Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) có được đồng vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao và từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Đức Huân (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn). Trước đây, gia đình anh gặp nhiều khó khăn và nằm trong diện hộ nghèo của địa phương.
Đã có thời gian, anh Huân vào các tỉnh phía Nam để làm việc với hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Làm nhiều nghề, nhưng cuộc sống và chi phí ở thành phố nên khó mà dành dụm được vốn để tích lũy. Sau nhiều năm vất vả mà không được gì, anh Huân quyết định trở về quê và dự định phát triển mô hình chăn nuôi lợn.
Dịp may đến khi gia đình anh tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn. Anh Huân đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với số tiền tích góp và 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi.
“Cán bộ ngân hàng đã hỗ trợ tôi rất nhiệt tình trong quá trình làm hồ sơ vay vốn và hướng dẫn quy trình xây dựng chuồng trại cũng như lựa chọn con giống phù hợp”, anh Huân chia sẻ.
Sau gần 4 năm, gia đình anh Huân đã ổn định sản xuất, đã đầu tư chuồng trại để phát triển lên trên 20 con mỗi lứa nuôi. Quá trình nuôi, anh cũng đã xuất bán để trả vay ngân hàng đúng hạn và có thêm nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh doanh khác.
Từ nguồn vốn vay ban đầu, có vốn tích lũy, anh Huân cũng mạnh dạn mở rộng thêm cơ sở kinh doanh cung cấp thức ăn gia súc. “Tôi mở cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi này một phần để có thêm thu nhập và cũng để sử dụng cho mô hình chăn nuôi lợn. Có thể kiểm soát được chất lượng thức ăn nên đàn lợn của tôi phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao”, anh Huân cho hay.
Hiện nay mô hình chăn nuôi lợn và cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Đức Huân mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp ổn định nguồn thu nhập của gia đình. "Lợi nhuận mỗi năm của gia đình tôi thu về được khoảng hơn 100 triệu đồng”, anh Huân hồ hởi nói.
Cũng biết được chương trình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Mai Hồng Nhung (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) cũng đã phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.
Trước đó, chị Nhung là một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại một bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng, nhưng chị luôn có suy nghĩ sẽ phải trở về quê hương và lập nghiệp trên chính mảnh đất mà mình sinh ra.
Qua nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông, biết được tại địa phương đang có chương trình cho vay vốn hỗ trợ bà con nông dân, chị Nhung đã quyết định trở về và triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với số vốn 100 triệu được vay hỗ trợ bởi Ngân hàng chính sách xã hội.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nhung được đầu tư xây dựng với tổng diện tích gần 3000m2 và đưa vào hoạt động. Theo chị Nhung, trồng dưa lưới trong nhà màng giúp việc quản lý dễ dàng hơn, giúp che mưa và ngăn ngừa côn trung xâm nhập. “Từ đó, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và đồng thời tạo ra nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng” - Chị Nhung bộc bạch.
Sau hơn 1 năm triển khai mô hình trồng dưa lưới có hiệu quả, chị Nhung đã phát triển 3 nhà màng và tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 7 lao động chính mang lại thu nhập 6 triệu đồng/người. “Mỗi vụ dưa trong thời gian 3 tháng với mức giá bán 50 ngàn đồng/kg cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Bước đầu, tôi bán ra thị trường cho người dân trên địa bàn thị xã và khuyến khích mọi người xuống trực tiếp tại vườn để lựa chọn theo sở thích của mình”, chị Nhung chia sẻ thêm.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Hoàng Anh Toàn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách thị xã Ba Đồn cho biết, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm nay trên địa bàn thị xã xã Ba Đồn ở mức gần 28 tỷ đồng với 336 khách hàng được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất.