Ngày 29/11, trong khuôn khổ Chương trình Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2024, diễn ra cuộc gặp gỡ và trao đổi về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và lộ trình hướng đến mục tiêu Net Zero 2050.
Ông Binu Jacob, Đồng chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động quyết liệt ngay từ hôm nay. Với Nestlé, phát triển bền vững không chỉ là một chiến lược mà đã trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã triển khai nhiều sáng kiến toàn diện như tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào năng lượng tái tạo và kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ từ toàn chuỗi giá trị để đạt được các mục tiêu giảm phát thải. Hành trình giảm khí thải không thể thành công nếu chỉ dừng ở hành động đơn lẻ mà đòi hỏi sự chung sức của toàn bộ chuỗi giá trị, đặc biệt là từ những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bền vững”, ông Binu Jacob khẳng định.
Cùng quan điểm với Tổng Giám đốc Nestlé, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững. Những tên tuổi lớn như Nestlé, Coca-Cola hay Vinamilk đã đi đầu trong việc triển khai các báo cáo giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học thay vì chỉ làm để đối phó.
Việc định vị lượng khí thải cacbon và thực hiện các biện pháp bù đắp không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thời đại mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế xanh.
Do đó việc hợp tác chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là để giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học và đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ cacbon, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, thị trường carbon không chỉ là công cụ quan trọng giúp giảm khí thải mà còn mở ra cơ hội tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
“Dù tại COP29, các quốc gia phát triển đã cam kết hỗ trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển nhưng con số này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, ước tính lên đến 2400 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035. Với Việt Nam, việc huy động đủ tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững vẫn là một thách thức lớn”, ông Thọ chia sẻ thêm.
Thách thức này càng trở nên rõ ràng hơn khi Việt Nam chưa thể tận dụng hết tiềm năng của các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, vốn đang chịu thiệt hại lớn do không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh.
Bên cạnh đó, năng lực công nghệ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực khí hậu cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Do đó Việt Nam cần khẩn trương nâng cao năng lực đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng cho việc báo cáo, giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm vào năm 2025 và sẽ bắt buộc từ năm 2030 với các doanh nghiệp phát thải lớn.
Chia sẻ thêm về lộ trình này, ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thị trường carbon tại Việt Nam sẽ gồm hai loại: thị trường tuân thủ dựa trên hạn ngạch phát thải do Chính phủ phân bổ và thị trường tự nguyện, nơi các doanh nghiệp tự đầu tư vào công nghệ xanh để tạo ra tín chỉ carbon.
Giai đoạn thí điểm sẽ chỉ áp dụng với khoảng 150 cơ sở phát thải lớn, được miễn phí 100% hạn ngạch phát thải. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cũng được phép sử dụng tối đa 20% tín chỉ cacbon để bù trừ hạn ngạch.
Dù vậy, để tận dụng tối đa cơ hội từ cơ chế trao đổi tín chỉ carbon, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của thị trường này.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường cacbon không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mang lại lợi ích tài chính lớn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ xanh mà không chịu gánh nặng chi phí.