| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ếch Thái, lãi 500 - 700 triệu đồng/năm

Thứ Ba 18/02/2025 , 07:17 (GMT+7)

HÀ NỘI Mỗi năm gia đình ông Phi nuôi 3 lứa ếch. Mỗi lứa cung ứng cho thị trường từ 20 - 30 tấn ếch thương phẩm và hàng triệu cặp ếch giống bố mẹ.

Quyết định táo bạo

Trong ánh nắng le lói cuối chiều, chúng tôi về thăm trang trại nuôi ếch Thái Lan quy mô 4 mẫu của ông Nguyễn Bá Phi (sinh năm 1958, ở thôn An Thượng, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đúng lúc ông đang cho ếch ăn. Thấy tiếng động quen thuộc, lũ ếch chồm dậy, lao đến tranh mồi. Nhiều con cứ nhảy bổ vào ôm quanh chân ông Phi nhìn rất vui mắt.

Ông Phi cho biết trước đây gia đình ông nuôi cá nhưng sản lượng và giá bán bấp bênh nên kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2006, trong một lần tình cờ đến chơi và nghe một người bạn ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) giới thiệu về hiệu quả kinh tế từ nuôi ếch Thái Lan khiến ông Phi vô cùng ấn tượng.

Ông Phi chia sẻ về kinh nghiệm nuôi giống ếch Thái Lan. Ảnh: Trần Toản.

Ông Phi chia sẻ về kinh nghiệm nuôi giống ếch Thái Lan. Ảnh: Trần Toản.

Với số vốn ít ỏi sau bao năm dành dụm, vợ chồng ông Phi vay thêm bạn bè, người thân 600 triệu đồng để cải tạo 4 mẫu ao đầm, xây dựng hệ thống tuýp sắt, mái che của trang trại và mua 3.000 con giống ếch Thái Lan về nuôi thử. Lứa đầu tiên do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật chăm sóc, quá trình xử lý nguồn nước trong ao không đảm bảo, chưa đúng nên đàn ếch bị còi cọc, chậm lớn.

Không nản chí, ông Phi bắt đầu chuỗi ngày “khăn gói quả mướp” vào tận các trang trại trong miền Nam có kinh nghiệm nuôi ếch để học hỏi thêm kiến thức sản thực tế, tìm mua các tài liệu hướng dẫn, đọc sách báo... Trời không phụ lòng người, cuối năm 2006, gia đình ông thu lứa ếch thứ 2 và cho lãi 20 triệu đồng.

Ngày thu lứa ếch đầu tiên, gia đình ông Phi gặp không ít khó khăn về đầu ra do ở địa phương chưa từng có ai nuôi giống ếch Thái Lan nên thương lái không biết đến. Có thời điểm vợ chồng ông phải thay phiên nhau đạp xe đạp thồ ếch ra các nhà hàng trong vùng và nội thành Hà Nội chào hàng. Sau này, khi biết được giá trị dinh dưỡng của ếch và ếch thương phẩm được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều thương lái và các nhà hàng đã tìm đến tận nhà ông Phi thu mua.

Ông Phi lắp đèn sưởi ấm cho ếch vào mùa đông. 

Ông Phi lắp đèn sưởi ấm cho ếch vào mùa đông. 

“Ban đầu mới bắt tay vào làm thấy nuôi ếch không hề đơn giản. Do ếch chịu rét kém nên ở muền Bắc chỉ nuôi được từ tháng 2 đến cuối tháng 11 âm lịch. Nếu chủ động được con giống thì một năm có thể nuôi được 3 lứa, mỗi lứa từ 2 - 2,5 tháng là có thể xuất bán ếch thịt thương phẩm”, ông Phi chia sẻ.

Lãi 500 - 700 triệu đồng/năm

“Nuôi ếch thương phẩm không quá khó, điều quan trọng là phải nắm bắt được kỹ thuật và chịu khó quan sát tập tính của ếch, chú trọng đến nguồn nước. Ếch là loài lưỡng cư nên trong giai đoạn trứng mình có thể quyết định được giới tính của nó bằng kỹ thuật điều chỉnh nhiệt độ ấp và sử dụng hệ thống bơm nước tuần hoàn tạo dòng chảy liên tục để trứng nở. Trong đó, khó nhất là lúc ếch bố mẹ vừa sinh sản, phải chú ý chăm sóc ếch con trong giai đoạn chuyển đổi từ nòng nọc sang ếch và cho ếch con ăn thì mới đạt hiệu quả cao, khi ếch lớn thì thức ăn không quá cầu kỳ”, ông Phi cho hay.

Dẫn chúng tôi tham quan 350 bể nuôi ếch Thái, ông Phi chia sẻ, vị trí xây bể nuôi ếch cần thoáng mát. Tuy nhiên, do ếch rất nhút nhát và sợ va chạm nên vị trí nuôi cần yên tĩnh, tách biệt khu dân cư và tránh xa tiếng ồn.

Hiện mỗi năm ông Phi cung ứng cho thị trường từ 20 - 30 tấn ếch thương phẩm và hàng triệu cặp ếch giống bố mẹ. Ảnh: Trần Toản.

Hiện mỗi năm ông Phi cung ứng cho thị trường từ 20 - 30 tấn ếch thương phẩm và hàng triệu cặp ếch giống bố mẹ. Ảnh: Trần Toản.

Giống ếch được ông Phi lựa chọn cẩn thận, khắt khe, có màu vàng sậm, da bóng và đẹp, không bị đuối chân, không bị bệnh tật, dị dạng. Mật độ thả phụ thuộc vào từng thời điểm nuôi. Tháng thứ nhất 150 - 200 con/m2, tháng thứ hai 100 - 150 con/m2 đối với ếch đạt kích cỡ 2 - 5g/con, tháng thứ ba 80 - 100 con/m2. Loại vượt đàn cho ở bể riêng, loại chậm một chút cho ở cùng nhau, nuôi thêm tháng nữa lại chọn và tách chia ra theo trọng lượng của ếch.

“Làm như thế ếch mới phát triển đồng đều được vì khi cho ăn, con ếch khỏe sẽ lấn lướt con yếu sinh ra con lớn, con còi cọc. Chia tách ra như vậy cũng để tăng, giảm thức ăn phù hợp tùy theo mỗi bể nuôi. Bể nuôi vượt đàn có thể xuất bán trước và lần lượt bán các bể ếch tiếp theo”, ông Phi chia sẻ kinh nghiệm.

Về thức ăn, có thể cho ếch ăn cám viên từ khi 1 tháng tuổi. Nguồn thức ăn phong phú, đa dạng gồm thức ăn có nguồn gốc động vật như cá nhỏ, cá tạp, tôm, thịt trai, sò, trùn quế, giun đất và tận dụng ngô, thóc, hạt đậu nành, các loại bã đậu, rỉ mật đường, chế phẩm sinh học đem xay nghiền nhỏ, sau đó cho vào máy ép thành dạng viên nhỏ và cho ếch ăn hàng ngày. Nguồn thức ăn này vừa an toàn, sạch sẽ, tiết kiệm được từ 30 - 35% chi phí cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông Phi còn bổ sung thêm một số loại vitamin A,D,E,C và một số loại cám công nghiệp phối trộn theo tỷ lệ nhất định. Thời gian cho ăn 2 lần/ngày vào lúc 7 giờ sáng và 16 giờ chiều. Lượng thức ăn cần vừa đủ, khoảng 5 - 7% trọng lượng cơ thể ếch/ngày, không cho ăn quá no hoặc quá đói.

Nuôi ếch Thái Lan khá nhàn, lợi nhuận cao. Ảnh: Trần Toản.

Nuôi ếch Thái Lan khá nhàn, lợi nhuận cao. Ảnh: Trần Toản.

Trong quá trình nuôi, cần kiểm tra và thay nước thường xuyên. Nguồn nước được ông Phi sử dụng máy bơm, máy lọc tuần hoàn để đảm bảo luôn sạch sẽ và ấm rồi mới cho vào bể nuôi. Trong tháng đầu tiên thả giống, cần thay nước 2 - 3 ngày/lần, nguồn nước trong bể duy trì từ 20 - 30cm. Từ tháng thứ hai trở đi thay nước 1 lần/ngày, mức nước trong bể nuôi giảm xuống còn 10 - 15cm (ngập từ 1/2 - 2/3 thân ếch). Nên thay nước vào buổi sáng sớm, nếu thay vào buổi chiều tối cần thay nước trước khi cho ếch ăn.

Cứ sau 2 tuần ông Phi lại tiến hành cân đàn ếch 1 lần để kiểm tra "sức khỏe”, theo dõi sự phát triển và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh để thức ăn dư thừa ôi thiu, mầm bệnh phát triển. Nuôi ếch thịt nên tạo thói quen cho chúng ăn đúng giờ, tạo phản xạ để chúng xác định được giờ ăn. Người nuôi phải tạo được cảm giác thân quen, tránh làm đàn ếch sợ vì ếch là loài nhát. Trong quá trình cho ăn không nên la hét, đập, gõ khiến chúng giật mình, nhảy loạn trong bể nuôi.

Giá bán ếch thương phẩm hiện nay từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.

Giá bán ếch thương phẩm hiện nay từ 50.000 - 55.000 đồng/kg.

Các bệnh thường gặp ở ếch bao gồm bệnh đường ruột, chướng bụng, đỏ chân, bệnh giun sán, bệnh mù mắt, thân có những đốm trắng, bệnh ăn lẫn nhau... được ông Phi xử lý, điều trị riêng từng loại thuốc. Đối với bệnh đường ruột, ông trộn thuốc Ganidan hoặc Berberin nghiền nát với thức ăn, cho chúng ăn liên tục từ 3 - 5 ngày. Đối với bệnh giun sán trên ếch, điều trị bằng cách trộn thuốc sổ giun, sán với thức ăn hoặc dùng Piperacilin tỷ lệ 0,1% trộn với thức ăn, cho ăn vài lần đến khi khỏi hẳn. Còn với bệnh mù mắt, bắt những con ếch bị bệnh ra ngoài, ngâm riêng trong Iodine liều lượng 3 - 5%/m3 nước. Nếu ếch bị vẹo cổ, sử dụng thêm Norocine liều lượng 100g/500 - 700kg ếch thịt, điều trị cho ếch trong thời gian từ 4 - 5 ngày cho đến khi khỏi bệnh. Để ếch không ăn lẫn nhau, cần tiến hành nuôi với mật độ vừa phải, tránh nuôi quá dày.

Khi thu hoạch, ếch đạt khối lượng khoảng 3 - 4 lạng/con. Trước khi tiến hành thu hoạch cần ngừng cho ếch ăn trước khoảng 12 tiếng, sau đó tháo cạn nước trong bể xi măng, dùng vợt hoặc lưới để thu hoạch.

Cũng theo ông Phi, trong quá trình nuôi ếch, ông lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở các bể nuôi nhằm kích thích ếch ăn, giữ ấm cho ếch vào mùa đông, kích thích tạo trứng ở con cái khi vào mùa sinh sản.

Sau 18 năm nuôi giống ếch Thái Lan, ông Phi đã xây dựng được kênh tiêu thụ ếch thương phẩm và ếch giống ổn định. Ngoài Hà Nội là thị trường tiêu thụ chủ yếu, ông còn cung ứng cho các nhà hàng ở nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa.... 

Mỗi năm gia đình ông Phi nuôi 3 lứa ếch. Mỗi lứa cung ứng cho thị trường từ 20 - 30 tấn ếch thương phẩm và hàng triệu cặp ếch giống bố mẹ. Với giá bán ếch thương phẩm hiện nay từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, ếch giống từ 1.000 - 2.000/con, trừ chi phí, gia đình ông Phi lãi từ 500 - 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Xem thêm
Giữ sức khỏe cho đàn ngựa để vượt mùa giá rét

LÀO CAI Rét đậm liên tiếp ùa về, bà con Na Hối cẩn trọng chăm sóc, giữ sức khỏe cho đàn ngựa. Với họ, đàn ngựa là tài sản lớn nhất nên không thể lơ là.

Tây Ninh phân bổ 900.000 liều vắc xin cúm gia cầm

Hiện dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, để bảo vệ đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác phòng, chống.

Quảng Trị khẩn trương chăm sóc cây trồng sau ngập úng

Mưa lớn diện rộng thời gian qua đã gây ngập úng gần 4.000ha lúa đang thời kỳ đẻ nhánh và hơn 300ha rau màu tại Quảng Trị.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất