| Hotline: 0983.970.780

Thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng Chính sách xã hội

Thứ Sáu 08/09/2023 , 16:42 (GMT+7)

Từ đồng vốn vay ban đầu của ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình ở huyện Tuyên Hóa đã vươn lên thoát nghèo…

Những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) khi được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã có được điều kiện tốt để vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã có hàng ngàn hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 770 tỷ đồng. “Những hộ này đã có được kế hoạch sử dụng đồng vốn để phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã có được những kết quả khả quan ban đầu”, ông Dương nói.

Chúng tôi vào thăm gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Bà Huyền  theo chúng tôi và hồ hởi khoe: “Gia đình vừa bán được hai con bò cũng thu về được gần 40 triệu đồng”.

Đàn bò nhà bà Huyền ngày càng phát triển cho gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: N.T.

Đàn bò nhà bà Huyền ngày càng phát triển cho gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: N.T.

Trước đây, gia đình bà Huyền thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Chồng bà ốm bệnh dài ngày rồi mất, để lại cho bà một mình nuôi hai con nhỏ. Ngoài ra, có người em chồng thần kinh không tốt cũng được bà nuôi dưỡng trong nhà nên khó khăn càng nhiều hơn.

Cách đây chừng 3 năm, bà xin vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa với số vốn 150 triệu đồng. “Khi vay vốn, cán bộ ngân hàng đã hướng dẫn cho gia đình làm chuồng trại, mua bò giống về nuôi”, bà Huyền nhớ lại.

Tận dụng vườn trồng, bà Huyền dành một phần đất để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Khi thời tiết tốt, bà và con chịu khó đi xa bứt cỏ mang về cho bò. Khi mưa gió thì cắt cỏ trồng ở vườn nhà. Ngoài ra, bà còn cho bò ăn thêm chút phụ phẩm nông nghiệp như thân lá ngô, sắn…

Chuồng trại tốt, lại được chăm sóc chu đáo nên mấy con bò của nhà bà Huyền lớn nhanh. Ai nhìn thấy cũng tắm tắc khen. Rồi năm sau, bò mẹ sinh sản được bê con.

“Vì giống bò lai to nên khi bê con sinh ra cũng to lắm. Tôi mừng đến phát khóc vì thấy đàn bò đã được tăng trưởng”, bà Huyền bộc bạch.

Hiện, đàn bò của nhà bà đã phát triển lên được 6 con. Bà cũng đã bán được mấy con để trả vay ngân hàng đúng hạn và trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhiều bà con trong thôn cũng nói đàn bò của bà Huyền bây giờ có trị giá hơn 200 triệu đồng.

Nghe vậy, bà Huyền bảo không bán mà đang nuôi phát triển thêm. “Khi nào gia đình có việc cần thì bán thôi. Chứ cứ nuôi cho phát triển xem như là của để dành nằm đó rồi”, bà Huyền nói vui.

Vườn cây sắp đến tuổi khai thác của gia đình ông Bội. Ảnh: N.Tâm.

Vườn cây sắp đến tuổi khai thác của gia đình ông Bội. Ảnh: N.Tâm.

Cũng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng ông Đinh Văn Bội (xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa) lại có hướng đi khác.

Nhà có khoảng 2 ha đất ven chân đồi. Ông Bội dùng vốn vay mua cây giống, đào hố trồng cây keo tràm. Để vườn cây không bị trâu bò vào phá, mỗi ngày, ông vác rựa vào vườn chặt  cây dại cắm làm hàng rào kiên cố.

Sau vài lần cuốc cỏ dại, chặt tỉa cành thì ông Bội đã có những lứa thu hoạch đầu tiên. “Diện tích của gia đình không nhiều, nhưng tôi trồng theo kiểu cuốn chiếu nên sau 3 năm thì gần như năm nào cũng có thu hoạch cây bán cho người ta”, ông Bội kể.

Đưa chúng tôi đi xem vườn cây, ông Bội vui lắm. Mấy vùng đất bên con đường bê tông rộng thẳng hàng những cây keo tràm đã đua nhau vươn lên dưới ánh mặt trời.

"Tui đã thu hoạch bán được 2 lứa keo cũng được khoảng 150 triệu đồng. Coi như hòa vốn vay từ ngân hàng. Bây chừ cứ bán là coi như lãi đó”, ông Bội nói như khoe.

Rồi ông chỉ tay qua vạt cây bên cạnh bảo: “Lô đó gần 1 ha. Đến cuối năm nay cũng đã bán được nếu cần tiền để làm việc gì thì bán, không thì cứ nuôi vậy cũng sẽ sinh lời”.

Nhiều hộ gia đình ở huyện Tuyên Hóa vay vốn phát triển trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi. Ảnh: N.Tâm.

Nhiều hộ gia đình ở huyện Tuyên Hóa vay vốn phát triển trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi. Ảnh: N.Tâm.

Ông Bội cũng kể cho chúng tôi hay, tại địa phương cũng có hàng chục gia đình vay vốn ngân hàng về đầu tư trồng rừng. Dù diện tích không nhiều, chỉ vài ha, nhưng bà con phân chia thành từng lô khác nhau để trồng và luân phiên năm nào cũng có lô cây cưa bán.

“Do đó, bà con năm nào cũng có thu nhập trên dưới trăm tiệu đồng. Từ đó cuộc sống cũng đã được cải thiện tốt lên rõ rệt”, ông Bội nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa cho biết, đơn vị đang khẩn trương hướng dẫn hồ sơ, thẩm định kế hoạch sản xuất để nhanh đưa đồng vốn đến tay các gia đình khó khăn.

“Mỗi hộ gia đình được vay vốn, mỗi hộ gia đình được thoát nghèo, đó như là niềm vui của chúng tôi”, ông Dương bộc bạch thêm.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.