Tre Việt trong đời sống văn hóa
Trong mạng lưới Tổ chức Tre thế giới, tinh thần cộng đồng, gắn kết và hài hòa của người Việt được nhắc đến như một biểu tượng văn hóa độc đáo của cây tre.
Đời sống Việt Nam xưa thuần về nông nghiệp. Vật dụng trong nhà hầu hết được làm từ tre như bàn ghế, trường kỷ, rổ rá, đến những nông cụ như vó tát nước, giỏ bắt ếch hay đòn gánh... Dù không phải là vật liệu vĩnh cửu, tre lại mang đặc tính nhẹ, bền và linh hoạt. Hầu như nhà nào cũng có một bụi tre trong vườn, sẵn sàng để chặt sử dụng lúc cần.
Ông cha ta, với kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy đã chế tác tre thành các vật dụng thường ngày. Việc truyền lại kiến thức ấy như một dòng chảy văn hóa quý báu cho đời sau. Tre khi ấy vừa là vật liệu, vừa làm giàu thêm đời sống hàng ngày một cách rất đỗi tự nhiên, bình dị.
Nhà văn Edith Shillue, trong cuốn hồi ký “Đất và Nước” (xuất bản năm 1997) từng ca ngợi chiếc đòn gánh tre như biểu tượng lãng mạn nhất của phương Đông. Mềm mại và uyển chuyển, chiếc đòn gánh hòa nhịp cùng từng bước chân người lao động. Từ những miền quê yên bình, đôi quang gánh tre theo chân người Việt ra phố, hòa mình vào nhịp sống đô thị nhưng vẫn giữ nguyên sự mộc mạc, chân phương.
Chúng ta từng có những chợ phiên chỉ có mặt hàng tre, giải quyết linh hoạt rất nhiều vấn đề đời sống kinh tế. Có thể nói, vòng đời cây tre luôn hài hòa trong nhịp điệu sinh học, nhịp điệu sản xuất nông nghiệp của người Việt.
Nghề truyền thống trước thách thức thời đại
Tuy nhiên, theo quy luật tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã làm giảm nhu cầu sử dụng tre trong xây dựng và nội thất. Nghề truyền thống liên quan đến tre ngày càng mai một, nhiều thợ lâu năm buộc phải chuyển sang các công việc khác để mưu sinh.
Hiện nay, không phải ai cũng còn giữ được kỹ năng xử lý tre như các thế hệ trước, từ việc chẻ tre, đan lát đến chế tác thành giường, tủ hay các vật dụng khác. Giá trị văn hóa của cây tre vì thế cũng đang dần mai một. Ngày nay, nếu yêu thích các sản phẩm tre, bạn có thể dễ dàng đặt mua từ các làng nghề.
Không chạm tay vào quá trình chế tác, không hiểu rõ nguồn gốc của sản phẩm, con người dần mất đi sự kết nối với cây tre và giá trị văn hóa của nó.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta được tự tay làm một số vật dụng nhỏ từ tre trong gia đình, giá trị tinh thần mà cây tre mang lại sẽ được khơi dậy mạnh mẽ hơn, tái kết nối con người với di sản văn hóa.
Cần thiết có kế hoạch cho khai thác, sử dụng tre bền vững, nhất là khi Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về sản lượng tre, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar. Đáng nói, phần lớn tre ở Việt Nam là tre mọc tự nhiên, chưa được quy hoạch hay khai thác bài bản.
Trong giới kiến trúc, tre là vật liệu đa năng và thân thiện với môi trường, có tiềm năng ứng dụng trong cảnh quan đô thị. Việc để nguồn tài nguyên này chưa được khai thác hiệu quả là sự lãng phí đáng tiếc.
Từ năm 2019, tôi có cơ hội tiếp nối ước mơ của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, người đã kiến thiết vùng nguyên liệu mía đường Thanh Hóa. Ông Tam được nhắc đến là cán bộ nông nghiệp kỳ cựu của nhà nước cuối thập niên 80, đầu 90. Nhưng ít người biết đến ông là người thực sự yêu cây tre, đặc biệt là giống tre luồng bản địa Lam Sơn.
Khi còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, ông đã đầu tư dự án Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam. Trên diện tích 160ha, có 60ha dành riêng cho rừng tre tự nhiên. Dự án còn bao gồm 4 vườn tre hữu nghị với hàng trăm loài tre luồng từ khắp nơi trên thế giới, hứa hẹn trở thành khu bảo tồn và trưng bày tre độc đáo khi hoàn thiện.
Ở một dự án cộng đồng khác, tôi hợp tác với nghệ nhân làng nghề Xuân Lai thiết kế, xây dựng triển lãm bằng tre trong khuôn viên Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Trong Luật Xây dựng, tre chưa được công nhận là vật liệu chính thức, nhưng chính sự “không chính thống” này lại mở ra cơ hội sáng tạo, cho phép các kiến trúc sư xây dựng không gian văn hóa độc đáo trong các khu di tích lịch sử.
Đừng để mất tinh hoa văn hóa
Cây tre hiện diện trong nông nghiệp, công nghiệp và văn hóa. Khi hệ thống quản lý ngày càng cởi mở, liên ngành, xu hướng sử dụng tre sẽ ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, nếu khai thác không bền vững sẽ rất dễ dẫn đến mất rừng và thoái hóa đất, gây tổn hại lâu dài cho môi trường.
Để phát triển công nghiệp tre bền vững, cần tìm kiếm sự cân bằng. Yếu tố văn hóa chính là chất xúc tác giúp dung hòa lợi ích kinh tế và giá trị cộng đồng. Điều quan trọng là mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân - những người trực tiếp bảo tồn và duy trì nguồn tài nguyên quý giá này.
Nếu chỉ tập trung xây dựng nhà máy và sử dụng nguyên liệu tre thô, điều đó không chỉ tiêu tốn nguồn lực mà còn làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Người dân trồng tre theo cách công nghiệp sẽ không còn cảm nhận được ý nghĩa đời sống vốn có của nó như ngày trước. Một nghệ nhân biết chế tác, đan lát từ tre sẽ thu về giá trị tinh thần và kinh tế rất khác so với người chỉ trồng và khai thác tre đơn thuần.
Quy hoạch vùng trồng tre cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, thuận lợi cho khai thác nhưng không phá vỡ cân bằng sinh thái. Tre phải được trồng và canh tác như một phần của hệ sinh thái, chứ không phải là loài cây độc tôn chiếm lĩnh. Đây cũng chính là giá trị của cây tre qua hàng nghìn năm, giống như một cái giàn giáo, tre là nền tảng tạm thời hỗ trợ cho những công trình, nhưng luôn sẵn sàng nhường chỗ cho các vật liệu bền vững hơn.
Nhìn rộng hơn, Tổ chức Tre thế giới đã mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính sách, công nghiệp, kiến trúc, quy hoạch đến thực phẩm, trồng rừng, tái chế… Điển hình, Chủ tịch của tổ chức đã phát triển mô hình vỏ máy bay bằng tre nhằm giảm thiểu tiêu tốn nhiên liệu và tăng tính bền vững.
Ở Việt Nam, cây tre mang tiềm năng lớn trong các dự án phản ứng nhanh. Ví dụ, tre phù hợp để dùng làm vật liệu xây dựng nhà ở sau thiên tai nhờ đặc tính nhẹ, dễ vận chuyển, dễ gia công và thân thiện với môi trường. Không chỉ giải quyết các nhu cầu cấp thiết, tre còn hứa hẹn tạo ra những giải pháp bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của đất nước.
Quỳnh Chi (ghi)