| Hotline: 0983.970.780

Tháo điểm nghẽn đồng bằng

Thứ Hai 03/01/2022 , 14:49 (GMT+7)

Nếu gắn kết tốt, ĐBSCL không chỉ phát huy được tối đa lợi thế, mà còn tạo ra một tổng thể kinh tế hài hòa và hoàn chỉnh cho toàn vùng kinh tế phía Nam.

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói rằng, để xác định được trọng tâm liên kết giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ thì cần phải xác định các điểm nghẽn trong mối liên kết này.

Liên kết phải chặt chẽ, hiệu quả và thực chất hơn

Tại Diễn Mekong Connect 2021 với chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới” vào ngày 17/12/2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi mở ý tưởng “phải nhìn ĐBSCL với một tâm thế khác”. Là trung tâm vùng châu thổ, ông có thể chia sẻ về tâm thế của TP Cần Thơ trong việc kết nối này?

Chúng ta đều biết rất rõ ĐBSCL nằm sát TPHCM và Đông Nam bộ - là vùng có quy mô kinh tế lớn và năng động nhất cả nước. Nếu gắn kết tốt được thì ĐBSCL sẽ không chỉ phát huy được tối đa những lợi thế so sánh của mình mà còn giúp tạo ra một tổng thể kinh tế hài hòa và hoàn chỉnh cho toàn vùng kinh tế phía Nam. Để xác định được trọng tâm liên kết giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ trước hết cần phải xác định các điểm nghẽn trong mối liên kết này.

Thứ nhất, với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, mối gắn kết với vùng ĐBSCL đã có từ lâu, nhất là với các tỉnh lân cận với TP. HCM như Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Các tỉnh này là nơi cung cấp sản phẩm hàng hóa và nhân lực lớn cho TP. HCM.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL thường bị doanh nghiệp ở TP. HCM chi phối, chứ chưa tạo ra được các chuỗi giá trị cho sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của mình để có thể tham gia vào một hoặc nhiều mắt xích trong các chuỗi giá trị đó.

Ông Trần Việt Trường (bên phải) - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: Để xác định được trọng tâm liên kết giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ thì cần phải xác định các điểm nghẽn trong mối liên kết này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Việt Trường (bên phải) - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: Để xác định được trọng tâm liên kết giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ thì cần phải xác định các điểm nghẽn trong mối liên kết này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ hai, hệ thống hạ tầng giao thông yếu, thiếu, không đồng bộ. Đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối với TP. HCM và Đông Nam bộ thường xuyên quá tải, tắc nghẽn và xuống cấp. Nguyên nhân của điểm yếu này là do tỷ trọng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng giao thông của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với quy mô kinh tế và dân số của vùng.

Mặt khác chi phí đầu tư hạ tầng ở ĐBSCL cao do nền đất trũng và yếu. Hệ thống hạ tầng giao thông này khiến cho chi phí logistics ở ĐBSCL cao, vì thế làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách.

Với những điểm nghẽn như trên, chúng ta có thể xác định được những nội dung trọng tâm mà vùng ĐBSCL cần phải liên kết với TP. HCM và miền Đông. Đồng thời, các nội dung liên kết này cần phải được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ để mối liên kết ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thực chất hơn.

Hình ảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi được nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Trung.

Hình ảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi được nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Trung.

Không gian phát triển kinh tế 

Qua đại dịch Covid, nếu nhìn xa hơn, ở góc độ mới hơn chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp ĐBSCL. Ý kiến của ông như thế nào về không gian phát triển kinh tế của vùng?

Như chúng ta đã biết ngày 3/11/2021 vừa qua Chủ tịch UBND 7 tỉnh, thành vùng Nam sông Hậu gồm: TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã ký kết chương trình liên kết phối hợp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính của mạng của nhân dân các địa phương trong khu vực. Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ổn định chuỗi cung ứng các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu và các khu vực lân cận, nhất là các loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu. Tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, trật tự của người lao động và của doanh nghiệp; góp phần đưa vùng ĐBSCL và cả nước sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Nói về liên kết vùng, tôi khái quát một số mô hình đang triển khai như sau: Một là, thông qua việc các cơ quan Chính phủ thực hiện phối hợp liên tỉnh, liên ngành trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Hai là, liên kết theo chuỗi sản phẩm tự hình thành theo nhu cầu của thị trường, có hoặc không có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước.

Theo đó, các cơ quan Trung ương và các tỉnh thành ĐBSCL đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy liên kết vùng và tiểu vùng ở ĐBSCL thông qua các công cụ và hoạt động chính, như: Lập quy hoạch vùng, thành lập các tổ chức điều phối mang tính vùng, Chính phủ ban hành quy chế liên kết vùng.

Các sáng kiến liên kết vùng được thành lập mang tính tự nguyện, ở cấp địa phương như liên kết giữa 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu hoặc giữa các đối tác phát triển có chung mối quan tâm hỗ trợ vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu của thị trường trong liên kết phát triển các chuỗi giá trị, bốn tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp đã phối hợp với các doanh nghiệp, một số tổ chức phi Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh thành lập mạng lưới ABCD như đã nói ở trên.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ĐBSCL, trong đó có mục tiêu giữa nội vùng ĐBSCL nói chung và liên vùng giữa ĐBSCL với TP. HCM và Đông Nam bộ nói riêng, trước hết cần phải đề cập giải pháp huy động và phân bổ vốn đầu tư. Trong đó vẫn xác định đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt bao gồm đầu tư các hạng mục lớn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tăng cường huy động đầu tư tư nhân vào ĐBSCL. Thưa ông, cần phải có các biện pháp ưu tiên cụ thể nào trong thời gian tới?

Các biện pháp đó là thông qua việc rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính góp phần hoàn thiện khung pháp lý, và chính sách kêu gọi đầu tư rõ ràng hơn với các dự án PPP. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Cung cấp dịch vụ công và ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư trong một số lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…

Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và FDI đi đôi với việc nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược xúc tiến toàn diện phù hợp với bối cảnh thể chế liên quan.

Thực hiện tốt vai trò của địa phương sau khi vùng được xem xét thành lập Cơ quan xúc tiến đầu tư một cửa ĐBSCL (IPA). Mục tiêu của IPA là phát triển kiến thức, mối liên hệ, các cơ hội cụ thể, có mục tiêu và mang tính vùng để thu hút đầu tư tư nhân. Đặc biệt là nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng (đường cao tốc, cảng, đường thủy nội địa…) cũng như quy trình chế biến, logistics, tiếp thị, gia tăng giá trị, tài chính và dịch vụ thương mại tại các trung tâm đầu mối vùng.

Những ghe bán hàng trên sông ở chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: Carlos Antunes.

Những ghe bán hàng trên sông ở chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ. Ảnh: Carlos Antunes.

Thực hiện các chương trình chăm sóc hậu mãi đối với các nhà đầu tư, giúp khách hàng địa phương xây dựng mối quan hệ bền chặt với nhà đầu tư. Tạo điều kiện để giữ chân, mở rộng và đa dạng hóa các công ty đầu tư, trong khi đó vẫn hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp địa phương.

Khuyến khích tham gia các diễn đàn như AMCHAM và EuroCHAM tại Việt Nam để tham gia các chương trình quảng bá vùng và quốc tế cho các nhà đầu tư tiềm năng, được tổ chức bởi các cơ quan Chính phủ và Cơ quan xúc tiến đầu tư ĐBSCL.

Rà soát quy định hiện hành để tạo đột phá về cơ chế chính sách, huy động vốn tư nhân thông qua việc nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng biển.

Nâng cao và đa dạng hóa các hình thức ưu đãi đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư cho vùng. Nghiên cứu cơ chế khai thác quỹ đất tại đô thị trung tâm Cần Thơ để kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, công nghệ, nông thủy hải sản, xuất nhập khẩu, các quỹ đầu tư quốc tế tham gia đầu tư vào ĐBSCL.

Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.