| Hotline: 0983.970.780

'Thay máu' HTX nông nghiệp kiểu cũ: Những nỗ lực bất thành ở Quốc Oai

Thứ Tư 27/10/2021 , 08:00 (GMT+7)

Ở miền Bắc, những HTX nông nghiệp kiểu cũ sau chuyển đổi, bên cạnh một số dám đổi mới, mở rộng dịch vụ thì vẫn còn nhiều nơi hoạt động co cụm, yếu thế…

Nỗi đau của ông giám đốc

Trên cái nền sân kho cũ thời bao cấp, trụ sở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Liên Thôn (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) trông càng nhỏ bé và tiêu điều. Sau quãng thời gian dài gắng gượng vực dậy HTX nhưng không thành, Giám đốc Hoàng Văn Nhân đành buông xuôi, phần vì bất lực, phần vì bệnh trọng.

Hơn 20 năm trước, ông làm Chủ nhiệm HTX được một thời gian rồi chuyển sang xã qua lần lượt các chức danh đến Bí thư Đảng ủy thì xin nghỉ do chán cảnh phe cánh. Năm 2006 khi đang làm cho một công ty bảo hiểm của nước ngoài, người dân đòi ông về ngồi lại vào ghế Chủ nhiệm HTX suốt từ đó đến tháng 5 vừa rồi mới xin nghỉ.

Ông bảo, những lời kể ra với tôi là tiếng nói từ đáy lòng, từ thực tiễn, từ trách nhiệm của một người đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng. Ông còn nhớ rõ hội nghị về kinh tế hợp tác tổ chức ngày 14/10/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự, có nói đại ý, địa phương nào mà HTX không có đất thì nên cấp đất cho mà làm trụ sở, không có tiền thì hỗ trợ cho mà xây; nếu còn đất 5% thì giao cho mà sản xuất; các ngân hàng nên tạo điều kiện cho vay…

Nhưng thực tế thì cái sân kho và trụ sở của HTX không có quyền sử dụng đất nên ông phải thế chấp bằng tài sản cá nhân để vay 100 triệu, giờ “sổ đỏ” vẫn còn nằm trong ngân hàng.

Ông Nhân bên những thửa ruộng hoang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nhân bên những thửa ruộng hoang. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi theo ông ra cánh đồng làng ruộng hoang lỗ chỗ, cỏ ngập ngang bụng người. Vụ mùa này HTX cấy được cỡ hơn 30ha cộng với 17ha chuyển đổi trên tổng số 143ha, số còn lại là bỏ. Tại một cuộc họp ở huyện, khi nghe một cán bộ nói vụ mùa toàn Quốc Oai bỏ 800ha ông đã phản ứng ngay là báo cáo dối bởi vì chỉ 5 xã vùng trong đã bỏ hơn số diện tích đó.

Rồi ông lý giải tại sao dân bỏ ruộng. Thứ nhất là không được chính quyền quan tâm, ví dụ như vụ mùa năm 2018 các xã vùng trong gồm Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Hòa Thạch, Đông Yên, Cấn Hữu ngập trắng 2 tháng liền, HTX Liên Thôn chỉ còn 1% diện tích của 143ha gieo cấy nhưng không nhận được một xu hỗ trợ. Ngay năm 2020 một trận mưa lốc, HTX thiệt hại hơn 90ha cũng không nhận được hỗ trợ nào dù đã có ý kiến lên trên. Thứ hai là hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo. Thứ ba là vụ mùa chuột bọ hay phá hoại, lại lắm thiên tai nên có khi “của đồng cuốn của nhà”. Cuối cùng là do dân bây giờ kiếm tiền dễ hơn, đi làm 3 - 5 ngày đã bằng làm ruộng cả vụ nên không mấy thiết tha. 

Còn về cái HTX mà ông gắn bó, cũng có mấy điều thuận lợi như xã khá sâu sát, cán bộ trên dưới một lòng, thành viên nộp phí sòng phẳng, quản lý 859 hộ với 187ha đất khá dễ canh tác. Nhưng khó khăn vẫn là cơ bản như phải tiếp nhận số nợ cả trăm triệu đồng do Ban quản trị khóa cũ “bán lúa non” trước hai năm rưỡi đất công, túng đến mức tháng nào cũng bị cắt điện. Nhờ tiết kiệm chi, không dám xây dựng cơ bản đến hết năm 2010 HTX đã cân đối được nợ nhưng năm 2012 khi xây dựng nông thôn mới, xã lại chỉ đạo phải bỏ kinh phí ra thực hiện dồn điền đổi thửa, đo đạc bản đồ.

Ông Nhân (bên phải) đang kiểm tra hệ thống kênh mương của HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nhân (bên phải) đang kiểm tra hệ thống kênh mương của HTX. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vốn không có nên HTX phải đi vay, trong khi dân mất mùa 2 vụ liên tiếp khiến thất thu hơn 300 triệu. Những năm 2013 - 2015 HTX bỏ ra hơn 300 triệu để chỉnh sửa kênh mương, san ruộng nhưng không được hỗ trợ như chính quyền đã hứa. 4 năm liền bị thiếu tiền cấp bù thủy lợi phí 253 triệu đến tận cuối năm 2016 mới được trả trong khi đó hàng tháng HTX phải đi vay lãi 1,5 - 2%/tháng để trả tiền điện, nếu không sẽ bị cắt, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của bà con. Thậm chí các tài sản của HTX như trạm bơm, mương máng bị lấy ra, giao cho Công ty Thủy lợi sông Tích quản lý, kêu mãi mấy năm ròng mới được tạm giao trả lại.

Ông tâm sự: “Các dịch vụ của HTX phụ thuộc vào diện tích gieo trồng của thành viên. Dân giờ nhiều người quan niệm làm nông chỉ cốt đủ ăn, không cần bán, mà một khi họ đã không mặn mà thì HTX có triển khai cái gì cũng khó thành công. Từ năm 2012 HTX đã tiên phong mua 2 máy cấy, trong khi giá cấy tay 300.000 đồng/sào, cấy máy cả công lẫn mạ chỉ 200.000 đồng/sào nhưng vẫn không mở rộng được, chỉ chiếm hơn 10% diện tích.

Để tránh chuyện tư nhân có máy thao túng, bắt chẹt nông dân, HTX lập đề án làm đất tập trung, trình đại hội. Ngoài thị trường lúc ấy làm đất giá 90.000 đồng/sào, HTX xây dựng giá 85.000 đồng/sào trong đó có 10% quản lý nhưng khi triển khai liền bị tư nhân phá đám, hạ giá xuống 80.000 đồng/sào đành phải bỏ. Rồi các chương trình liên kết bao tiêu sản phẩm như cấy lúa dược liệu thì dân làm không tận tâm, yêu cầu khử lẫn họ không thực hiện đành bất lực. Chương trình trồng khoai lang đông, khi có hỗ trợ thì dân làm, hết lại bỏ…".

Xã viên một HTX ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã viên một HTX ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Dồn điền đổi thửa, nông dân có mảnh ruộng to, gọn hơn trước nhưng tư tưởng của thời kỳ bao cấp vẫn còn nặng, chỉ nghĩ đến sản xuất cây trồng truyền thống là lúa vì dễ làm chứ các cây trồng khác thì chưa mạnh dạn”, ông Hoàng Văn Nhân - Giám đốc HTX Liên Thôn chia sẻ.

Gặt máy, công đoạn mà nhiều HTX đang không có. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gặt máy, công đoạn mà nhiều HTX đang không có. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hứa hỗ trợ để rồi thất hứa

Anh Đỗ Hữu Dự - Giám đốc HTX Việt Yên xã Đông Yên buồn bã kể, trong giai đoạn 2016 - 2020 huyện Quốc Oai có chương trình hỗ trợ cơ giới hóa, năm 2017 đơn vị mua 1 máy cấy 4 hàng và được hỗ trợ hơn 70 triệu. Năm 2018 khi có Chủ tịch huyện mới, ông vẫn tiếp tục ủng hộ chương trình này mà nhất là máy cấy 6 hàng, hứa sẽ hỗ trợ cho 150 triệu/máy.

Năm 2018 có HTX Việt Yên và HTX Đông Thượng của xã Đông Yên mua máy cấy 6 hàng với giá 350 triệu và HTX Liệp Tuyết xã Liệp Tuyết mua 2 máy cấy 4 hàng với giá thấp hơn. Lúc đó, chẳng may Chủ tịch huyện bị mất, người khác lên thay, chẳng biết vì sao mà các HTX liên tục đề nghị được hỗ trợ tới nay mới được duyệt 75 triệu.

Cũng theo anh Dự, xã Đông Yên có 4 thôn, mỗi thôn có 1 HTX. HTX của anh có 614 hộ với 171ha đất canh tác: “HTX nông nghiệp kiểu cũ chuyển đổi theo luật mới đang gặp nhiều khó khăn bởi các hoạt động dịch vụ hạn chế, không được như các HTX chuyên ngành mới thành lập. Thứ nhất vì xuất phát điểm quỹ thấp, khi HTX chuyển đổi, thành viên không góp thêm vốn mà có bao nhiêu vốn của HTX cũ thì cứ chuyển sang, tổng cộng chỉ 17 triệu nhưng là “tiền héo” vì đã chi mất rồi, cùng cái trạm bơm, máy bơm cũ kỹ.

Một Giám đốc HTX ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một Giám đốc HTX ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu vốn nên nhiều hoạt động của HTX khó khăn, phải huy động vay, thế chấp bằng tài sản của chính cá nhân lãnh đạo. Thứ hai là để tổ chức kinh doanh dịch vụ khó khăn hơn vì mỗi một đề án kinh doanh phải trình đại hội thành viên, được mọi người đồng ý mới được phép. Mỗi năm chỉ có 1 lần đại hội nên nhiều lúc đề án không trình kịp với nhu cầu của đời sống.

Hơn thế, với hơn 600 thành viên thì quy định đại hội cũng phải cỡ 20% đại biểu dự họp tức hơn 120 người. Mà ở nông thôn, trình độ dân trí khác nhau, chưa nói đến chuyện họ mạc, cục bộ này khác, nên nhận thức được để thông qua một đề án sản xuất kinh doanh cũng rất khó khăn, không như HTX thành lập mới khi đã có mô hình kinh doanh rồi, các thành viên góp vốn đều chung một chí hướng. Thứ ba là nhiều HTX không có trụ sở làm việc”…

Một Chủ nhiệm HTX và xã viên ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một Chủ nhiệm HTX và xã viên ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Huyện Quốc Oai có 85 HTX nông nghiệp trong đó 81 đang hoạt động theo luật năm 2012 và 4 ngừng hoạt động, chờ giải thể. Phân loại theo thông tư số 01 thì tốt 33, khá 7, trung bình 31, yếu 4. Phân loại theo quy mô thì có 8 HTX toàn xã, 40 HTX quy mô thôn, phần lớn số này hoạt động ở mức yếu và trung bình; có 33 HTX chuyên ngành, một số hoạt động khá, tốt mà tiêu biểu có HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, HTX nấm, đông trùng hạ thảo Biofine, HTX nông sản thực phẩm Thành An...

“Nhà nước có nhiều văn bản thiếu đồng bộ, thậm chí chồng chéo về HTX, việc hiểu một số văn bản của một số cấp, ngành chưa chuẩn nên coi HTX là doanh nghiệp 100%”, ông Hoàng Văn Nhân - Giám đốc HTX Liên Thôn.

Nợ nần nhiều, lương rẻ rúng

Xã mỗi năm có kinh phí 80 triệu dành cho nông nghiệp trong đó chi cho sự nghiệp khoảng 60 triệu nên chỉ còn 20 triệu cho các chương trình, không thấm vào đâu. Huyện thì tầm lớn hơn nhưng cũng ít thấy có tác động đến đời sống của nông dân, chưa thực sự quan tâm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp lên hàng hóa lớn.

Trong khi đó lao động làm nông đã già, người làm quản lý ở các HTX cũng vậy bởi cánh trẻ chỉ muốn sang làm ở chính quyền, đoàn thể để có lương ổn định, có điều kiện mà làm ăn…

Tính đến tháng 12 năm 2020 HTX Liên Thôn có tổng số nợ phải thu là 210 triệu, nợ phải trả là 1,1 tỉ, trong khi cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng không có tiền sửa, sân kho tuy rộng nhưng không có chứng nhận quyền sử dụng chẳng thể thế chấp để vay.

Lương Giám đốc HTX giờ vụ xuân khoảng 2 triệu/tháng, vụ mùa khoảng 1 triệu/tháng, còn các thành viên khác chỉ 80 - 85% mức, như thế dù bộ máy chỉ có 4 người thì vẫn đang thiếu theo luật.

Vân Đình

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.