| Hotline: 0983.970.780

Văn hóa

Thầy tôi với câu chuyện 'Người hạnh phúc và Cây hạnh phúc'

Thầy tôi với câu chuyện 'Người hạnh phúc và Cây hạnh phúc'

.

 
 

- Liêm à, cậu có biết tôi nhai đất để làm gì không?

- Thưa thầy, em đoán là thầy nếm đất để thử độ mặn, độ chua của đất và cũng có thể nhận định sơ bộ về thành phần hữu cơ trong đất.

- Đúng, nhưng còn gì nữa?

- Dạ, em không nghĩ ra.

- Để giao tiếp với đất!

Thầy vừa phun những hạt đất đã được nhai nhuyễn ra khỏi miệng, vừa giải thích cho tôi hiểu về hành động nhai đất của mình khi vừa đặt chân đến đây.

- Chúng ta đang chuẩn bị trồng cây trên một vùng đất mới, nói cách khác là đang muốn bỏ sức người để có thể gặt hái những phúc lành từ đất. Vì vậy, chúng ta cần phải biết giao tiếp và thể hiện sự tôn trọng với đất.

Khi tôi ngồi viết thuật lại câu chuyện nói trên vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) do Công ty Unifarm làm chủ đầu tư đã trở thành một trong những khu nông nghiệp có nhiều thành quả nổi bật trong những khu nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Còn hồi năm 2010, trong bối cảnh của câu chuyện trên, trước mặt tôi vẫn đang là một khu đất mênh mông, được xen lẫn một cách phi logic bởi tre gai, khoai mì và những bụi cỏ dại mọc cao quá đầu người, sau lưng là một con đường đất loang lổ, ngập nước với những căn nhà thưa thớt dọc đường đi.

 

Aviel Sade, tên người đàn ông Israel, khi ấy đã quá tuổi lục tuần, đang vừa lấy khăn lau miệng còn lấm lem bùn đất, vừa giảng cho tôi một bài học vỡ lòng trong những ngày tháng làm nông nghiệp đầu tiên của tôi.

- Thầy muốn giao tiếp với đất nhưng đất có hiểu ý của thầy không? - tôi có ý ngờ vực.

- Đất hiểu chứ, vấn đề là cậu có đủ kỹ năng và sự tinh tế để nhận ra hay không thôi.

Phải giao tiếp và thể hiện sự tôn trọng với đất để có thể gặt hái “phúc lành từ đất”, bài học nghe khá hấp dẫn, nhưng thú thật, đó vẫn còn là một thứ rất trừu tượng và mơ hồ với tôi vào lúc đó.

 

- Dừng xe lại. Ngay lập tức!

- Dạ, nhưng sao vậy thầy?

- Cậu có thấy đống rác lớn ngay trước căn nhà đó không? Tôi muốn yêu cầu chủ nhà dọn ngay.

- Nhưng đống rác đó ở trong đất của họ mà thầy? Chúng ta đâu có quyền yêu cầu họ.

- Chúng ta không có quyền, nhưng đất có quyền!

Cứ thế, thầy đi xăm xăm vào bên trong một căn nhà nằm ven đường, vốn còn cách trang trại của chúng tôi vài km, yêu cầu gia chủ phải ngay lập tức dọn dẹp đống rác trước nhà họ nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường chung cho địa phương, mà theo cách nói của thầy là để thể hiện sự tôn trọng của con người với đất. Trái với dự đoán có phần không mấy tích cực của tôi về phản ứng của chủ nhà, những người trong gia đình trên đã tích cực hợp tác, đồng thời không ngớt lời cảm ơn “ông Tây” vì đã nhắc nhở họ.

- Chắc người trong nhà này nể thầy là người nước ngoài. - Tôi trêu thầy.

- Tôi đã dịch cho họ nghe tiếng nói của đất và họ đã hiểu, cậu ạ.

Và dường như đây là lần đầu tiên tôi thấy mình nghe được giọng nói của đất, qua cảm hứng được lan tỏa từ người mà tôi gọi là thầy.

 

Hơn 40 năm trước đó (tính đến thời điểm năm 2010), khi chỉ mới ngoài hai mươi, Aviel Sade đã là chủ nhiệm một Kibbutz (một kiểu công xã) về nông nghiệp ở Tel Aviv, một thành phố hiện đại của Israel. Cơ chế cùng ở, cùng ăn, cùng làm, cùng chia sẻ thành quả lao động và không được sở hữu tài sản riêng của mô hình Kibbutz đã không làm cho chàng kỹ sư hóa học cảm thấy thật sự công bằng và tạo được cảm hứng trong công việc.

Aviel quyết định từ bỏ công việc trên để đưa vợ và con nhỏ về lập nghiệp ở Arava, một thung lũng khô hạn nhất thuộc hoang mạc Negev, trải dài từ phía Nam của Biển Chết đến vịnh Eliat. Lượng mưa bình quân của khu vực này chỉ từ 20 - 50mm mỗi năm. Vào mùa hè, nhiệt độ bình quân ban ngày và ban đêm lần lượt là 40oC và 25oC. Trong khi đó, vào mùa đông, nhiệt độ bình quân ban ngày và ban đêm lần lượt là 21oC và 3 - 8oC. Chính sự chênh lệch nhiệt độ lớn nói trên cùng ẩm độ cực thấp đã khiến đá ở hoang mạc này vỡ vụn và phủ đầy sa mạc. Ấy vậy mà từ nơi này, một trong những nhà kính đầu tiên của vùng Arava đã được chàng thanh niên Aviel dựng lên.

Trải qua muôn vàn khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, nỗi sợ hãi của vợ và con nhỏ, cùng những lời kêu gọi quay về thành phố mà Chính phủ phát trên truyền hình vào mỗi đêm, với một tinh thần quả cảm, Aviel đã dần phủ xanh những nhà kính của mình bằng những loại rau quả như cà chua, ớt chuông, dưa lưới và từng bước bán được sản phẩm của mình về thành phố và xuất khẩu sang châu Âu. Những người bạn năm xưa ở Kibbutz của Aviel cũng theo gương anh về đây để lập nghiệp. Người mới nối tiếp người cũ, tất cả đã chung tay dựng nên một Arava với nền nông nghiệp hiện đại và trù phú mà ngày nay các sinh viên Việt Nam vẫn được đưa đến thực tập trong các chương trình hợp tác đào tạo giữa Israel và các trường đại học nông nghiệp ở Việt Nam. Sau đó không lâu, Aviel Sade được bầu làm thị trưởng của Arava, như cách mà cư dân ở vùng đất này đặt niềm tin vào người dẫn đường của mình.

Năm 2009, khi Unifarm quyết định đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao An Thái ở Bình Dương, chúng tôi may mắn được Đại sứ quán Israel ở Việt Nam giới thiệu gặp Aviel Sade, khi ấy đã hơn 63 tuổi, đang điều hành Sade and Vegh, một công ty nông nghiệp với hơn 30ha nhà kính trồng rau quả xuất khẩu của gia đình. Chúng tôi ngỏ lời nhờ Aviel Sade giới thiệu cho một chuyên gia giỏi người Israel để sang Việt Nam giúp chúng tôi triển khai và điều hành dự án nông nghiệp của mình. Sau một chuyến đi khảo sát tại Việt Nam để tìm hiểu về nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng đất An Thái nói riêng, người mà Aviel tiến cử khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.

- Tôi sẽ qua Việt Nam để đồng hành với Unifarm. Tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam và điều kiện còn hoang sơ ở vùng đất của các bạn thôi thúc tôi muốn sống thêm một lần nữa ở độ tuổi hai mươi.

- Cảm ơn ông. Ông đề nghị về mức lương như thế nào?

- Đủ để uống cà phê nhé! - Aviel cười bằng mắt với tôi.

- Tôi muốn được học nghề nông với ông trong thời gian ông ở Việt Nam. Từ nay tôi xin gọi ông là thầy nhé?

- Tùy cậu, nhưng nếu cậu theo học tôi, cậu sẽ không bao giờ có thể rời khỏi nghề nông. Cậu không hối tiếc chứ?

Như một định mệnh, dù con đường làm nông nghiệp tử tế chưa bao giờ là bằng phẳng, nhưng trước nay tôi chưa từng hối tiếc và nghĩ đến việc từ bỏ, vì tôi hiểu dù ở đâu, thầy vẫn đang theo dõi hành trình của tôi.

 

- Này Liêm, cậu có cảm nhận được đám dưa lưới này đang rất hạnh phúc không?

- Em thấy cây khỏe, lá xanh đậm, trái có vân lưới đẹp, nhưng em không hiểu như vậy có phải vậy là cây đang hạnh phúc hay không. Làm sao để biết một cây đang có hạnh phúc hay không thầy?

- Hãy tập luyện kỹ năng trò chuyện với cây trồng. Nếu cậu quan tâm và chịu khó trò chuyện với cây trồng, cây trồng sẽ nói cho cậu nghe là cây trồng muốn điều gì ở cậu.

Quả thật, từ trước nay, chúng ta đều đang canh tác nông nghiệp theo tư duy người trồng là chủ, còn cây trồng chỉ là một phương tiện sản xuất. Để cây trồng lớn nhanh và khỏe, người nông dân sẽ chăm chỉ bón phân cho chúng. Khi cây trồng có sâu bệnh, người nông dân sẽ phun thuốc bảo vệ thực vật lên cây trồng. Để làm được những việc này, đương nhiên con người phải có kiến thức về đất đai, dinh dưỡng và bảo vệ thực vật, đồng thời, tuân thủ những quy định pháp lý có liên quan. Mục tiêu của những “người chủ” như chúng ta là mong muốn cây trồng có thể tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, bao gồm cả việc không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư vượt quá quy định trong sản phẩm. Còn để trò chuyện với cây trồng và hỏi cây trồng có hạnh phúc hay không, tôi chắc chắn rằng không có nhiều người có suy nghĩ này, ngoài thầy.

- Việc cây có hạnh phúc hay không thì nói lên điều gì, thưa thầy? Cây hạnh phúc và người tiêu dùng hạnh phúc, đâu là yếu tố quan trọng hơn? - Tôi thắc mắc.

- Trước khi cậu quyết định tác động lên cây trồng bằng một hành động nào đó, cậu cần “lắng nghe” xem cây trồng có thực sự cần hay muốn điều đó không. Cây trồng không thể hạnh phúc nếu cậu tưới lên chúng những loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật mà vốn dĩ chúng không cần và có thể làm tổn thương chúng. Tựa như một con người bị cho ăn quá mức đến độ béo phì và tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, cây trồng sẽ không thể khỏe mạnh và hạnh phúc nếu cậu sử dụng những loại kích thích sinh trưởng để làm cho chúng tăng trưởng quá mức. Trong trồng trọt, việc cậu tuân thủ kiến thức về khoa học là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ, vì cây trồng có năng suất cao, không hẳn chúng sẽ hạnh phúc. Điều kiện đủ là cậu cần phải thực sự lắng nghe, thấu hiểu và làm những điều khiến cây trồng trở nên hạnh phúc. Một khi sản phẩm được thu hoạch từ một cây trồng hạnh phúc, chắc chắn người dùng nó cũng sẽ mạnh khỏe và hạnh phúc.

Nhiều năm sau này, tôi vẫn hay liên tưởng lời dạy của thầy (một người Do Thái) với giáo pháp về “vô ngã” hay “vô chúng sanh tướng” của nhà Phật. Trong đó, cây trồng chính là người trồng và người trồng cũng chính là cây trồng vì đều đang hít thở chung một bầu không khí, cùng uống chung một nguồn nước, trong cây trồng có vô số những yếu tố thuộc về người trồng và trong người trồng có rất nhiều yếu tố thuộc về cây trồng. Đặt người hạnh phúc trong mối tương quan với cây hạnh phúc, dù có bắt nguồn từ giáo lý nào hay không, thì đó đều là một quan niệm rất nhân văn theo kiểu “vạn vật hữu sinh”, tôi tin là như vậy.

 

Tại vùng đất An Thái, chúng tôi bắt đầu xuống giống 1ha nhà kính đầu tiên vào tháng 6/2010 thì 3 tháng sau đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho các sản phẩm được trồng theo công nghệ của Israel do thầy vận hành, bao gồm ớt chuông, cà chua, dưa lưới, cà tím và măng tây. Các sản phẩm của Unifarm luôn được các siêu thị lớn đón nhận nồng nhiệt từ lúc đó. Theo đề nghị của thầy, tôi có xây dựng một nhà đóng gói và lắp đặt một vài băng chuyền để sơ chế và đóng gói các sản phẩm nói trên, thay cho tình trạng để công nhân đóng gói trên sàn nhà hoặc ngay trong vườn như nhiều trang trại khác ở Việt Nam.

Câu chuyện xảy ra vào một ngày cuối tháng 12/2010, khi các siêu thị đồng loạt đặt hàng vào cuối giờ chiều với tổng lượng hàng đến hơn 5 tấn (một con số rất cao và vượt quá công suất thiết kế của băng chuyền nói trên vào thời điểm đó). Khi đó, bạn quản lý công nhân đã đề nghị được đóng gói trên pallet gỗ đặt dưới sàn nhà (thay vì làm trên băng chuyền) để có thể làm kịp giờ giao hàng.

- Ai cho phép công nhân đóng hàng sai nguyên tắc như vậy? - Thầy hỏi như quát.

- Thưa thầy, em đã quyết định như vậy. Chúng ta sẽ không thể đóng kịp đơn hàng nếu như vẫn sử dụng băng chuyền. Sắp tới, em sẽ cho lắp đặt nhiều băng chuyền hơn để có thể mở rộng quy mô đóng gói, nhưng còn hôm nay xin thầy cho phép mọi người được làm linh động.

- Chúng ta nên báo các siêu thị về việc không giao đủ hàng vào hôm nay. Ngày mai chúng ta sẽ đóng hàng và giao tiếp cho họ.

- Khách hàng sẽ hủy đơn hàng và cắt hợp đồng nếu chúng ta không đáp ứng đơn hàng của họ hôm nay, thưa thầy.

- Khách hàng sẽ hiểu và chấp nhận nếu cậu giải thích chân thành. Cậu có thể mất đi một số tiền bán hàng hôm nay, nhưng cậu vẫn giữ lại được sự tôn trọng đối với ngành nghề của mình vì đã không vi phạm nguyên tắc của chúng ta.

 
 

Thầy về lại Israel vào cuối năm 2012, sau 3 năm thiết lập, điều hành và đào tạo về nhân sự thay thế tại Unifarm.

So với năm 2012, từ xuất phát điểm với 2ha nhà kính trồng dưa lưới theo công nghệ Israel và một vài ha bên ngoài để trồng các loại sản phẩm khác như cà tím, măng tây và chuối, đến nay Unifarm đã sở hữu cho mình hơn 20ha nhà kính trồng dưa lưới cùng hàng nghìn ha trồng chuối, đồng thời, đã đem những nền tảng mà chúng tôi đúc kết được qua hàng chục năm về khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật, thị trường và logistics để chuyển giao cho hàng trăm ha trang trại và nông hộ trên phạm vi cả nước. Trong quá trình hợp tác chuyển giao đó, tôi vẫn không quên truyền đạt lại cho mọi người về những bài học của thầy năm xưa.

Có dịp đến các trang trại của Unifarm hôm nay, nếu bạn có bắt đầu ở đâu đó hình ảnh những kỹ sư nông nghiệp trẻ đang mân mê một cục đất trên tay, hay đang cắm cúi bên những cây trồng, bạn hãy hiểu rằng người kỹ sư trẻ đó đang tập “trò chuyện” để hiểu về nhu cầu của đất và cây trồng, từ đó có thể tạo ra những vùng đất và cây trồng hạnh phúc, vì sức khỏe và sự hạnh phúc của những người xung quanh mình.

Còn tôi, khi bắt gặp hình ảnh những kỹ sư trẻ nói trên, tôi xin gọi họ là những Aviel của Việt Nam ngày nay.

Phạm Quốc Liêm
Xem thêm