nông thôn.
Mục tiêu là: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện. Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn nước ta tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân vùng đô thị.
Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị đã giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018 (vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm còn 1,41 lần, vùng Đông Nam bộ 1,57 lần, thành phố Hồ Chí Minh giảm xuống còn 1,32 lần với mức thu nhập ở nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm).
Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 17,35% năm 2010 xuống còn khoảng 5,9% năm 2019.
Cơ sở hạ tầng của nông thôn cũng ngày càng phát triển. Các hạng mục cơ bản kết cấu nên hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, trạm y tế, cảnh quan và nhà ở... đều được Nhà nước quan tâm quy hoạch, đầu tư và nhân dân cùng tham gia xây dựng và thụ hưởng thành quả.