| Hotline: 0983.970.780

Thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM trong thời gian tới

Thứ Năm 17/06/2021 , 14:06 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, khi cách ly F1 tại nhà, hay tại cơ sở sản xuất thì phải đảm bảo điều kiện về y tế, đáp ứng các tiêu chuẩn phòng chống Covid-19.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 Bộ Y tế tại TP.HCM, đứng trước tình hình dịch bệnh lan rộng ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, thì Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia đã đặt vấn đề về việc cách ly F1 tại nhà.

Trước đây, chúng ta cố gắng xây dựng các khu cách ly tập trung để đảm bảo an toàn đối với cộng đồng và đảm bảo an toàn cho người được đưa vào khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, thực tiễn khi dịch Covid-19 lan rộng, số lượng các địa điểm cách ly tập trung bị hạn chế, điều kiện cách ly tập trung nếu thực hiện không tốt thì có thể khả năng lây nhiễm chéo giữa các phòng cách ly, giữa các tầng cách ly. “Chúng tôi đã bàn bạc, phải xây dựng phương án đến khi khu cách ly tập trung không đáp ứng nổi thì sẽ triển khai biện pháp cách ly tại nhà với đối với F1”, Thứ trưởng Sơn nói.

Về điều kiện đảm bảo về y tế khi cách ly F1 tại nhà, hay tại những cơ sở sản xuất, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí.

“Đây là điểm hết sức quan trọng. Nếu cách ly tại nhà trọ thì không thể được, vì công nhân sẽ ở tập trung với nhau, hoặc đối với các nhà ống mà nhiều người trong gia đình đi qua đi lại cũng không được. Tiêu chí này cũng đã được Bộ Y tế giao Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) xây dựng, hiện giờ đã có phương án dự thảo”, Thứ trưởng Sơn phân tích.

Ngay khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, từ tháng 4/2021, Bộ Y tế đã xây dựng phương án và đã được chấp thuận cho cách ly tại nhà đối với đối tượng F1 là thiếu nhi nhỏ hơn 15 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: H.L.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: H.L.

“Khi tập trung F1 sẽ gây rất nhiều nguy cơ có thể lây nhiễm, đặc biệt là việc chăm sóc cho trẻ nhỏ. Do đó, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về việc tổ chức cách ly tại nhà cho các đối tượng thiếu nhi dưới 15 tuổi và các em nhỏ dưới 5 tuổi.

Bên cạnh đó, việc cách ly tập trung tại nhà cũng phải đảm bảo việc theo dõi, chăm sóc y tế giống như cách ly trong khu cách ly tập trung. Đồng thời, các xét nghiệm theo dõi cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh. Như vậy, mới đảm bảo được tiêu chuẩn. Dự kiến sẽ thí điểm tại TP.HCM trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, việc xác định F1 hay F2 là khái niệm về dịch tễ để xác định đối tượng, từ đó khoanh vùng xử lý.

“F0 là ca phát hiện đầu tiên, nhưng không có nghĩa là F1 do F0 lây cho F1. Nhưng từ mối quan hệ đấy, chúng ta nhanh chóng khoanh vùng lại, kể cả F1, F2. Khi dịch có hình thái lây lan thì xác định ca nào lây cho ca nào phải dùng các biện pháp, kỹ thuật cao hơn, chứ không phải chỉ bằng điều tra dịch tễ.

Sau khi khoanh vùng lại thì chúng ta mới đảm bảo vùng đó an toàn, nghĩa là xung quanh các ca F0 chúng ta khoanh vùng để tách ra khỏi cộng đồng, từ đấy “bóc tách” ra những ca lây nhiễm để xử lý”, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM phân tích.

Ông Lân cho rằng, F1, F2 là người khỏe, do đó vấn đề hàng đầu là phải nghiêm túc trong cách ly. “Dù ở nhà hay cách ly tập trung cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế trong cách ly. Như vậy, hy vọng ý thức người dân cao hơn nữa, có các biện pháp cao hơn nữa thì có thể cách ly tại nhà để họ cảm thấy thoải mái hơn”, ông Lân nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mạnh dạn tính đến tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, thì nghiên cứu, khảo sát để thí điểm quy mô nhỏ cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận. Trước hết, thí điểm ở những gia đình có điều kiện về nhà cửa, có khoảng cách với những nhà xung quanh…

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.