| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL tận dụng năng lượng tái tạo, phát triển bền vững

Thứ Hai 20/12/2021 , 15:44 (GMT+7)

Chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Công trình thủy lợi điều tiết mặn ngọt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Công trình thủy lợi điều tiết mặn ngọt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Đi tìm chìa khóa để tồn tại

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng trọng điểm sản xuất nông - ngư nghiệp của cả nước, đang phải hứng chịu rất nhiều những loại hình thiên tai. Mặc dù là một trong những vùng đất có đa dạng sinh học phong phú thế nhưng môi trường nơi đây đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, mỗi năm, ước tính ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất do xói lở. Ngoài ra, hoạt động quản lý đất và nước không bền vững đang làm ô nhiễm mạng lưới sông ngòi và kênh rạch chằng chịt ở đây.

Vào mùa khô năm 2020, có những thời điểm mức độ xâm nhập mặn ở nhiều nơi đã tăng cao gấp 4 lần so với ngưỡng chịu mặn của các loại cây trồng chính, gây ra cuộc khủng hoảng thiếu nước ngọt trên toàn vùng.

Mặc dù biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nguyên nhân đằng sau những thay đổi này thế nhưng các hoạt động của con người như xây dựng đập ở thượng nguồn, khai thác cát và nước ngầm ồ ạt cũng đang tác động tiêu cực đến ĐBSCL.

Đối với nông dân và cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực ĐBSCL, thay đổi, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên, theo hướng “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ sẽ là chìa khóa để tồn tại và phát triển bền vững.

Nhận định về những bước tiến của ĐBSCL từ khi có Nghị quyết 120, GS. TS Trần Thục, Phó Chủ tịch, Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho rằng, trong 4 năm qua, Nghị quyết đã tạo ra nhiều bước tiến lớn trong việc hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực ĐBSCL là thủy sản với 3 yếu tố là nước sạch (nước ngọt sạch, nước mặn sạch), giống và đầu ra.

Người dân ĐBSCL yên tâm sản xuất nhờ nguồn nước được kiểm soát. Ảnh: Văn Vũ.

Người dân ĐBSCL yên tâm sản xuất nhờ nguồn nước được kiểm soát. Ảnh: Văn Vũ.

Theo đó, GS.TS Trần Thục đánh giá cao việc thực hiện các đề án về nước sạch, có nhiều đề án đang và đã hoàn thành ở Sóc Trăng, Bến Tre, đặc biệt năm 2021 đã hoàn thành đề án cống Kênh Cụt (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)... Những đề án này sẽ đảm bảo cung cấp nước ngọt sạch cho nuôi trồng thủy sản.

“Hiện nay, việc sử dụng nước mặn sạch cho nuôi trồng thủy sản sẽ khó khả thi hơn vì giá thành quá cao. Bên cạnh đó, vấn đề tồn tại là nước cấp cho nuôi trồng thủy sản và nước thải vẫn sử dụng chung qua các kênh nên gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Thời gian tới, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải khắc phục tồn tại này”, GS.TS Trần Thục nêu quan điểm.

Hiến kế để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ cho rằng, phải chú trọng hơn nữa vào các giải pháp thuận thiên, bảo đảm phù hợp với môi trường.

Đồng thời, đây là giai đoạn cả nước thực hiện Quy hoạch phát triển vùng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và năm 2050. Đây là cơ hội xây dựng quy hoạch tích hợp phù hợp hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp cảnh quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển liên kết vùng, liên kết TP.HCM và Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Tận dụng lợi thế về năng lượng tái tạo

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cam kết mạnh mẽ Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.

Có thể nói, chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Chính vì vậy, cần tận dụng hết những lợi thế, tiềm năng năng lượng tái tạo để phát triển ĐBSCL thích ứng với những sự thay đổi từng ngày, từng giờ của biến đổi khí hậu.

ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo. Ảnh: Văn Vũ.

ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo. Ảnh: Văn Vũ.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Nguyễn Đình Thọ cho biết, ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo, 11/13 tỉnh của ĐBSCL có lượng bức xạ mặt trời đạt mức 1387/1534 kWh/năm và thời gian khu vực này có nắng 2.200 đến 2.500 giờ/năm.

Vì vậy, đây là khu vực có thể tận dụng tiềm năng phát triển về nặng lượng mặt trời. Về năng lượng gió, khu vực này có tiềm năng rất lớn dọc khu vực ven biển, tới 1.200-1.500 mW.

Ngoài ra, ĐBSCL cũng là khu vực tận dụng được nguồn năng lược sinh khối với nguồn sinh phẩm nông nghiệp lên tới 23 triệu tấn/năm. Đây chính là khu vực trọng điểm để Việt Nam có thể đạt được kết quả như Thủ tướng cam kết tại COP26.

Đồng quan điểm này, GS.TS Trần Thục cho biết: “Bước sang 2022, để đạt mục tiêu phát thải ròng còn bằng 0 vào năm 2050, cần có sự tuyên truyền rộng rãi tạo sự đồng thuận của người dân. Khu vực ĐBSCL có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn, nhưng quỹ đất không còn nhiều, do đó, nếu chỉ làm năng lượng mặt trời thì ít hiệu quả kinh tế. Cách làm hiệu quả là cần kết hợp năng lượng mặt trời với thuỷ sản, nông nghiệp”.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.